2015/12/04

Còn không "Diễn biến hòa bình" ở Việt Nam?

http://molang0205.blogspot.com/2015/12/con-khong-dien-bien-hoa-binh-o-viet-nam.html

Nguyễn Tiến Bắc


Trước những diễn biến dồn dập của ngoại giao Việt Nam với Hoa Kỳ có người còn cho rằng: “Thực ra bây giờ những người vẫn còn lo lắng về “Diễn biến hòa bình” là những người rất lạc hậu”.

PHẢI CHĂNG Ở VIỆT NAM “KHÔNG CÒN DIỄN BIẾN HÒA BÌNH”?

Sau sự kiện Việt Nam và Mỹ tuyên bố thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện” trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 7/2013) ở vào một thời điểm quan trọng, mở ra một thời kỳ hợp tác phát triển mới, mạnh mẽ, bền vững giữa hai quốc gia, dân tộc. Đặc biệt là tháng 7/2015 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Hoa Kỳ theo lời mời của nhà nước này. Hai người đứng đầu hai quốc gia từng là “cựu thù” của nhau lại một lần nữa tái khẳng định tiếp tục phát triển quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới.


Tổng thống Barack Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng

Điều đặc biệt, Tổng thống Brack Obama và nhiều chính khách Hoa Kỳ đã đón tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam theo nghi thức người đứng đầu nhà nước, tiếp đón và làm việc tại “phòng Bầu Dục”. Bên cạnh sự đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu xem đây là sự kiện có ý nghĩa mang tầm quốc tế, vẫn có người chê hoặc nói với giọng “lấp lửng” “nửa nạc nửa mỡ”. Họ nói đây là “bước đi oái oăm của lịch sử”, hoặc cho rằng quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ hiện nay “đi cũng dở, ở không xong”. Âu cũng là kiểu cách ngôn từ văn hóa “phương Đông”biến dạng, trách móc làm gì.

Tuy nhiên cũng cần nói thẳng ra rằng trong cách nói “lấp lửng” này người ta vẫn không che dấu được ác ý. Họ nói: “Sự oái oăm của lịch sử còn thể hiện ra ở đường giáp ranh mong manh giữa tội đồ lịch sử và người thúc đẩy lịch sử!”. Trong câu này mọi người đều hiểu hàm ý của “tội đồ lịch sử” là ai, là lực lượng chính trị nào? Trước những diễn biến dồn dập của ngoại giao Việt Nam với Hoa Kỳ có người còn cho rằng: “Thực ra bây giờ những người vẫn còn lo lắng về “Diễn biến hòa bình” là những người rất lạc hậu”.

Chúng ta hãy xem lập luận này đúng hay sai?

Trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện nhiều kịch bản chính trị, quân sự ở Biển Đông thì đây là một cách “thúc đẩy” Việt Nam “xoay trục” về phương Tây, sau sự kiện giàn khoan HD 981 mà Trung Quốc hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Có người nói rằng ngày nay Đảng cộng sản Việt Nam ở trong trạng thái chính trị đầy mâu thuẫn: “Đi với Trung Quốc thì mất nước, đi với Mỹ thì mất Đảng”.

Lý giải tình hình chính trị phức tạp ở Biển Đông, một chuyên gia nước ngoài đã nhiều năm nghiên cứu địa chính trị ở khu vực Nam Á cho rằng: Việt Nam ngày nay dường như đang ứng nghiệp với một “lời nguyền”, một “định mệnh” về địa lý khi đứng cạnh một nước lớn, có nhiều tham vọng bá quyền như Trung Quốc. Quan niệm này đã được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ bởi tính khách quan về địa chính trị và lịch sử hàng nghìn năm giữa hai nước đã xác nhận. Thế nhưng một số “trí thức- bất đồng chính kiến” trong nước thì dường như bỏ qua sự thật này.

Với họ, dường như không thể chấp nhận những gì mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang làm, nếu như không thay đổi chế độ chính trị, nếu không chuyển sang đường lối chính trị “dân chủ, nhân quyền” theo mô hình phương Tây. Nói cụ thể người ta muốn Đảng công sản Việt Nam phải từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình nhường chỗ cho những lực lượng chính trị khác, đòi thể chế “Đa nguyên chính trị”, “ Đa đảng đối lập”!

