2016/01/09

CÓ NHỮNG CÁI NHẤT LÀM ĐAU LÒNG NGƯỜI

KhanhKim@

Thông thường người ta vui mừng, tự hào khi có nhiều cái nhất hữu ích. Và xấu hổ, buồn tủi thậm chí là đau đớn khi bị xếp đứng cuối bảng. Nhưng ở Việt Nam, có cái nhất làm đau lòng người.

Dự án công trình khủng

Đọc báo, ta bỗng giật mình đến thót tim vì những kỷ lục về sự xa hoa, lãng phí. Hàng loạt tỉnh, thành phố như Khánh Hòa, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Huế…đua nhau vẽ dự án theo kiểu tư duy nhiệm kỳ để tiêu tiền ngân sách. Mới nhất, TP Cần thơ có dự án "Bến xe khách Trung tâm TP Cần Thơ" với mức đầu tư kỷ lục và xây dựng quy mô hoành tráng bậc nhất.


Theo dự án đã được duyệt và xây dựng với quy mô hơn 10ha, khả năng mỗi ngày có thể đáp ứng cho 40.000 lượt khách, 1.000 lượt phương tiện các loại ra, vào bến với tổng mức đầu tư hơn 400 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2014 đến 2020. Giai đoạn 1, dự án Bến xe khách trung tâm TP Cần Thơ, kinh phí đầu tư trên 200 tỉ đồng. Hiện nay các hạng mục bãi đỗ xe ô tô, phòng chờ cho khách, các quầy vé… đã cơ bản hoàn thành. Đây được xem là bến xe Ba nhất “Hiện đại nhất, quy mô nhất và tiền nhiều nhất” ở vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, trong ngày khai trương, bến xe chỉ có 4 khách và vài xe đỗ ở khu nhà chờ 1.000m2. Đúng là của đau, dân xót!


Nói cho đúng, đó là cái nhất của những "thợ vẽ" giỏi vào bậc nhất quả đất nhưng cũng vô cảm vào bậc nhất quả đất. Mang tiếng là phục vụ dân, nhưng thực chất là người dân bị móc sạch túi và đó là cách làm nghèo đất nước nhanh nhất.

Một cái nhất nữa về độ xa hoa và lãng phí cũng cần phải nói đến, đó là Festival đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất (gọi tắt Festival) do Bạc Liêu đăng cai từ ngày 25 - 29/4/ 2014.


Tại Festival này có đến trên 20 công trình hoành tráng được xây dựng, với giá trị đầu tư lên tới 2.000 tỉ đồng, chưa kể chi phí tổ chức lễ hội. Với hàng ngàn tỉ như thế mà chỉ để ngắm một đêm và 04 ngày lễ hội. Thật quá đáng.

Miền Tây đã thế và Quảng Ngãi cũng không kém. Huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi cũng có một cái nhất, đó là có một cái Chợ được đầu tư tới 55 tỷ đồng. Sau khi khánh thành 9 tháng, đã thu hút được hẳn 01 hộ vào kinh doanh. Quả thực, đó là một kỷ lục, nhưng là kỷ lục buồn.

Lương khủng

Tại TP Hồ chí Minh, chuyện một Ông Giám đốc có mức lương khủng 900 triệu đồng/năm đã được báo chí phản ánh, làm người dân cả nước giật mình và ghen tị. Chuyện ầm ĩ một thời gian Thanh tra TP đã phải vào cuộc để làm rõ những sai phạm của Công ty này.

Sau vụ thanh tra, dư luận lắng xuống, tưởng đã hết những bê bối về lương, nhưng không, mới đây báo chí lại phanh phui những kỷ lục lương khủng khác. Chuyện xảy ra ở Xổ số Tiền Giang, có 4 người quản lý có mức lương 730 triệu đồng/năm và 121 cán bộ có mức 314 triệu đồng/năm.


Trong khi các viên chức ngành xổ số Tiền Giang ăn không hết thì có rất nhiều lao động khác rơi vào cảnh lần không ra. Rõ ràng đây là một hành vi lợi dụng "pháp nhân" Tiền Giang để "hợp pháp hóa" việc trục lợi trên mồ hôi, nước mắt của người dân thông qua việc mua xổ số góp phần xây dựng đất nước.

Vui sao được khi, tượng đài nghìn tỉ để hoang phế với tuế nguyệt.

Vui sao được khi bảo tàng hàng nghìn tỉ vắng hoe.


Không buồn sao được khi Festival đờn ca tài tử Quốc gia chỉ 4 ngày lễ hội cũng tiêu tốn 2000 tỉ đồng.


Không xót xa sao được khi bến xe 400 tỉ mà ngày khánh thành chỉ phục vụ được 4 khách và chợ 55 tỉ sau 9 tháng vận động chỉ có duy nhất một hộ kinh doanh.


Ai dám vui khi thấy các anh chị xổ số Tiền Giang "làm chơi ăn thật" trong khi còn đầy ra đó những thân phận bọt bèo sống "qua ngày đoạn tháng" và đây đó có đơn vị thưởng tết được quy thành "200 viên gạch", "15 chiếc quần đùi", "mấy chục lọ tương ớt".

Hãy làm gì đó có lợi cho dân, cho nước và có ý nghĩa cho hậu thế hơn là những dự án quy mô to nhất, nhiều tiền nhất, thi công nhất, giá trị sử dụng ít nhất. 

Nguyễn Trãi xưa đã viết trong Bình Ngô đại cáo: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Đừng để người dân ca thán, bất bình và đau xót chứng kiến nhìn những công trình quy mô, hoành tráng bậc nhất tiêu tốn hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng bị “bỏ hoang.

Mong các vị nhớ cho.

No comments:

Post a Comment