2016/03/27

TẢN MẠN CHUYỆN PHÓNG VIÊN BỊ ĐÁNH

LâmTrực@


Tôi không quen anh Đỗ Doãn Hoàng, nhưng bạn bè nói, tuy là nhà báo nhưng anh là người tử tế. Anh tốt và khác xa những nhà báo lưu manh vốn đầy rẫy trong xã hội này. 

Anh Hoàng là nhà báo vừa bị hành hung ở Kim Lũ bởi 3 kẻ côn đồ lạ mặt mà anh không thể nhận ra chúng là ai. Ngay lập tức các cơ quan báo chí lên tiếng đòi hỏi phải tìm bằng được thủ phạm. Có thể thấy thông tin anh bị hành hung và những đòi hỏi to tiếng, khắt khe phải tìm ra thủ phạm tràn ngập khắp các mặt báo.

Thật ra, các cơ quan báo chí không cần lên tiếng thì chắc chắn cơ quan bảo vệ pháp luật cũng vẫn phải có trách nhiệm tìm ra thủ phạm. Nhưng nhiều báo cùng lên "mạnh mẽ" đã "gây áp lực lên cơ quan điều tra" làm người đọc có cảm nghĩ tính mạng, sức khỏe của một nhà báo quý hơn tính mạng sức khỏe của một người dân. Một anh CSGT bị ô tô cố tình đâm, tính mạng đang nguy kịch được mô tả không thể nghiêm trọng bằng việc một nhà báo bị côn đồ đánh, và tất nhiên số lượng bài thì không thể so sánh. Có phóng viên ác tâm còn đặt vấn đề hay anh CSGT làm sai nên mới bị đâm mà không đặt vấn đề anh Hoàng có tư thù cá nhân với đám côn đồ kia hoặc tác nghiệp sai quy trình?

Có nhà báo giật tít rất hung hăng, như "Tấn công nhà báo: Trả thù hay bịt miệng", "Vụ nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị đánh: Sự thách thức pháp luật", hay "Từ vụ nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung: Điều tra & Trả giá"...gây ức chế, căng thẳng và tâm lý hoài nghi cho người đọc. Thậm chí đã có tờ báo viết sặc mùi kích động khi so sánh việc tìm thủ phạm vụ trộm chim của ông PGĐ sở ở Quảng Nam với vụ đánh anh Hoàng. Xin lỗi, đó là lối viết vô văn hóa.

Nói thẳng, với tình trạng xuống cấp của thế giới báo chí như hiện nay, việc một phóng viên bị người dân đánh cũng chả có gì lạ.

Nói gì thì nói, sự bức xúc của đủ thành phần trong xã hội với một số nhà báo là điều có thật, và khi cơ quan quản lý còn làm ngơ với cơ số không ít đội ngũ xã hội đen núp bóng con chữ này, thậm chí vì lợi dụng nó mà phớt lờ các quy chuẩn đạo đức cho người làm báo, thì hẳn những sự việc xô xát như trên còn tiếp diễn. Điều này, có thể vô hình chung gây ảnh hưởng, làm tổn thương đến những người làm báo tử tế ít ỏi còn lại như anh Đỗ Doãn Hoàng.

Quan sát ngẫu nhiên, thấy rất ít người lên tiếng trước vụ xô xát này ngoại trừ …báo chí. Không lẽ xã hội vô cảm đến thế?

Anh Đỗ Doãn Hoàng - một nhà báo tử tế - suy cho cùng đã không may phải gánh chịu cho những tai tiếng mà không ít các đồng nghiệp của anh tạo ra. Chả thế, nhà báo kì cựu Hữu Thọ đã phải viết một bài với tựa đề "Sợ báo hơn sợ cọp". Khi nỗi sợ chuyển thành nỗi bức xúc thì sớm muộn chuyện nhà báo bị chính cần lao tẩn cũng sẽ xảy ra.

Liên quan đến câu chuyện anh Hoàng bị đánh, trong một stt, FB Mai Dương viết, mới cách đây mấy hôm, một tay nhà báo xứ Nghệ từng thổi vống mình lên với trách nhiệm chống tham nhũng, đã bị túm cổ ở Đắc Lắc. Nài nỉ van xin người ta gặp, gặp rồi dúi quà bắt người ta nhận, thậm chí còn vô đạo đức đến mức độ lợi dụng cả đứa bé mới sinh, rằng đây là “sữa cho cháu”. Và dù người ta không nhận nhưng cũng quay phim ghi hình và cắt xén để chứng minh người ta “nhận hối lộ”. Thứ này bị bắt, mà nhan nhản nhà báo vẫn ầm ỹ kêu ca như oan ức lắm không bằng. Cứ thế, hỏi sao cớm chưa tẩn, dân đã tẩn rồi?

Có lẽ với các phóng viên, song song với việc kêu gọi pháp luật sớm trừng trị 3 tên côn đồ kia cùng kẻ đứng sau (nếu có), thì cũng nên có tiếng nói với các đồng nghiệp rằng hãy nghiêm túc với nghề cao quý này, để làm sao những câu chuyện như thế đừng xảy ra nữa.

No comments:

Post a Comment