2015/11/08

Vì sao ông Tập mượn thơ để nói chuyện chính trị

http://molang0205.blogspot.com/2015/11/vi-sao-ong-tap-muon-tho-e-noi-tinh.html

Kính Chiếu Yêu



Chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam không đem đến điều gì mới. Những cụm từ nhấn mạnh tính lân bang, tương đồng, đoàn kết, tương trợ, bốn tốt, đại cục... được nhắc đi nhắc lại.

Cảm giác chung, sự xuất hiện của ông Tập như là một lời hứa làm dịu những bất an, nghi ngại của người Việt về chủ nghĩa đại Hán đang trỗi dậy và lối ứng xử của Trung Quốc với nước nhỏ.

Hai năm nay, cách ứng xử của Trung Quốc trên Biển Đông cùng với lối làm ăn bất tín về kinh tế đã làm người Việt xa lánh, thủ thế. Những gì tốt đẹp trước đây được các thế hệ lãnh đạo đôi bên tạo dựng gần như không còn. Thay vào đó là tâm lý lo lắng, thái độ ghét bỏ có từ mọi cấp độ quan hệ. 

Trong tư thế ấy, phát biểu của ông Tập trước diễn đàn quốc hội Việt Nam như một bản đề dẫn văn chương dày đặc tầm chương, trích cú có tính ví von chứ không phải là một tuyên ngôn chính trị. Cũng đúng thôi, văn chương thì có tính ước lệ. Nó không đi vào những chi tiết chính trị như Hoàng Sa, Trường Sa, đánh bắt cá... mà trả lời được.  

Dẫu rằng, ông Tập Cận Bình bày tỏ "Như nhân dân VN luôn theo đuổi ước mơ dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thực hiện đất nước giàu mạnh, dân tộc chấn hưng, nhân dân hạnh phúc cũng là ước mơ mấy trăm năm của dân tộc Trung Hoa".  nói đi nói lại vì "Đại cục" mà bỏ qua va chạm nhỏ để đoàn kết, cùng tiến. Một giọng điệu kêu gọi chung chung, vô thưởng vô phạt thế thôi.

"Huynh đệ đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim". Câu nói được phái sinh từ một câu trong"Chu Dịch" thời Tiên Tần: "Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim; đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan". Ý nghĩa nguyên thủy từ thời xưa là anh em đồng lòng thì sức mạnh sẽ giống như lưỡi dao sắc bén cắt đứt được cả kim loại; nếu anh em hòa hợp về chí hướng, đồng tâm đồng đức thì sẽ tỏa hương như hoa lan.

Ông Tập cũng đã đọc lại hai câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian hoạt động cách mạng ở TQ để hàm ý quan hệ hai nước nên đứng trên một tầm cao mới. "Núi cao lên đến tận cùng, Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non", và nói rằng ý đó trùng ý với nhà thơ thời Đường Vương Bột.

Thậm chí ông nhắc lại cả lời những bài hát từ thời những năm 60, khi mối tình Việt - Trung thắm thiết, keo sơn “Việt Nam - Trung - Hoa núi liền núi, sông liền sông... anh ở bên đấy, tôi bên đây sáng sáng nghe tiếng gà gáy cùng" để nói về truyền thống tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. 

Nhấn mạnh quan điểm tôn trọng lân bang không phải chỉ từ một phía, ông Tập đọc mấy câu thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Tẩu lộ (Đi đường):
"Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lý dư đồ cố miện gian."

Dịch là: (Núi cao lên đến tận cùng, 
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non).

Tiếp đó, ông đưa vào hai câu thơ của Vương Bột:
"Đăng Thái sơn nhi quán chúng nhạc, 
Tắc cương loan chi bản mạt khả tri dã" 

Dịch nghĩa: (Đứng trên Thái Sơn mà nhìn các ngọn núi khác sẽ thấy vì sao Thái Sơn là đứng đầu).

Một cây bút bình luận nổi tiếng của Tân Hoa Xã là Quốc Bình đã phân tích, ông Tập Cận Bình dẫn câu thơ nổi tiếng ấy không ngoài mục đích nhấn mạnh quan hệ Việt-Trung "đang đứng ở một khởi điểm lịch sử mới".

Tuy nhiên, hai câu thơ ấy cũng có thể hiểu là, tôi là Thái Sơn, anh có lên đây mới biết tôi là đỉnh cao.


Để nhấn mạnh quan điểm đoàn lết lân bang, ông Tập lại dẫn câu "Ngàn vàng chỉ để mua láng giềng". Câu nói này xuất xứ từ ngạn ngữ "thiên kim mãi lân" (ngàn vàng mua láng giềng) của người Trung Quốc, tương tự với câu nói "bán anh em xa, mua láng giềng gần" của người Việt Nam.

Tuy nhiên, ý nghĩa nguyên thủy của câu ngạn ngữ này là lời khuyên dành cho con người, nhấn mạnh nên biết "chọn bạn mà chơi". Với vẻ trịch thượng của kẻ mạnh. 
Vậy nên, vừa nói chuyện hữu nghị láng giềng ở Hà Nội xong. Báo chí đôi bên đang say sưa tán tụng ý đẹp lời hay của ông Chủ tịch Trung Quốc thì ít phút sau, đặt chân lên Singapore ông Tập Cận Bình đã sổ toẹt ra ý đồ "đại cục" của nhà nước Trung Quốc là gì.

Tại diễn đàn ở trường đại học quốc gia Singapore ông Tập nói đảo ở biển Đông thuộc Trung Quốc cổ xưa, do đó Trung Quốc phải “giữ gìn chủ quyền và lợi ích biển của mình” (!)
(Nguyên văn:" "The South China Sea islands have been Chinese territory since ancient times. It is our duty to uphold sovereignty." “自古以來的中國南海島嶼是中國的領土,是我們的職責,維護國家主權。”)

Đấy chính là hướng " đại cục" mà Trung Quốc nhằm tới. Vì thế, ai mà quan tâm đến tương lai của Biển Đông, của vận mệnh đất nước thì cũng nên phải cảnh tỉnh.

Đến đây thì ai cũng có thể hiểu rằng, vì sao trước diễn đàn Quốc Hội Việt Nam, ông Tập sính văn chương hơn là triết học.

No comments:

Post a Comment