2016/02/21

Cần có hành động cụ thể chung sức với Hoa Kỳ, ASEAN, cơ quan tài phán và các bên liên quan. Muốn có công lý, chính chúng ta phải bảo vệ.



Dư luận vô cùng lo ngại, thậm chí có người tỏ ra thất vọng khi Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN còn đang diễn ra tại Sunnylands thì trên Biển Đông, Trung Quốc đã kéo 8 bệ phóng tên lửa đất đối không HQ-9 ra án ngữ bất hợp pháp ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp sau 2 lần cưỡng chiếm năm 1956, 1974.

Một số quan điểm chỉ trích Hoa Kỳ và các nước ASEAN, thậm chí là Việt Nam đã tỏ ra "yếu ớt" trước hành động leo thang phá hoại hòa bình ổn định trên Biển Đông, chà đạp luật pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt là khi họ thấy rằng tuyên bố chung của Hội nghị Sunnylands không lên án đích danh Trung Quốc.

Nói cách khác, có thể vì nhiều lý do khác nhau người ta tin là Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands đã "thất bại" trong việc ngăn bước chân bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, ảnh do tác giả cung cấp.

Tuy nhiên cá nhân người viết cho rằng nhận định như vậy thiếu chính xác. Không những Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands không thất bại, mà còn là một thành công lớn của ASEAN trong việc chế ngự mộng bành trướng.

Quan trọng hơn, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thành công chung ấy và hoàn toàn có thể tạo đà, tạo thế và lực cho mình trong việc tìm kiếm giải pháp tối ưu, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc.

Cá nhân người viết cho rằng, riêng việc Tổng thống Obama nhanh chóng xúc tiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo 10 nước ASEAN chỉ sau 2 tháng khi các nhà lãnh đạo này vừa nhóm họp với nhau ở Kualar Lumpur, Malaysia đã là một nỗ lực rất đáng ghi nhận, trân trọng.

Hơn nữa trong cả hai hội nghị, Biển Đông với các hành vi leo thang gây hấn của Trung Quốc, xu hướng và hành động của Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông đều đứng đầu chương trình nghị sự. Điều này đã một lần nữa chứng minh cam kết của Hoa Kỳ, và cụ thể hơn là của Tổng thống Barack Obama đối với đồng minh và đối tác trong khu vực.

Không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ và ASEAN bị chỉ trích là "mềm yếu", thậm chí "thất bại" trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, ngay bản thân người viết đã có thời điểm có lo ngại tương tự.

Tuy nhiên qua những gì Hoa Kỳ đã nói, đã làm trước và trong Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands, cá nhân tôi tin vào ngài Tổng thống Obama và lãnh đạo Hoa Kỳ, ASEAN cũng như Việt Nam đang có cách tiếp cận và giải quyết vấn đề đúng đắn, hiệu quả.

Nhìn vào tuyên bố chung Sunnylands mà lãnh đạo Mỹ - ASEAN ký kết hôm Thứ Ba với 8 điểm nguyên tắc tái khẳng định lại các nội dung quan trọng:

- Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia.
- Tuân thủ vững chắc trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật pháp.
- Cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp.
- Cam kết đảm bảo các quyền tự do hàng hải và hàng không.
- Cam kết phi quân sự và tự kiềm chế trong tiến hành các hoạt động.
- Cam kết giải quyết những thách thức chung trong lĩnh vực hàng hải.
- Quyết tâm mạnh mẽ hợp tác cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa bạo lực cực đoan.
- Cam kết thúc đẩy an ninh và ổn định không gian mạng.

Thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands và tác động tới tình hình Biển Đông

Có thể thấy rằng, mặc dù tuyên bố chung Sunnylands không lên án đích danh Trung Quốc theo mong muốn của phần đông dư luận, nhưng đã phản ánh đầy đủ những nguyên tắc cần thiết trong việc chế ngự tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông hiện nay.
Tổng thống Obama, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN tại Sunnylands, ảnh: AP.

Nó cũng cho thấy sự nhất quán trong chính sách của Hoa Kỳ và sự khéo léo của Tổng thống Obama trong việc kết nối các thành viên ASEAN.

Cần lưu ý rằng, nếu so sánh với kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN hay Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ tại Kualar Lumpur tháng 11 năm ngoái, Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands lần này đã đưa được nguyên tắc các bên "cam kết phi quân sự hóa", nói cách khác là thống nhất nỗ lực chống quân sự hóa Biển Đông,

Các hội nghị trước đó không làm được điều này. Còn thực hiện nó như thế nào, chúng tôi xin phân tích ở dưới.