Vậy cho đến nay những lực lượng chính trị nào vẫn đang thực hiện chiến lược“Diễn biến hòa bình”- thúc đẩy thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam?

Nhà nước Hoa Kỳ chăng? Câu trả lời là: “vừa có, vừa không”. Vì sao như vậy?

Xin có mấy bình luận: Hoa Kỳ là một nhà nước theo chế độ “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” cùng với thể chế “Tam quyền phân lập”. Việc có nhiều quan điểm, lập trường khác nhau giữa các nhánh quyền lực, các đảng tham chính trong chính giới là điều dễ hiểu. Cho đến nay, Chính phủ nước này mà Tổng thống Barack Obama là người đại diện đã chính thức thừa nhận tính “chính danh”, thừa nhận “chế độ chính trị nhất nguyên”- chế độ chính trị do Đảng cộng sản lãnh đạo.

Do đó, nếu có ai đó lo rằng “Đi với Mỹ thì mất Đảng” như người ta hù dọa là sai lầm.

Đừng nghĩ rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cả Tổng thống Barack Obama chỉ vì những cảm xúc nhất thời mà có sự trao đổi cởi mở và niềm tin với nhau. Họ đều có căn cứ chính trị để tự tin vào quan hệ giữa hai quốc gia đã xác lập. Đó là sự chia sẻ lợi ích giữa hai dân tộc. Chẳng hạn như Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Bộ Ngoại giao Ông nói: “Cả hai nước sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau ở châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Hoa Kỳ tái cân bằng hướng tới khu vực, nơi hai nước chia sẻ những lợi ích chung như hòa bình và ổn định khu vực, thịnh vượng của ASEAN”. Ngài phó Tổng thống còn lẩy Kiều ví quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ như“tan sương đầu ngõ…” để tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Còn trước đó, Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở Việt Nam Pete Peterson từng nói: Sự khác biệt về Ý thức hệ giữa Việt Nam và Hoa kỳ “Là thách thức lớn nhất từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, (1975) đến nay”. Nhưng điều này đã không còn nữa. Đến nay, theo ông: “Trong ngầm ý Hoa Kỳ không muốn thay đổi ý thức hệ ở Việt Nam” nữa.

Ông Pete Peterson chỉ là người “công khai” hóa quan điểm chính trị của Hoa Kỳ mà thôi, trên thực tế thì điều này đã diễn ra từ trước rồi. Còn về triết lý đối với quốc gia bè bạn, lợi ích dân tộc trong quan hệ giữa các nước, thì tôi xin mượn lời Thủ tướng Winston Churchill (Thủ tướng Anh trong thời Thế chiến thứ hai) từng nói: “Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”. Nói cách khác, “bạn bè” hay cùng chung “ý thức hệ” không phải là cái bất biến. Ai không tin hãy nhìn sang Đông Á thì biết: Một nước có chung Ý thức hệ nhưng lại “trái tính, trái nết” liệu có tốt hơn một quốc gia khác, không cùng chung ý thức hệ nhưng lại tìm được lợi ích chung, tiếng nói chung- vậy chơi với ai thì tốt hơn?

Thiết nghĩ câu nói của Winston Churchill vẫn còn nguyên giá trị ít nhất cho đến nay. Thật đáng buồn cho một số người tự xem là “trí thức”, nhưng lại “ngủ” trên một triết lý chính trị đơn giản như vậy. Lịch sử thế kỷ XX cho thấy, Việt Nam đã từng có nhiều bè bạn (cho đến nay vẫn là bạn bè thủy chung) và cũng không ít kẻ thù (nhưng đến nay cũng đã có sự thay đổi). Đó là những sự thật mà chúng ta phải thích ứng.

Trở lại quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ, những lực lượng nào vẫn còn muốn thay đổi chế độ xã hội, xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cộng sản Việt Nam?

Đó là những lực lượng mà Hà Nội hay gọi là “cực hữu”, đặc biệt là nhóm nghị sỹ ở Hạ viện đứng đầu là Chris Smith, đảng Cộng hòa, bang New Jersey và Ed Royce, đảng Cộng hòa, bang California... Hoạt động của họ hàng năm thường là tổ chức các cuộc “Điều trần” về “tự do tôn giáo”, về “dân chủ, nhân quyền” và thảo “Dự luật nhân quyền cho Việt Nam”. Gần đây họ còn tiếp xúc với những người “bất đồng chính kiến” (mới đến Mỹ). Đương nhiên họ còn tiếp xúc với những tổ chức nhân quyền của người Việt ở nước ngoài để “mò” thông tin, tìm“chứng cứ”.

