2016/03/30

AI CHO HỌ CÁI QUYỀN CAN THIỆP VÀO CÔNG VIỆC NỘI BỘ CỦA VIỆT NAM


Ai cho họ cái quyền can thiệp vào nội bộ Việt Nam

Cứ đến hẹn lại lên, hậu phiên tòa sơ thẩm Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh lại kích hoạt các ĐSQ Mỹ, phương Tây, tổ chức nhân quyền quốc tế đồng loạt phản đối bản án, cho rằng bản án đã vi phạm các kết quốc tế về quyền tự do biểu đạt, là sự truy bức với người "bất đồng chính kiến" và đòi trả tự do ngay lạp tức, vô điều kiện, bla, bla...đối với tù nhân.

Báo Nhân dân ngày 28/3/2015 có bài "Cần khách quan nhìn thằng vào sự thật" nhắc lại cho các "viên quan" muốn làm "quan tòa quốc tế" cần học lại luật quốc tế, cần nhìn lại chính mình trước khi "phán xét" và đòi làm "cảnh sát" can thiệp vào hoạt động bình thường của một đất nước có chủ quyền khác. Có lẽ những bài báo này nên được phát bằng song ngữ để hy vọng những chính khách thích thể hiện này "ngẫm nghĩ" về các phát biểu của họ
====
Cần khách quan nhìn thẳng vào sự thật!

Ngày 23-3, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258, Bộ luật Hình sự. Sau khi bản án được công bố, lập tức xuất hiện một số ý kiến phê phán Nhà nước Việt Nam và bao che cho người vi phạm pháp luật…

Sau khi kết quả phiên tòa xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP Hà Nội đối với Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy được công bố, lập tức một số tổ chức (như Giám sát nhân quyền - HRW, Liên đoàn quốc tế nhân quyền - FIDH, Ân xá quốc tế - AI, Phóng viên không biên giới - RSF, Bảo vệ nhà báo - CPJ,…) lại vội vã lên tiếng phản đối Nhà nước Việt Nam, rồi trịch thượng đưa ra yêu cầu, đòi hỏi. Điều này không có gì lạ, bởi từ trước đến nay HRW, FIDH, AI, RSF, CPJ… chưa bao giờ tỏ ra có thiện chí với Việt Nam, và đó cũng là mấy tổ chức mà từ sự tự thị thiếu văn minh, họ tự cho mình có “quyền” can thiệp vô lý, thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia có chủ quyền khác. Đáng tiếc nhân sự kiện này, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng ra tuyên bố không chỉ bày tỏ “quan ngại sâu sắc”, mà còn cho rằng: “Việc kết tội này dường như là không phù hợp với các quyền tự do biểu đạt và tự do báo chí được quy định trong Hiến pháp của Việt Nam, cũng như các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cùng các cam kết quốc tế khác của Việt Nam”! Đáng tiếc hơn, ngày 24-3, Văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) tại khu vực Đông - Nam Á (OHCHR) cho rằng, “cáo trạng dựa theo Điều 258 đi ngược lại các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế”; ông L. Meillan - quyền đại diện OHCHR, còn “kêu gọi Chính phủ Việt Nam chấm dứt các bản án theo Điều 258 và những điều khoản mơ hồ khác, ngưng truy bức các cá nhân sử dụng quyền tự do phát biểu ý kiến”!

Trước hết, với mấy người ở OHCHR, dường như trước khi phê phán Việt Nam, họ chưa đọc kỹ Hiến chương LHQ? Nếu đã đọc, họ sẽ phải thấy khoản 7 Điều 2 Hiến chương LHQ khẳng định: “Hiến chương này hoàn toàn không cho phép LHQ được can thiệp vào các công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia nào, không đòi hỏi các thành viên của LHQ phải đưa những công việc loại này ra giải quyết theo quy định của Hiến chương…”. Vì thế, liệu Hiến chương LHQ có cấp cho mấy người ở OHCHR tư cách nhân danh một tổ chức của LHQ để can thiệp vào “công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ” của Việt Nam? Tiếp đó phải khẳng định, việc Đại sứ quán Mỹ và OHCHR viện dẫn Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ (Công ước) mà Việt Nam ký kết để cho rằng bản án trên “không phù hợp, đi ngược lại các cam kết của Việt Nam” là lập lờ không thể chấp nhận, có thể gây ngộ nhận với người chưa tiếp xúc với văn bản Công ước. Đọc một cách trung thực sẽ thấy Ðiều 19 Công ước có nội dung cụ thể như sau: “1. Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp; 2. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia; 3. Việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có các bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu: a. Tôn trọng các quyền tự do và thanh danh của người khác; b. Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý”.

