2016/03/23

Những người yếu thế trong danh sách bầu cử

Mõ Làng

Yếu thế là trạng thái không vững vàng, dễ bị thua thiệt. Khái niệm yếu thế trong bầu cử thường được hiểu là những người có nguy cơ bị loại do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan làm họ mất phiếu bầu. Chẳng hạn như vấn đề cơ cấu tuổi, giới, thành phần, hay vấn đề học vấn, quá trình cống hiến...

Còn nhớ, hôm 23/9/2014, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, nhiều vị trong TVQH đã nói đến những ứng viên "yếu thế". 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói “Kinh nghiệm của các nước là luật quy định rõ tỉ lệ thành phần giới tham gia bầu cử. Trong khi ở ta, cũng bầu cử nhưng nhìn vào danh sách được lập đã thấy cơ cấu, nhìn vào là biết quân xanh, quân đỏ”.

Nguyên Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng nói cần quan tâm đến điều này, nếu không có người sẽ rơi vào thế yếu, đừng để những người khi bước vào bầu cử đã nghĩ mình là "quân xanh".

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khái quát: “Có danh sách ứng cử chênh lệch nhau cơ bản, cử tri nói ta nhiều, chênh lệch quá xa, một ông GS và một cô trung cấp chênh nhau quá. So với ông nam trình độ to tướng, nữ trung cấp thì sao trúng được. Điều này có phần do chủ quan địa phương. Do đó chúng ta nên đưa vào luật để thực hiện”.

Có không hiện tượng mà các vị có trọng trách trong Quốc hội đã cảnh báo trong kỳ bầu cử khóa XIV lần này. Điểm qua danh sách ứng cử do Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội Hà Nội giới thiệu cho đơn vị bầu cử của Thủ Đô thì thấy trong đó không ít trường hợp có thể sẽ trở thành yếu thế, "quân xanh, quân đỏ" khi lấy phiếu tín nhiệm của cử tri.

Đứng bên cạnh một vị Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Hà Nội là vị Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã; Bên cạnh vị Tư lệnh Bộ tư lệnh thủ đô là vị Chính ủy Sư đoàn bộ binh 301, Bộ tư lệnh Thủ đô; Bên cạnh vị Phó giám đốc công an Hà Nội là vị Chủ tịch Công đoàn Công an Hà Nội; Bên cạnh vị Chánh án Tòa án nhân dân Hà Nội là vị cán bộ Tòa án nhân dân Hà Nội; Bên cạnh vị Hiệu phó Đại học Kinh tế quốc dân là vị giảng viên Đại học Thương mại; Giữa một loạt vị Giấm đốc, Hiêu trưởng các trường Đại học là một cô giáo giáo Trung học phổ thông dân tộc nội trú Ba Vì; Bên cạnh vị Hiệu trưởng Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội là một Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn, Nhà hát múa rối Thăng Long; Cạnh vị Giám đốc Viện Tim Hà Nội là một nhân viên Bệnh viện đa khoa Đống Đa; Cạnh vị Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP Hà Nội là vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP quốc tế Sơn Hà... 

Có ít nhất là 9 cặp đôi cùng nghề nghiệp, lĩnh vực công tác có sự chênh lệch rõ rệt về nhiều mặt. Liệu những người có địa vị công tác, trình độ chuyên môn, quy mô địa bàn quản lý, thâm niên nghề nghiệp... có bị xếp vào diện lợi thế hoặc yếu thế. Cách giới thiệu như vậy khiến cử tri nghĩ đến "quân xanh, quân đỏ" như vị Phó chủ tịch Quốc Hội và nhiều vị có trọng trách trong TVQH đã nói.

Cách lựa chọn, giới thiệu như vậy liệu có đúng là lựa chọn giới tinh hoa để cử tri cân nhắc, lựa chọn qua nhiều yếu tố khác như phẩm chất đạo đức, lối sống, chương trình hành động tranh cử... Có ý kiến cho rằng, thành phần đưa ra trong danh sách còn bị chi phối bởi cơ cấu thành phần, giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp... Song vẫn có kênh thông tin để giải quyết vấn đề này bằng cách cung cấp danh sách chung toàn thành phố cho các đơn vị bỏ phiếu.

Tình trạng yếu thế của các ứng viên sẽ còn trầm trọng hơn trong khâu vận động bầu cử. Theo luật bầu cử hình thức vận động là người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri do UB MTTQ các cấp ở địa phương nơi mình ứng cử tổ chức và vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng (Điều 65, 67 Luật Bầu cử). 

Vận động thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri, ứng viên có thể yếu thế khi thành phần tham dự hội nghị không phải là tất cả cử tri. Phần lớn cử tri còn lại có thể bỏ phiếu cảm tính qua thông tin mà hội đồng bầu cử cung cấp nhưng không phải ai cũng quan tâm.

Vận động thông qua thông tin đại chúng cũng có thể trở nên bất lợi với những người yếu thế khi các phương tiện thông tin đại chúng có sự thiên lệch bởi nhiều lý do.

Chắc hẳn rằng, cùng với số lượng ứng viên tự ứng cử đông đảo như vừa qua, tình huống "yếu thế" có thể còn phức tạp hơn. Khi đó, liệu cơ cấu thành phần có còn ở thế chủ động.

No comments:

Post a Comment