Về mặt nội dung, có thể thấy lập trường, chiến lược và hành động của Hoa Kỳ rất nhất quán, đó là bảo vệ luật pháp và trật tự quốc tế trên Biển Đông, bảo vệ hòa bình, ổn định, tự do hàng không và hàng hải, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. 

Đặc biệt là ngài Tổng thống Obama và các quan chức Hoa Kỳ đã nhấn mạnh tới vai trò của cơ quan tài phán quốc tế.

Thậm chí Mỹ đã có những tiếng nói rất đanh thép rằng, Washington sẽ có chế tài buộc Bắc Kinh phải trả giá nếu không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan trong vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ở Biển Đông.

Có thể nói đây là một bước tiến quan trọng tiếp theo sau những phát biểu của Tổng thống Obama và các quan chức Mỹ liên quan đến đường lưỡi bò đầy tham vọng bành trướng, vô lý và phi pháp mà Trung Quốc tự vẽ ra năm 1947.

Hoa Kỳ không quan tâm và không muốn "dây" vào tranh chấp chủ quyền, một trong 3 tranh chấp cơ bản ở Biển Đông, cùng với tranh chấp "giải thích và áp dụng Công ước" như đường lưỡi bò, và tranh chấp các vùng biển chồng lấn do việc vận dụng Công ước này tạo ra.

Nếu Mỹ can thiệp vào vấn đề chủ quyền, thì có lẽ họ đã hành động từ năm 1974 chứ không phải đợi đến bây giờ.

Còn đối với ASEAN, việc thống nhất được lập trường của khối trong vấn đề Biển Đông đã rất khó khăn, bởi thực tế 10 nước thành viên chia làm 3 nhóm: Nhóm có tranh chấp chủ quyền - hàng hải với Trung Quốc gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei; Nhóm liên quan đến tranh chấp hàng hải Biển Đông có Indonesia, Singapore và Thái Lan: Nhóm thứ 3 "không quan tâm" có Campuchia, Lào và Myanmar.

Đặc biệt với thủ đoạn kinh tế, thương mại, viện trợ, đầu tư mà Trung Quốc đang sử dụng rất hiệu quả hiện nay đối với một số quốc gia trong khu vực, việc đòi hỏi ASEAN "thống nhất tuyệt đối", đồng thanh lên án hành vi leo thang của Trung Quốc một cách gay gắt và trực diện là không thực tế, nếu không muốn nói là ảo tưởng.

Nhưng tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ ở Sunnylands lần này, Tổng thống Obama đã ứng xử rất khéo léo, quy tụ được lòng người khi tìm ra được "mẫu số chung" nhỏ nhất cho ASEAN trong vấn đề Biển Đông, với đầy đủ nguyên tắc và công cụ cần thiết để bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế, chống quân sự hóa....
Bức ảnh tự chụp chung của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Sunnylands gây sốt trên mạng xã hội, ảnh: BBC.

Xin lưu ý rằng, ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands, Thủ tướng Campuchiia đã có những phát biểu "ngẫu hứng" khá lạ, với nội dung mang đậm "chất Bắc Kinh". Thậm chí khi lần đầu tiên được đặt chân đến đất Mỹ, những phát biểu ban đầu của ông cho thấy ông đang có một tâm lý đề phòng đối với chủ nhà.

Nhưng kết thúc hội nghị, không chỉ tuyên bố chung được ban hành rất thuận lợi, trong đó có nhấn mạnh tới phi quân sự hóa Biển Đông mà các kỳ họp ASEAN trước không làm được, thái độ của ông Hun Sen lại rất niềm nở, hòa nhã.

Hun Sen đã cảm ơn Tổng thống Mỹ Obama cho thành công của hội nghị. Điều này đã được truyền thông Campuchia phản ánh và được thể hiện ngay trên tài khoản Facebook của chính Thủ tướng Hun Sen.

Đó chính là do cách ứng xử khéo léo của ông Oabama mới có được. Nếu cứ khăng khăng ép các thành viên ASEAN phải "chống Trung Quốc", thay vì chống các hành vi bành trướng, quân sự hóa, sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, chà đạp luật pháp quốc tế, ngăn cản tự do hàng không hàng hải...,thì có lẽ Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands đã kết thúc chung số phận với Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm 2012.

