2016/01/02

Cứu trợ Thương phế binh VNCH: Trách nhiệm thuộc về ai?

http://molang0205.blogspot.com/2016/01/cuu-tro-thuong-phe-binh-vnch-trach.html


Đã 40 năm từ sau sự kiện 30.4.1975, cái ngày đánh dấu sự chấm hết của một chế độ chính trị vốn được sản sinh ra từ kế hoạch hậu chiến của người Pháp (nhưng lại do chính người Mỹ thực hiện) sau thất bại tại Điện Biên Phủ năm 1954. Trước cái thời khắc đặc biệt, những quan thầy Mỹ cũng đã làm được một vài điều cho những kẻ đã "trót" trung thành với chúng chỉ bởi miếng cơm, manh áo và sự bạc nhược trước lưỡi lê dương của kẻ cướp nước. Những chuyến máy bay mang theo rất nhiều người, hàng hóa trước thời điểm 30.4.1975 và cả sau đó nữa đã được thực hiện và không ít người Việt Nam thời điểm ấy đã tìm được bến đỗ trên đất Mỹ. Và cái hành động mà nhiều người những tưởng là tốt đẹp, là nhân đạo ấy của người Mỹ sau này mới biết đó là một phần trong cái kế hoạch "Hậu chiến" nhằm tạo dựng những hạt nhân có "thâm thù" với chế độ mới hòng tiếp tục các hoạt động chống phá mà một bộ phận người Việt chống cộng cực đoan ở hải ngoại đang thực hiện!
Rất nhiều Thương phế binh VNCH đã trở thành người vô gia cư, Vì đâu? (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, không phải tất thảy những ai trung thành với chế độ trong thời điểm đó cũng được di tản và thay vì cố gắng tới mức cao nhất có thể thì người Mỹ đã chủ trương phân họ thành những diện khác nhau để đối xử; diện HO hay diện con lai là hai trong nhiều diện được họ phân định ra và nếu nhìn vào các đối tượng được di tản thì đa phần họ là những người từng giữ các chức vụ cao trong Ngụy Quân hoặc Ngụy Quyền hoặc nếu không thì họ cũng có quan hệ vợ - chồng, con của Sỹ quan Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam... Với một cách làm như thế, theo Đài Á Châu Tự Do dẫn nguồn không chính thức của Hội H.O Cứu trợ Thương Phế Binh (TPB) & Quả phụ VNCH: "hiện có khoảng hơn 500 cựu sĩ quan và 15 ngàn hạ sĩ quan cùng binh sĩ TPB VNCH đang sinh sống ở VN". Một con số không thực sự quá lớn đối với một đất nước đông dân như Việt Nam (90 triệu dân) nhưng điều đáng nói là họ đã bị bỏ rơi bởi người Mỹ trong 40 năm qua và dường như người Mỹ đã quên mất rằng chính mình phải có trách nhiệm chứ không thể chờ đợi vào bất cứ nào chủ thể nào quan tâm tới họ?
Và xem chừng ở đây không thể cứ nói rằng họ là công dân Việt Nam thì đương nhiên Nhà nước Việt Nam phải có trách nhiệm hoàn toàn với họ? Đó là chưa nói đến dù đã 40 năm trôi qua nhưng nỗi đau của rất nhiều con người do chế độ Mỹ - Ngụy gây nên vẫn in dấu, vẫn khiến con người ta ghê rợ khi nhắc đến; cho nên, để Nhà nước, cộng đồng tại bản địa quan tâm tới những con người đặc biệt này một cách toàn diện, triệt để thì vấn đề cần nhất vẫn là thời gian. Sự phôi phai do thời gian đem lại sẽ đủ sức chỉ cho họ thấy nên làm gì thay vì có một sự thúc ép nào đó từ bên ngoài...
