2016/02/16

NHẪM LẪN VỀ LỊCH SỬ DẪN TỚI NGỘ NHẬN

Nhầm lẫn về lịch sử dẫn tới ngộ nhận


Đánh giá khách quan, trung thực, chính xác về các sự kiện, nhân vật lịch sử là yêu cầu hết sức cần thiết, vì điều đó không chỉ có ý nghĩa đối với lịch sử, mà còn có ý nghĩa đối với hiện tại. Do đó, trước hiện tượng chỉ căn cứ vào đóng góp của một số cá nhân để vinh danh, đề cao “công trạng” mà bỏ qua lỗi lầm lịch sử của họ là điều cần được cảnh báo.

Vừa qua, việc xuất bản cuốn hồi ký Xứ Đông Dương của Paul Doumer (P.Đu-me, 1857 - 1932) - toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1897 - 1902, đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Trên một số tờ báo, nội dung cuốn sách được giới thiệu chi tiết: “Đó là quá trình xây dựng những cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, cầu Thành Thái (Tràng Tiền) tại sông Hương hay cầu Bình Lợi trên sông Sài Gòn. Đó là sự quyết tâm của Doumer trong việc xây dựng tuyến đường sắt xuyên Việt. Đó là việc Hà Nội, dưới thời cai trị của Paul, trở thành thành phố châu Á đầu tiên có điện”… Cùng với đó là lời ca ngợi: “Công bằng mà nói, P.Doumer đã làm được rất nhiều việc cho xứ Đông Dương”, “chính ý chí, quyết tâm, lòng kiên trì và tầm nhìn xa của một chính khách không coi thuộc địa mình cai trị như một nơi để bóc lột, mà ngược lại là mảnh đất để thực hiện những tham vọng đã góp phần tạo nên những công trình ấy... Và hơn cả việc gìn giữ một cuốn sách đặc biệt, việc chuyển thể Xứ Đông Dương thuộc Pháp cũng là một cách tri ân những đóng góp của chính P.Doumer với Việt Nam, hay mong mỏi về việc tái hiện lại một Đông Dương rất đáng nhớ trong ký ức của không ít người”, “Những suy nghĩ và đánh giá của ông rất sâu sắc và rất khác với cách suy nghĩ của nhiều tác giả khác ở Đông Dương. Bởi vậy, cuốn hồi ký của ông tái hiện một góc nhìn rất mới về một giai đoạn lịch sử của Việt Nam nói riêng và các nước Đông Dương nói chung giai đoạn từ 1897 - 1902”… Các “thành tích” được liệt kê, ngợi ca như vậy rất dễ khiến người đọc lầm tưởng P.Doumer đã có công “khai sáng” cho Việt Nam trong giai đoạn làm toàn quyền tại Đông Dương.

Có một sự thật không ai có thể phủ nhận là P.Doumer đến Việt Nam với vai trò một viên quan thực dân và đương nhiên, ông phải tìm mọi cách để phục vụ lợi ích của nước Pháp. Trên thực tế, trong thời gian ở Việt Nam ông đã rất mẫn cán “bình định” bằng bất cứ giá nào, rồi xây dựng bộ máy cai trị thực dân thay thế chế độ cai trị của nhà Nguyễn, khai thác tài nguyên, bóc lột đến cùng kiệt sức lao động của người bản xứ. “Công tích” của P.Doumer trong mấy năm ở Đông Dương rất cụ thể: “Dưới triều đại P.Doumer, 3 sắc thuế được đẩy mạnh hết mức là thuốc phiện, muối và rượu. Của cải bòn rút từ người dân qua 3 sắc thuế ấy đóng vào ngân sách thuộc địa tăng từ 20 triệu đồng Đông Dương (Đ) năm 1899 lên 33 triệu Đ năm 1902, rồi vọt lên 42 triệu Đ năm 1911. Lợi nhuận của Ngân hàng Đông Dương cũng tăng theo chiều thuận với tăng thuế. Theo một nhà sử học Pháp, “công tích chính của Doumer tại Đông Dương” là tăng thuế. Ở Trung Kỳ, thuế thân và thuế ruộng đất trước ngày ông tới Việt Nam nhậm chức mới 83.000 Đ, sau đó vọt lên 2 triệu Đ năm 1899 - năm thứ 2 nhiệm kỳ toàn quyền. Ở Bắc Kỳ, 2 sắc thuế ấy cũng tăng nhanh, đạt gần 5 triệu Đ năm 1907. Trong khi đó, mọi loại thuế má người Pháp làm việc tại Đông Dương phải đóng góp vào ngân sách vỏn vẹn có 9.000 Đ/năm! Ở Nam Bộ, công cuộc khai thác và tập trung hóa ruộng đất đẩy nhanh hết cỡ: Từ 522.000 ha ruộng lúa năm 1880 tăng vọt lên 1.175.000 ha 10 năm sau. Lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long trở thành nguồn xuất khẩu lớn nhất châu Á. Trên thực tế, P. Doumer đã tạo dựng cơ sở để khi chiến tranh thế giới nổ ra, nước Việt Nam nghèo đói phải oằn mình cho “rồng Nam phun bạc, đánh đổ Đức tặc”, phục vụ chiến thắng của mẫu quốc” (Phan Quang: P.Doumer: Ba mặt một con người - báo Người lao động, 11.10.2009), “năm 1897, chỉ trong vài tuần lễ, một cơn mưa đá thực sự đổ xuống. Tăng thuế thân và thuế địa ốc, thuế của những người không đăng ký, thuế đăng ký sắc phong của các quan, thuế diêm, thuế quế, thuế giấy có đóng dấu, thuế muối, rượu, thuyền trên sông, giấy phép đốn gỗ, thuế thuốc lào, thuế cau, thuế củi, thậm chí cả thuế rơm thuế rạ để lợp những cái lều thảm hại nhất...” (trích từ cuốn Những sai lầm và nguy hiểm, NXB Charpentier, 1902, tác giả là đại úy Fernand Bernard). Và không có gì đáng tin hơn về tội ác của người Pháp dưới quyền P. Doumer đã thực hiện ở Việt Nam qua lời kể của viên đại úy kể trên viết trong bức thư gửi về Pháp ngày 1-1-1898: “vào hôm sau ngày xảy ra vụ manh động cho chặt và bêu 54 cái đầu. Trong vài ngày tiếp theo, người ta đã hành hình 200 người An Nam, trong số đó có cả những đứa nhóc 14 tuổi, với cái tội là đã làm rối giấc ngủ của những vị quan cai trị của chúng ta… Tất cả những điều này thật đáng nôn mửa” (Người Pháp và người Annam - Bạn hay thù? - P. Devillers, Ngô Văn Quỹ dịch, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2006)…