Theo đó, dù khẳng định quyền giữ vững quan niệm không bị ai can thiệp, quyền tự do phát biểu quan điểm của con người trong xã hội, thì Công ước cũng đồng thời khẳng định để thực hiện các quyền đó, con người có bổn phận, trách nhiệm đặc biệt, quyền này có thể bị giới hạn bởi pháp luật khi có liên quan với quyền tự do và thanh danh của người khác, với an ninh quốc gia, với trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý. Nghĩa là, các quyền đó không phải là không có giới hạn, trong các trường hợp cụ thể phải được chế định bởi luật pháp; cũng nghĩa là LHQ tôn trọng quyền tự chủ của mỗi quốc gia. Về các quyền này, Điều 25 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam cũng viết rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. So sánh với tinh thần khách quan và cầu thị, sẽ thấy sự tương thích giữa Điều 25 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam với Điều 19 Công ước. Do đó, phiên tòa và bản án đã tuyên của Tòa án nhân dân TP Hà Nội ngày 23-3 là phù hợp với quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí trong khuôn khổ pháp luật đã được khẳng định rõ ràng trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc của quốc gia, là cơ sở xây dựng toàn bộ hệ thống luật pháp với các bộ luật, luật, văn bản dưới luật,… kết hợp với văn bản hướng dẫn thi hành để căn cứ vào đó, công dân điều chỉnh hành vi, là cơ sở để các cơ quan chức năng nghiêm túc xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy ở Việt Nam, hệ thống luật pháp đã và đang ngày càng hoàn thiện, phù hợp với việc tổ chức, quản lý xã hội, phù hợp với yêu cầu của tiến trình phát triển đất nước, phù hợp với các cam kết quốc tế. Điều 258 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (theo Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27-11-2015 có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, nội dung này là Điều 331) đề cập tới hành vi “lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác” mà hậu quả là “xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Điều luật có nội dung rất cụ thể, hoàn toàn không mơ hồ, chỉ rõ hành vi phạm tội và hậu quả từ hành vi phạm tội; có tác dụng bảo vệ, điều chỉnh các quan hệ xã hội, bảo vệ quyền con người và tránh sự xâm phạm, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của cá nhân và lợi ích của Nhà nước, mà cao nhất là an ninh quốc gia. Đây là điều luật không chỉ được xác định trong hệ thống pháp luật Việt Nam, mà ngay ở nước Mỹ, nếu không có các điều luật tương tự sẽ không có chuyện D.Helms (Đ.Hem) - phụ trách một cửa hàng bán kem ở bang California (Ca-li-pho-ni-a) đã bị đuổi việc vì đăng trên Facebook những dòng phỉ báng Tổng thống B. Obama (B. Ô-ba-ma) sau khi ông vừa đắc cử nhiệm kỳ hai (theo: usnews.nbcnews.com). Càng không có chuyện J. Joseph (J.Giô-xép) - làm việc tại Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, đã bị sa thải vì “dùng nickname @natsecwonk trên Twitter công khai chỉ trích chính sách của ông chủ Nhà trắng; xúc phạm, chỉ trích một số quan chức của Nhà trắng, Bộ Ngoại giao như cựu Cố vấn an ninh quốc gia T. Donilon (T. Đô-ni-lon), Phó Cố vấn an ninh quốc gia B. Rhodes (B. Rốt), Ngoại trưởng J.Kerry (J. Ke-ry) cùng nhiều người khác” (theo: thedailybeast.com). Cũng nên đề cập sự kiện đầu năm 2015, khi B. Brown (B. Bơ-rao) - một nhà báo Mỹ, bị kết án 63 tháng tù giam, phải nộp phạt gần 900.000 USD vì có hoạt động liên quan nhóm hacker Anonymous. Nhiều nhà báo, nhà hoạt động vì nhân quyền, nhà hoạt động vì tự do internet ở Mỹ đã theo dõi sát vụ án xét xử B. Brown, vì họ lo ngại bản án có thể vi phạm quyền tự do báo chí. Nhưng Bộ Tư pháp Mỹ thì cho rằng “bằng cách chia sẻ đường link, Brown đã khiến cho dữ liệu bị rò rỉ được lan truyền trên thế giới mạng, mà không được sự đồng ý của Stratfor và các chủ thẻ tín dụng” (Stratfor là công ty tình báo tư nhân ở Mỹ)… Xét từ tính chất, mức độ thì các sự kiện, phiên tòa kể trên tại Mỹ không khác biệt so với các sự kiện, phiên tòa liên quan một số cá nhân có hành vi tương tự ở Việt Nam. Như vậy, từ tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam, liệu có thể đặt ra câu hỏi: Phải chăng các sự kiện, phiên tòa đó dường như không phù hợp với các quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí được quy định trong Hiến pháp Mỹ, cũng như các nghĩa vụ của Mỹ theo Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, và các cam kết quốc tế khác của Mỹ? Nếu các sự kiện, phiên tòa đó là đúng đắn, chính xác, phù hợp với luật pháp Mỹ thì phải chăng, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam sử dụng “tiêu chuẩn kép” để cho rằng các các sự kiện, phiên tòa cùng tính chất diễn ra ở Mỹ là bình thường, nhưng diễn ra ở Việt Nam thì lại làm cho họ… “quan ngại sâu sắc”?!

