2016/03/04

Nguyên nhân sự vô cảm khi có người bị tai nạn

Mõ Làng



Vụ tai nạn do "xe điên" gây ra cái chết cho 3 người ở Ái Mộ, Long Biên, Hà nội đã khiến xã hội bàng hoàng, đau xót vì quá thương tâm. Gần đây, khi số lượng ô tô tư nhân tăng cao, những vụ tai nạn kiểu như vậy ngày một nhiều khiến xã hội phẫn nộ. 

Trong ý kiến lần này xin bàn đến một vấn đề khác mà dư luận đang sục sôi. Người Việt có "vô cảm" hay không khi gặp người bị tai nạn bất thường?

Tôi muốn bàn đến chuyện đó vì rằng theo dõi trên mạng XH thì thấy, hầu như cư dân mạng đã chờ chực bên máy tính, bên điện thoại di động để theo dõi, cập nhật từng phút về những thông tin, diễn biến mới nhất về vụ tai nạn để rồi đọc được những chia sẻ về sự vô cảm của người đi đường khi chứng khiến giây phút nạn nhân cận kề cái chết.

Sự quan tâm càng tăng lên khi báo chí chính thống cũng cập nhật liên tục những bài viết, những bình luận theo hướng "vô cảm" là căn bệnh phổ biến của người Viêt, là sự xuống cấp về đạo lý có căn nguyên từ giáo dục! 

Không cứu giúp một ai đó khi họ gặp nạn liệu có phải là bản chất của người Việt? Tôi không tin người Việt chúng ta vô cảm đến như vậy. Bởi vì trên thực tế có nhiều và rất nhiều những việc làm từ tâm, thương người như thể thương thân của người Việt chúng ta.

Có đao to búa lớn quá không, khi quy kết như vậy mà không xem xét thấu đáo, nhìn nhận cho ra được gốc rễ của vấn đề, thay vì rác tai với những tiếng chửi vô cảm. Điều gì khiến cho con người ngày càng trở nên "lạnh lùng" và thậm chí hoảng hốt, sợ hãi khi phải hành động để cứu giúp người khác?

Tôi có xem cái clip ngắn chiếc xe hơi hất tung vài con người lên. Sau đó, tôi đọc thấy câu chuyện của một cô giáo kể về lúc đưa em bé đi bệnh viện, ở góc khác của vụ tai nạn. Cô ấy viết: "Mọi người chặn được một chiếc xe taxi. Khi những người bế cháu lên đưa ra xe thì taxi bỏ chạy mặc cho mình và mọi người kêu gọi. Tiếp tục mình đứng ra giữa đường chặn một cái xe con. Người đàn ông lái xe cố tình chen đám đông để thoát. Xe tải nhỏ của công an phường xuất hiện. Mình nói các chú đưa cháu đi. Mọi người bế cháu đặt xuống lòng xe tải. Hai bên có ghế. Mình lên ca bin (Vì mình bị huyết áp cao nhìn học trò như vậy mình sợ mình không chịu đựng được). Xe bắt đầu chuyển bánh mình nhìn lại đằng sau chỉ có một mình cháu nằm chơ vơ giữa lòng xe tải. Những người bế cháu lên không ai ngồi với cháu. Mình bảo lái xe đỗ lại để nhờ những người có mặt ai đó ngồi sau với cháu".

Lòng tốt thì không thiếu, luật pháp cũng đã có chế định trách nhiệm hình sự khi không hành động cứu giúp người bị nạn. 

Câu hỏi để tự phản biện cho lòng tin của mình luôn lởn vởn trong tâm trí tôi. Cái gì là rào cản hành động cứu giúp trong trường hợp này và những trường hợp tương tự?

Theo tôi, câu trả lời có thể là do những nguyên nhân thực tế từ các định chế thiếu hợp lý trong xử lý các tình huống cứu giúp. Người làm việc cứu giúp tự dưng bị vướng vào một mớ lùng nhùng những rắc rối khi họ hành động cứu giúp có thể nhìn thấy như sau:

-Khi cần phương tiện chuyên chở họ phải van xin người khác mà chưa chắc đã được giúp đỡ. (Lịch sử Việt Nam chưa thấy ai bị xét xử về tội chủ phương tiện chuyên chở không tham gia cứu giúp cả, mặc dù luật pháp có quy định).

-Khi đến bệnh viện, họ phải ký biên bản, nhận là người nhà, đóng tạm ứng tiền khám chữa bệnh thì mới được cấp cứu. Có trường hợp bị nhân viên y tế kiên quyết giữ lại khi họ đưa nạn nhân đến.

-Đôi khi, với nạn nhân, người nhà nạn nhân, họ bị nhầm là người gây ra tai nạn, có trường hợp đã bị hành hung.

-Khi xong việc cứu giúp họ còn bị làm phiền bởi cơ quan công an về chuyện "làm chứng", có khi kéo dài đến tận vụ việc đưa ra tòa án.

Ấy là chưa nói đến trường hợp do không có kiến thức về sơ cứu mà làm nặng thêm, thậm chí gây ra cái chết cho nạn nhân. Đã có trường hợp một học sinh suýt bị án oan vì đã cứu giúp một người đàn ông bị đột quỵ trên đường.

Thật kỳ lạ, tại sao họ phải van xin, họ phải nhận là "người nhà", họ phải bị làm phiền khi cứu giúp một con người?

Rõ ràng, bệnh viện không có chức năng điều tra, vì thế các nhân viên y tế chẳng cần phải biết người đưa nạn nhân đến là ai. Liệu nhân viên bệnh viện có được miễn trừ trách nhiệm cứu giúp, cấm thanh toán viện phí cấp cứu khi có người bị tai nạn chưa rõ nguyên nhân.

Rõ ràng, khi biết họ chỉ là người cứu giúp cơ quan hành pháp có cần họ phải viết báo cáo, phải ký các thứ biên bản, phải đến tòa với vai trò nhân chứng. 

Vô hình, những chế định đó nó hóa thành nỗi sợ lấn át lòng tốt. Chẳng một công dân bình thường nào muốn một việc làm tốt của mình lại vướng vào nhiều rắc rối. Vậy nên, họ đành chịu tiếng "vô cảm" còn hơn "ách ngoài đàng mang vào cổ". Vậy nên, họ cứng đờ lại vì sợ hãi mỗi khi bắt gặp người cần cứu giúp trên đường.  

Để làm một việc tốt, chưa bao giờ là một thứ không phải nỗ lực. Nhưng cách hành xử để khiến hành vi lương thiện thành sự sợ hãi liên lụy, thì đó là lỗi của chế định mà nhà nước phải xem lại. Đừng để sự "vô cảm" trong trường hợp cứu giúp trở thành căn bệnh rồi mới đổi thuốc.

No comments:

Post a Comment