Như vậy, liệu có thể coi nỗ lực mở đường, xây cầu, tăng cường giao thương mà P.Doumer đã tiến hành là vì sự phát triển của Việt Nam? Câu trả lời là không! Chính ông ta nói rõ trong hồi ức của mình về động cơ của những việc làm này: “Toàn quyền Đông Dương phải tìm cách tạo ra các nguồn tài chính cần thiết cho việc xây dựng mạng đường sắt bằng cách tăng thêm các khoản thu ở những xứ thành viên của Đông Dương có ngân sách thu ít nhất. Như thế mới gây được niềm tin cho giới tư bản ở Pháp. Chính họ mới là chỗ dựa của chúng ta, chúng ta phải kêu gọi họ tới đầu tư ở Đông Dương dưới dạng này hay một dạng khác”. (Nguyễn Văn Trường trích dịch từ cuốn L’Indochine Française (Souvenirs) NXB Vuibert & Nony, Paris, 1903). Từ góc nhìn đó sẽ thấy việc chính quyền thực dân ở Việt Nam dưới sự điều hành của P.Doumer xây dựng hệ thống giao thông nhằm phục vụ quá trình khai thác thuộc địa thuận lợi hơn; mở mang các khu đô thị hành chính để thiết lập bộ máy cai trị của chế độ thực dân,… Tương tự, việc P. Doumer khảo sát cao nguyên Langbiang lập ra TP Đà Lạt, lắp điện ở Hà Nội, xây nhà bưu điện, nha khí tượng, nhà thương đều để phục vụ người Pháp chứ không dành cho người bản xứ… Vì vậy thật là nực cười nếu gắn cho P.Doumer “công trạng xây dựng, mở mang, phát triển” Việt Nam, mà quên (cố tình quên?) ông thật sự là ai!

Rất nhiều thí dụ trong lịch sử nhân loại đã chứng minh hệ quả của các hành vi vô thức lịch sử, nằm ngoài mục đích nhưng ngẫu nhiên có tác dụng nào đó với hậu thế. Nên đánh giá P.Doumer, hay bất kỳ nhân vật lịch sử nào cũng cần tiếp cận một cách toàn diện, cần phân biệt giữa mục đích hành động với hệ quả ngẫu nhiên hành động đó đem lại để tránh rơi vào xét đoán cảm tính, chủ quan, lấy cái bộ phận thay cái toàn thể rồi khẳng định là “người có công lớn”, “cần tri ân”. Với việc làm của P. Doumer, những gì ông chỉ đạo tiến hành có thể ngẫu nhiên lại hữu ích với người Việt Nam sau này cũng không nằm trong mục đích ông nhắm tới. Ngay cả hồi ký Xứ Đông Dương viết bằng tiếng Pháp, có gì bảo đảm cuốn sách nhằm mục đích để hàng trăm năm sau người Việt Nam biết về đất nước mình, về cha ông của mình như thế nào, hay chỉ nhằm giúp các thế hệ cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam hiểu người Việt Nam hơn, hiểu về xứ sở này hơn để dễ bề cai trị? Hay như cầu Long Biên, liệu những người ca ngợi P.Doumer có biết bao nhiêu người Việt Nam phải bỏ mạng khi xây dựng cây cầu, như bài vè lưu truyền trong dân gian: “Lập mưu xây được cây cầu - Chế ra cái chụp để mà bơm lên - Bơm hết nước đến bùn đen - Người chết như rạ, phải len mình vào - Vỡ bơm nước lại chảy vào - Chết thì mặc chết, ai nào biết không”. Như thế, hơn 6,2 triệu franc mà chính quyền Pháp đầu tư làm cây cầu không thấm gì so với bao nhiêu cái chết của người Việt Nam, so với bao nhiêu của cải họ khai thác ở Việt Nam rồi mang về nước Pháp.

Không quên công lao của những người Pháp chân chính như bác sĩ A.J Yersin (A.J.Y-éc-xanh), Nhà dân tộc học A.Sallet (A.Xa-lêt), Nhà dân tộc học G.Condominas (G.Công-đô-mi-nát) đã làm ở Việt Nam, ghi nhận thành quả như là sản phẩm vô thức lịch sử mà một số người Pháp để lại và ít nhiều còn hữu ích, nhưng chúng ta không được nhầm lẫn. Khép lại quá khứ hay nhân danh nghiên cứu lịch sử cũng không được bỏ qua các nguyên tắc khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể. Xâm phạm các nguyên tắc này sẽ dẫn tới ngộ nhận, nhầm lẫn về sự thật lịch sử, biến đen thành trắng, biến người có tội thành người có công. Nếu xu hướng này trở nên phổ biến thì sẽ có lỗi với lịch sử, do đó cần phải lên tiếng để cảnh tỉnh.

No comments:

Post a Comment