Không những thế, nếu điều đó xảy ra sẽ chỉ càng tạo cớ cho Trung Quốc "điên cuồng leo thang" ở Biển Đông. Vụ việc kéo tên lửa ra Hoàng Sa đã là một ví dụ.

Tóm lại, thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands tập trung vào 4 điểm:

1) Tái khẳng định các nguyên tắc xử lý vấn đề Biển Đông mà Mỹ nhấn mạnh lâu nay, trong đó có thêm yêu tố mới - chống quân sự hóa Biển Đông và thống nhất cao lập trường của ASEAN về vấn đề này;

2) Nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế, đặc biệt là phán quyết của PCA tới đây;

3) Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cho dù Trung Quốc có khiêu khích kéo tên lửa ra Hoàng Sa;

4) Cuối cùng và quan trọng nhất, là Mỹ đã tuyên bố sẽ có chế tài để buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của PCA, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Đóng góp và thành công của Việt Nam trong Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands 
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands, hay trong cuộc tiếp xúc xong phương với Tổng thống Obama bên lề hội nghị này, ông không chỉ tiếp tục khẳng định rõ lập trường chính nghĩa, thiện chí của Việt Nam trong việc thượng tôn pháp luật, bảo vệ hòa bình, luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của mình ở Biển Đông mà Thủ tướng cũng như các nhà lãnh đạo khác của Việt Nam đã phát biểu trước đó.

Quan trọng hơn, Thủ tướng đã nêu bật tính cấp bách của tình hình, cục diện và xu hướng diễn biến quân sự hóa Biển Đông hết sức nguy hiểm, chỉ rõ mối đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định trong khu vực, tự do hàng không hàng hải và luật pháp quốc tế bị chà đạp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Sunnylands, ảnh: BBC.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

Ông nhấn mạnh, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông; tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), sớm thỏa thuận thực chất Bộ Quy tắc về ứng xử COC. 

Những gì người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã thể hiện tại Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands cũng chính là những điều Tổng thống nước chủ nhà hướng tới.

Do đó cùng với các bên liên quan, đặc biệt là Philippines, Việt Nam đã đóng góp phần quan trọng vào thành công của hội nghị, và do đó cũng đã nhận được những thành công xứng đáng từ hội nghị.

Với thành công của Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands mà người viết liệt kê ở phần trên, đó chính là hành trang cho chúng ta tạo đà, tạo thế và lực để bảo vệ độc lập chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như góp sức vào việc bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp và công lý quốc tế ở Biển Đông.

Có hãng thông tấn nước ngoài khi gọi điện phỏng vấn tôi đã đặt vấn đề rằng, phải chăng các nhà lãnh đạo Việt Nam "sợ Trung Quốc" khi không lên tiếng chỉ trích đích danh các hành động leo thang của Bắc Kinh ở Biển Đông. Cá nhân tôi tin rằng, dân tộc này, đất nước này không bao giờ sợ những nước ỷ mạnh hiếp yếu, bành trướng lãnh thổ, những cũng không hiếu chiến theo kiểu "ngựa non háu đá" như ai đó mong muốn.

Phản ứng của các nhà lãnh đạo Việt Nam như vừa qua, theo cá nhân tôi là có chừng mực và chú trọng hiệu quả thực chất, không tạo cớ cho kẻ khác leo thang gây hấn.

Chỉ một việc Hoa Kỳ tuần tra bên trong 12 hải lý đảo Tri Tôn hôm 31/1 hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, mà Trung Quốc còn lấy đó làm cớ kéo tên lửa ra Hoàng Sa, trong khi Mỹ là siêu cường hàng đầu thế giới.

Do đó, chỉ cần một hành động, phát biểu thiếu cân nhắc trong lúc này, chúng ta có thể phải trả giá rất đắt. Câu chuyện không chỉ nằm ở Trường Sa hay Hoàng Sa, mà còn là tiền đồ, tương lai và cuộc sống thực của chúng ta ngay hiện tại. Trung Quốc có nhiều thủ đoạn, nhiều phương tiện để "chơi" lắm.

Kéo tên lửa ra Hoàng Sa, Trung Quốc đang vừa hung hăng, vừa run sợ

Cái hung hăng của Trung Quốc thì ai cũng thấy cả. Nhưng cái run sợ của họ, có lẽ nói ra thì sẽ có người phản đối, nhưng người viết tin rằng đó là sự thật.
Tên lửa Trung Quốc kéo ra lắp đặt bất hợp pháp ở Phú Lâm, Hoàng Sa, Đà Nẵng, Việt Nam được phát hiện ngày 14/2 vừa qua. Ảnh: Fox News.