Quay trở lại với câu chuyện chăm lo cho thương phế binh VNCH thuộc trách nhiệm của ai? Có lẽ phải sòng phẳng mà nói rằng, trách nhiệm đó không phải của ai ngoài người Mỹ. VNCH là một sản phẩm do chính người Mỹ tạo dựng nên, từ những con người cụ thể vốn chỉ quen với miệt vườn, sông nước họ bỗng chốc bị biến thành những tên đánh thuê, thành những kẻ máu lạnh sẵn sàng xả súng vào đồng loạt của chính mình. Và nếu không có sự xuất hiện của người Mỹ cùng cái sự dung dưỡng, chỉ bày của họ thì đương nhiên sẽ không có sự đau thương, không có sự kiện 30.4.1975 và cũng sẽ không có những thương phế binh VNCH. Họ cũng sẽ tự thân có thể lo cho chính cuộc sống của chính mình thay vì trông đợi vào các hoạt động trợ cấp, lòng thương của cộng đồng dành cho mình, và thậm chí họ còn có thể giúp ích cho cuộc đời, giúp đỡ được những người yếm thế trong xã hội.... Hay cách khác, giữa người Mỹ và thương phế binh VNCH không khác gì mối quan hệ cha - con và trước khi người cha đó yêu cầu cộng đồng, xã hội quan tâm tới đứa con của mình thì chính họ phải biết tự quan tâm trước và xã hội chỉ chung tay, chỉ vào cuộc một khi người "cha" đó bất lực. Và như đã nói ở trên, hãy đừng bắt những con người đang hàng ngày, hàng giờ chịu đựng nỗi đau, quên đi nỗi đau đối xử công bằng, quan tâm tới những kẻ đã từng gây ra nỗi đau cho chính mình. Các nhà chức trách cũng chỉ có thể quan tâm được một phần nào đó những khó khăn mà những con người "đặc biệt" này đang gặp phải bởi tại Việt Nam có những con người mà xét trên nhiều khía cạnh thì mức độ đáng thương, cần sự quan tâm còn lớn hơn nhiều: NHỮNG NẠN NHÂN NHIỄM CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM. 
Và thực sự đáng buồn, 40 năm sau cái ngày họ trở thành Thương phế binh, thành những người cần sự quan tâm, trợ giúp từ xã hội, không phải là chính giới Mỹ mà chỉ có "5 vị Dân Biểu Hoa Kỳ gửi thư kêu gọi Ngoại trưởng John Kerry xem xét để tái định cư cho các cựu sĩ quan Thương Phế Binh (TPB) VNCH còn sót lại ở VN hiện nay" (hôm 17/12/2015). Trên thực tế khả năng để kiến nghị "xem xét để tái định cư cho các cựu sĩ quan Thương Phế Binh (TPB) VNCH còn sót lại ở VN hiện nay" vẫn rất khó có thể diễn ra bởi chính người Mỹ hiện tại đang chịu rất nhiều gánh nặng liên quan việc tiếp nhận người di cư từ Châu Phi, Trung Đông sang. Một khi họ đồng ý tiếp nhận số người này từ Việt Nam sang định cư theo kiến nghị của 5 vị dân biểu này thì đương nhiên EU sẽ có cớ để chỉ trích và khi đó sức ép đặt lên vai nước Mỹ sẽ không nhẹ nhàng như bây giờ?
Tin chắc rằng, kiến nghị của 05 vị dân biểu Mỹ lên ông Ngoại trưởng sẽ ít nhiều khiến không ít người vui, thậm chí họ còn xem đó như một thứ cơ hội để thoát khỏi những cơ cực, bần hàn trong cuộc sống hiện tại. Vậy nhưng, công bằng mà nói thì dù kiến nghị đó được chấp thuận thì xin thưa rằng ý nghĩa tích cực của nó đã giảm đi nhiều bởi đa phần các thương phế binh VNCH tuổi đời đã rất cao và không muốn rời khỏi chính cái nơi họ đã sinh ra, gắn bó gần hết cuộc đời. Cho nên, nếu có thể thì nên chăng chính giới Mỹ nên tìm đến một giải pháp khác thỏa đáng hơn!

No comments:

Post a Comment