2016/02/25

Trung Quốc đang sai lầm trong chính sách đối với ASEAN

Mõ Làng



Tin mới nhất cho thấy, Trung Quốc không chỉ đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm (Hoàng Sa, Việt Nam) mà còn đưa cả máy bay chiến đấu ra đó. Điều ấy cho thấy, tình trạng leo thang chiến tranh đã rõ ràng.

Hôm 16/2, bên lề hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN tổ chức tại Sunnylands, thành phố Rancho Mirage, bang California, Tông thống Mỹ Barack Obama đã nói với báo chí: "Tôi nghĩ Trung Quốc đang dùng đến cách chân lý thuộc về kẻ mạnh, trái ngược với sử dụng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế để đưa ra yêu sách và giải quyết tranh chấp". Ông còn nói thêm, hiện "vẫn còn nguy cơ lớn xảy ra xung đột" giữa các bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Bình luận trên được đưa ra khi xuất hiện thông tin Trung Quốc điều động hệ thống tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động phi pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Những động thái trên trái ngược hoàn toàn với những gì mà ông Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Obama hồi tháng 9/2015 trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Vườn Hồng, Nhà Trắng. Ông Tập đã đảm bảo rằng Trung Quốc không muốn quân sự hóa các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.

Nói một đằng, làm một nẻo ấy là cách mà Trung Quốc vẫn hành xử với ASEAN trong những vấn đề của Biển Đông bấy lâu nay. Mỗi lần như vậy, Trung Quốc nhắc đi nhắc lại lý lẽ rằng đấy là việc làm để bảo vệ "chủ quyền" (bất hợp pháp) của mình và chính Mỹ mới là quốc gia đang quân sự hóa Biển Đông nên họ phải đối phó.

Nước Mỹ thì cứ ra hết tuyên bố này đến lập trường khác, Trung Quôc thì cứ hành động, còn các nước ASEAN thì lúc nào cũng đứng ngồi không yên. Một số nhà phân tích thì nhấn nhá rằng chiến tranh Biển Đông có thể sẽ xảy ra. Bầu không khí đầy nguy cơ chết chóc đó cứ ngày một nóng lên là cái cớ để hai bên leo thang. Xa hơn nữa, Trung Quốc có thể quân sự hóa cả những đảo mà họ chiếm được của Việt Nam ở Trường Sa. Ở đó, cơ sở vật chất cho những căn cứ quân sự đã được hoàn tất. Ho sẽ tạo cớ để làm việc đã rồi trong lúc Mỹ cứ ra tuyên bố mà không hành động.

Câu hỏi, liệu chiến tranh Biển Đông có xảy ra đã được nói đến. Với Trung Quốc, điều đó không dễ dàng vì rằng việc đối đầu quân sự trên Biến Đông sẽ lôi cuốn cả khối ASEAN (ít nhất là những nước có tranh chấp với Trung Quốc) trên biển vào đó. Trung Quốc thất bại là cái chắc. Không những thế, họ sẽ còn mất nốt những gì họ chiếm được từ bấy lâu nay.

Có vẻ như các nhà hoạch định chính sách của cả Mỹ từ lâu đã hiểu rõ những vấn đề thuộc về cơ cấu, tổ chức khiến khối này khó có thể đưa ra lập trường mạnh mẽ với Trung Quốc bởi nguyên tắc "đồng thuận" trong bối cảnh chỉ có 4 trong 10 nước thành viên khối có tranh chấp. Đó là lý do hai bên thường có xu thế hướng tới những thỏa thuận thực tế dựa trên những nguyên tắc lớn trong ASEAN để đảm bảo tính gắn kết của khu vực. Điều này khiến Mỹ không thể dễ dàng lập mặt trận chống TQ để có thể hành động quyết liệt, cứng rắn.

Bề ngoài, thái độ của ASEAN trong tuyên bố chung Sunylands là rất ôn hòa. Người ta dễ dàng nhận thấy sự nhất trí chung nhưng lại rất khiên tốn. Phần đề cập đến vấn đề Biển Đông thể hiện tất cả các nguyên tắc hiện có, trong đó có việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, và cam kết về tự do hàng hải, hàng không. Những đồng thuận rất tối thiểu này không hề chỉ đích danh Trung Quốc đang là nhân tố gây hấn trên Biển Đông.

Tuy nhiên, theo những quan chức tham dự, lãnh đạo các bên đã thảo luận chi tiết hơn về các vấn đề an ninh trong những phiên họp kín trong ngày hội nghị thứ hai, trong đó có đề cập đến cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông. Cũng như bất cứ hội nghị cấp cao nào khác, những gì diễn ra trong các phiên họp kín cũng quan trọng tương đương, nếu không muốn nói là hơn, những gì được viết ra trên tuyên bố chung.

Bằng tuyên bố chung Sunylands cùng những đồng thuận của phiên họp kín, chính quyền Obama đã thành công trong việc xác lập vai trò của Mỹ đối với ASEAN trong nhiều vấn đề, trong đó có Biển Đông. "Lạt mềm buộc chặt" Mỹ đã đạt được mục đích của mình với vai trò "nhạc trưởng" ở Đông Nam Á khi họ có cả Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN.

Đến đây thì ai cũng có thể nhận ra rằng, chính sách gây hấn của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông đã thực sự sai lầm. Càng lấn tới, Trung Quốc càng đẩy ASEAN về phía Mỹ. Họ không đạt được mục đích quân sự mà còn thất bại trong vấn đề kinh tế khi gây hấn với ASEAN. Kinh tế mới là vấn đề căn bản, lâu dài của ASEAN và cả của Trung Quốc.

No comments:

Post a Comment