Động thái này là một phản ứng tâm lý, một đòn nắn gân và đe dọa của Bắc Kinh với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự run sợ trước công lý và đoàn kết quốc tế thông qua Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands.

Mỹ sẽ vẫn tiếp tục tuần tra bảo vệ tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông. Tổng thống Mỹ, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ khẳng định điều đó và người viết tin vào điều này.

Tên lửa HQ-9 có lẽ không dám bắn hạ máy bay Hoa Kỳ khi nó thực hiện quyền tự do hàng không được luật pháp quốc tế cho phép. Còn một khi đã "điếc không sợ súng", những quyết định sai lầm sẽ phải trả giá.

Hoa Kỳ có đủ sức mạnh để đáp trả thích đáng bất kỳ hành động quân sự leo thang nghiêm trọng nào đánh vào uy tín và thể diện của Mỹ ở Biển Đông.

Dù Trung Quốc đã liên tục gia tăng sức mạnh quân sự ở Biển Đông, nhưng tiềm lực và thế lực không thể nói là đã đuổi kịp Hoa Kỳ về mặt quân sự.

Hơn nữa, "vũ khí" mà Hoa Kỳ sử dụng để chế ngự Trung Quốc không phải máy bay, tàu ngầm, tên lửa, cho dù sẽ phải dùng đến chúng nếu bị ép phải dùng.

"Vũ khí" Mỹ đang dùng hiện nay chính là luật pháp, công lý và dư luận quốc tế. Không một loại tên lửa, vũ khí nào của Trung Quốc có thể "chọi" lại được thứ vũ khí vô hình này.

Đặc biệt trong bối cảnh PCA sắp sửa ra phán quyết về đường lưỡi bò và việc áp dụng, giải thích Công ước trên Biển Đông, điều này càng có ý nghĩa quan trọng.

Với sĩ diện nước lớn, tham vọng biến Trung Quốc thành trung tâm thiên hạ cạnh tranh và vượt mặt Hoa Kỳ, cùng với thế lực quân sự, kinh tế đang lên, thật không dễ để các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận mình đã thua, nhận mình đã sai.

Nhưng việc họ tiếp tục nhắm mắt làm liều, hiện thực hóa đường lưỡi bò bằng mọi giá sẽ chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng khiến quốc gia này thân bại, danh liệt mà thôi.

Một khi các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ đồng lòng, đoàn kết bảo vệ luật pháp và công lý quốc tế, mộng bành trướng độc chiếm Biển Đông thành ao nhà sẽ không bao giờ thực hiện được.

Cuộc đấu tranh chống lại cái xấu xa, cái độc ác, cái bành trướng, cái chà đạp luật pháp quốc tế trên Biển Đông sẽ còn kéo dài không dễ để một sớm một chiều có thể kết thúc.

Nhưng thể hiện của Hoa Kỳ và ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh Sunnylands vừa rồi, cũng như kỳ vọng vào phán quyết của PCA tới đây cho người viết một niềm tin và hy vọng, công lý sẽ được thực thi, hòa bình và phát triển sẽ được bảo vệ.

Vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, chúng ta sẽ phải tự tìm cách giải quyết. Nhưng trước mắt, ngăn chặn giấc mộng bành trướng Biển Đông không để nó biến thành ao nhà của Trung Quốc mới là việc làm cấp bách, cần kíp.

Cụ thể nhất chính là cách vô hiệu hóa đường lưỡi bò, bởi để Trung Quốc hiện thực hóa đường lưỡi bò là chúng ta mất tất cả.

Do đó, hợp tác chặt chẽ với khu vực và đặc biệt là Hoa Kỳ trong việc bảo vệ tự do hàng hải hàng không, luật pháp và trật tự quốc tế, vai trò và phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế như PCA là việc rất quan trọng.

Thiết nghĩ chúng ta cần có hành động cụ thể chung sức với Hoa Kỳ, ASEAN, cơ quan tài phán và các bên liên quan. Muốn có công lý, chính chúng ta phải biết bảo vệ công lý.

Cám ơn đã đọc bài viết!
- Mọi thắc mắc, gợi ý hoặc bình luận xin chia sẻ bên dưới hoặc Gửi thư hay Báo lỗi
- Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu để mọi người dễ đọc hơn!
- Chèn link bằng thẻ: <a href="Link" rel="nofollow">Tên</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b>  <i>Ngiêng</i> 
Thank You!




No comments:

Post a Comment