Những năm gần đây, tòa án nhân dân ở Việt Nam đã xét xử và tuyên án một số cá nhân có hành vi liên quan tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Đó là việc làm cần thiết, phù hợp với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, nhằm giữ gìn kỷ cương, phép nước, bảo đảm ổn định, an toàn và an ninh xã hội, vì sự phát triển. Tuy nhiên, mỗi khi có phiên tòa liên quan các tội danh trên được tổ chức lập tức một số tổ chức, thậm chí là đại diện một vài chính phủ, lại lên tiếng vu cáo, phê phán Nhà nước Việt Nam, và đưa ra một số lý lẽ mà thực chất là bao che người phạm tội. Sau đó, một số người vốn được một số tổ chức cùng Mỹ bênh vực, như Bùi Kim Thành, Nguyễn Văn Hải, Trần Khải Thanh Thủy, Tạ Phong Tần,… được định cư ở Mỹ. Trớ trêu là vừa tới Mỹ, lập tức mấy người này tự lộ nguyên hình họ là ai. Kẻ tối ngày phất cờ Mỹ lang thang hò hét ngoài đường như Bùi Kim Thành; kẻ nhanh chóng “đứng dưới cờ vàng” như Nguyễn Văn Hải; kẻ vì mâu thuẫn với tổ chức khủng bố “Việt tân” nên bị cắt nguồn trợ giúp phải vất vưởng kiếm sống qua ngày như Trần Khải Thanh Thủy… Đó là sự thật mà ai đó đã bênh vực họ khi bị tuyên án ở Việt Nam cần khách quan nhìn thẳng vào sự thật, từ đó nhận chân sự thật, và sáng suốt phân biệt đúng - sai, thật - giả, lương thiện - bất lương. Thiếu sự khách quan, thiếu sáng suốt, họ sẽ không chỉ can thiệp vào “công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ” của Việt Nam như Hiến chương LHQ khẳng định, mà còn cổ vũ, tiếp tay cho cái xấu, qua đó có thể tự hạ thấp giá trị của chính mình.

LÊ VÕ HOÀI ÂN

Xem link http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/29147702-can-khach-quan-nhin-thang-vao-su-that.html

Chép từ Võ Khánh Linh

No comments:

Post a Comment