Ở trong nước, những người đang thúc đẩy thay đổi chế độ xã hội đó là ai? Đó là những người đang tìm mọi cách xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng Việt Nam. Chẳng hạn họ cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là “nồi da, nấu thịt”, Cách mạng Tháng Tám, 1945 là “ăn may”, “cướp chính quyền” của Chính phủ Trần Trọng Kim (trên thực tế chính phủ này do Nhật nặn ra).

Tất nhiên đó còn là những cán bộ, đảng viên Cộng sản “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống” như Nghị quyết Trung 4 (khóa XI) Đảng cộng sản Việt Nam thừa nhận. Đó còn là những kẻ đang giữ hận thù với cách mạng, chúng mong có cơ hội để phục hồi quyền lực và lợi ích chính trị, kinh tế của chúng. Và không loại trừ một số người đang ngộ nhận rằng chỉ từ bỏ ý thức hệ Mác-Lênin, đi theo con đường của phương Tây mới bảo vệ được độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển được đất nước. Theo cách nói của Churchill Winston, có thể nói: “quan điểm chính trị (của họ), hoặc đi với Đảng Cộng sản chỉ là nhất thời, chỉ có lợi ích cá nhân (của họ) mới là vĩnh viễn”!

Lập luận của một số người về sự cần thiết phải chuyển xã hội ta sang mô hình“Dân chủ, nhân quyền” ngoại nhập của một số người thiết nghĩ họ còn theo thuyết âm mưu (conspiracy theory). Nghĩa là họ gán cho tất cả các nước từng giúp đỡ Việt Nam đều có âm mưu, chẳng khi nào thực tâm cả. Và Đảng Cộng sản Việt Nam hết bị nước này “lừa” lại đến “mắc lừa nước khác”, làm như chỉ có họ mới là người khôn ngoan và vì lợi ích của Dân tộc!

Không phủ nhận rằng một số lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam trong những hoàn cảnh khó khăn đã buộc phải chấp nhận sự áp đặt nào đó của nước lớn vì nhiệm vụ chính trị đang diễn tiến. Không loại trừ trường một số trường hợp vì quá tin các “ông anh” nên đã không phát hiện sớm sự thay đổi quan điểm và không còn tôn trọng lợi ích của Việt Nam nữa! Nhưng rút cuộc thì Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã thực hiện được mục tiêu cơ bản của mình. Đó là Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất được đất nước. Nếu như còn ai đó chưa hài lòng với khái niệm “độc lập dân tộc” hiện nay thì phải xem lại tư duy chính trị của mình có phù hợp với nền chính trị quốc tế đang bị nhiều nước lớn chi phối không. Tất nhiên “dũng cảm” đấu tranh cho độc lập dân tộc, “dân chủ, nhân quyền” trên “mạng” thì chẳng khó gì, chỉ di chuột và post lên mạng là OK!

Trở lại vấn đề của bài viết- Ở Việt Nam hiện nay có còn “Diễn biến hòa bình”nữa hay không?

Câu trả lời đã được viết ở phần trên. Tuy nhiên vẫn có thể nói rõ hơn. Nội hàm của khái niệm “Diễn biến hòa bình” ngày nay đã có sự thay đổi nhất định. Cho dù Đảng cộng sản Việt Nam đã thay đổi mô hình xây dựng XHCN hướng tới với nhà nước pháp quyền; kinh tế thị trường; hội nhập quốc tế trong đó có hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Thiết nghĩ mục tiêu của những lực lượng “Diễn biến hòa bình”ngày nay không phải là thay đổi chế độ xã hội mà họ muốn Việt Nam phải tham gia liên minh chính trị quân sự với nước này hay nước khác. Và mục tiêu tối thượng của họ vẫn là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam - mà họ gọi là “chế độ độc tài Đảng trị”. Đáng tiếc đây là điều mà tuyệt đại đa số người dân không chấp nhận. Hơn nữa điều đó trái với Hiến pháp, pháp luật của nước Việt Nam.

Nguồn: KBCHN.NET

No comments:

Post a Comment