2016/03/11

Chống tham nhũng: Đã bắt trúng bệnh nhưng bốc thuốc thế nào

Kính Chiếu Yêu



Lâu nay, tham nhũng đã và đang là vấn đề nóng nhất dư luận. Văn kiện Đảng, người đứng đầu của Đảng cũng đã dùng nhiều từ ngữ rất mạnh để nói về nguy cơ này và hôm nay, Hội nghị Trung ương 2 khóa XII nhắc lại nhiệm vụ trọng tâm sắp tới là chống tham nhũng. Các cơ quan chống tham nhũng cũng đã "quyết liệt" vào cuộc, một số vụ án trọng điểm đã được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, đảng viên và nhân dân vẫn không hài lòng với kết quả khiêm tốn có được.

Biện minh cho hiện trạng đó, hầu như tất cả các cơ quan có chức năng chống tham nhũng đều có chung một lời giải thích rằng: Án tham nhũng khó tìm ra bằng chứng, nhất là khi người đưa kẻ nhận, vì nhiều lý do cố giữ bí mật. Liệu có phải vì thế mà công tác chống tham nhũng kém hiệu quả?

Mới đây, trong hai hội nghị về chuyên đề này ở hai đầu đất nước, những người có trách nhiệm đã có những phát biểu "thực lòng" rất đáng lưu tâm. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4.3.2016. Ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ - chia sẻ “Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, chống lại cơ chế xin cho. Chúng tôi chống lại có khi “chết' trước”! "kê khai tài sản nói bây giờ là hình thức, vậy tại sao ta cứ để mãi thế không sửa?”

Còn ở đầu kia, Thiếu tướng, PGĐ CATP Hồ Chí Minh Phan Anh Minh đã có một phát biểu rúng động. Theo đó công an không phải khám phá ít tham nhũng mà không khám phá vụ nào vì không được phép làm, vì không được trinh sát đảng viên; vì kết quả kê khai tài sản công an không được đụng đến; 50% các vụ buôn lậu, tham nhũng có yếu tố hải quan; tham nhũng tài chính có yếu tố lũng đoạn…

Những phát biểu đó được đánh giá là dũng cảm, có trách nhiệm, được dư luận đồng tình. Nói một cách hình tượng thì các vị "bác sỹ" ấy đã bắt trúng bệnh của cơ chế.

Đã từ lâu ai cũng thấy, một trong những giải pháp được cho là rất cơ bản để phòng chống tham nhũng chính là việc kê khai, giám sát tài sản của quan chức. Không phải ngẫu nhiên mà ông Phạm Trọng Đạt đặt câu hỏi “Chẳng hạn như việc kê khai tài sản, nói bây giờ là hình thức, vậy tại sao ta cứ để mãi thế không sửa?”. Và ông thẳng thắn trả lời cho câu hỏi của mình: “vấn đề của chúng ta là kê khai nhưng không công khai, lại không truy nguyên. Kê khai xong cất trong tủ, thi thoảng lôi ra. Kê khai tài sản, thu nhập phải minh bạch và quản lý được thì hãy kê khai.”

Câu chuyện kê khai hay không, kiểm tra thế nào, giải trình đến đâu ấy là việc của Đảng, Chính phủ để làm trong sạch bộ máy, tạo dựng lòng tin trong nhân dân mà thôi. Còn trên thực tế, người dân đều biết sự thật là một bộ phận cán bộ công chức, nhất là ở những vị trí lãnh đạo, những loại công việc "nhạy cảm" giàu có một cách bất thường. Nhà lớn, xe sang, con cái vi vu ngoại quốc... những "phần nổi" ấy đã là quá bất thường so với đồng lương của họ. Đừng quên công khai để nhân dân giám sát.

Thực lòng mà nói, chỉ cần Đảng yêu cầu đảng viên có những bất thường về tài sản giải trình rõ nguồn gốc đồng tiền có được để mua sắm nhà cửa, đất đai, xe cộ, mua cổ phần doanh nghiệp... thì cũng đã có thể lôi ra không ít quan tham rồi. Tất nhiên sẽ có những quan tham biết cách giấu diếm tài sản (cần phải có cơ quan nghiệp vụ mới điều tra được), song họ không giấu được tất cả với nhân dân đâu.

Ở khía cạnh khác, khía cạnh chuyên môn, được ông Phan Anh Minh nói không khám phá được vụ tham nhũng nào "vì không được phép làm, vì không được trinh sát đảng viên" thì tôi chưa đồng tình. Chỉ thị 15 đã quá lỗi thời so với sự phát triển của hệ thống luật pháp hiện nay, dẫu có còn sử dụng thì cũng không ngăn cản được công tác điều tra mỗi khi đã phát hiện dấu hiệu tham nhũng. Biện pháp "trinh sát" được hiểu là biện pháp nghiệp vụ riêng có (được luật cho phép) để tìm hiểu một con người có nghi vấn. Nó cũng không phải là biện pháp duy nhất để điều tra tham nhũng. Đảng viên cũng đồng thời là công dân nên vẫn có thể sử dụng những biện pháp nghiệp vụ mà luật pháp cho phép để điều tra khi có nghi vấn.

Đừng để chuyện tham nhũng thành chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".

No comments:

Post a Comment