2015/11/25

Thế Nào Là “Từ Chương”

Vấn Nạn Thực Sự Ở Việt Nam: Đỗ Thừa Từ Chương


Hoàng Hữu Phước, MIB

Người ta hay nêu tên Nguyễn Thiếp tức La Sơn Phu Tử, một danh sĩ đời Hậu Lê và Tây Sơn của đầu Thế Kỷ XIX, như người sớm xa lánh khoa cử và quan trường sau khi đỗ khoa thi Hương năm 20 tuổi vì “thấy rõ lối học từ chương khoa cử chẳng những vô ích cho bản thân và quốc gia mà còn di hại cho tiền đồ tổ quốc và hậu thế”. Thế nhưng chẳng ai nêu ra được Nguyễn Thiếp nhận thấy rõ lối học như thế nào mới có ích cho bản thân và quốc gia, và chẳng ai đưa ra bất kỳ công trình hiến kế nào của Nguyễn Thiếp để cứu tiền đồ tổ quốc và hậu thế cả. Lẽ nào La Sơn Phu Tử thấy vô ích nên ngoe nguẩy bỏ đi, mặc cho thiên hạ cứ lao vào để cứ thế mà di hại cho tiền đồ tổ quốc và hậu thế? Người ta còn nêu tên Nguyễn Trường Tộ của cuối Thế kỷ XIX như một vĩ nhân sánh ngang hàng với nhà tư tưởng Nhật Bản Thế Kỷ XVIII Kaibara Ekken và triết gia Hàn Quốc giữa Thế kỷ XIX Chong Yagyong trong cố gắng thay thế cái học từ chương của Tống Nho Trung Quốc bằng những tri thức thực tế. Người ta thậm chí còn nêu tên Hồ Quý Ly và Lê Quý Đôn như những người phê phán cái học không liên quan gì đến thực tiễn cuộc sống, v.v. Tất cả những ý kiến trên của người xưa và của người nay đều giống nhau ở một điểm là phê phán chê bai “từ chương”, và điều kỳ lạ là sau nhiều trăm năm bị chê bai bởi từ thứ dân đến lãnh đạo quốc gia, “từ chương” cứ vẫn tồn tại đầy thách thức để luôn là cái cớ cho các chính khách, các trí thức-nhân sĩ nêu đích danh để làm bia nhắm bắn, ngõ hầu có chuyện để nói, và tồi tệ hơn là để có thể tiếp tục đổ hàng vạn tỷ đồng từ ngân sách hạn hẹp để từ thập kỷ này đến thập kỷ khác miệt mài mãi mê phục vụ cho cái gọi là thực học để đánh bại “từ chương”. Vậy đâu là sự thật về “từ chương”, cái luôn hiển hiện như bọt xà phòng và luôn mềm mại để thoát khỏi tất cả mọi cú đấm giáng vào nó suốt hơn nhiều thế kỷ nay.

Thế Nào Là “Từ Chương” Theo Hiện Thực Cổ Điển
Nội dung khoa cử của các triều đại phong kiến từ ngàn xưa thuần dựa vào võ thuật hoặc cổ văn kinh điển Nho Gia, từ đó có các kỳ thi để tuyển Văn Trạng Nguyên và Võ Trạng Nguyên. Võ tất nhiên để phục vụ việc bảo vệ hoàng triều. Văn tất nhiên để giúp vua trị quốc. Không phải ai cũng có thể học và có khả năng học giỏi văn viết tiếng Tàu, nên sự tập trung tất nhiên phải dựa hoàn toàn vào khả năng viết lách và trí nhớ cổ văn kinh điển của các quan lại để áp dụng tinh hoa của người xưa trong giáo dục người dân và xử lý công tác hành chính từ trung ương đến địa phương. Chưa kể, sự phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ cùng những ngành học như thiên văn, y học, sinh vật, thực vật, vệ sinh, toán học, hàng hải, v.v., không bao giờ được mặc định là buộc phải cùng xảy ra tại tất cả các quốc gia trong cùng thời kỳ. Một khi không có, chưa có, hoặc không biết gì về sự có mặt của các ngành học đó ở các quốc gia cách đó cả một bán cầu hoặc thậm chí cũng không biết thực sự có các quốc gia đó trên đời, thì tất nhiên cái việc có chi dùng nấy, có chi dạy nấy, có chi học nấy, là điều dễ hiểu, chứ không thể nói các vương triều chạy theo từ chương, phủ nhận giá trị của thực học. Đi ra hải ngoại rồi về báo cáo với vua rằng nước ngoài giàu có, hùng mạnh, với vũ khí súng đạn, với các ngành học thực dụng, rồi phê phán chê bai “từ chương”, mà không cho vua biết đào đâu ra những nhà bác học nội địa để phát triển những ngần ấy thứ thực dụng, cũng như để đào tạo lớp người nội địa thực hiện được các kỳ vĩ đó, khiến biến các vị quan có nhìn thấy trời Tây ấy thành những kẻ bất tài, không có khả năng thuyết phục, chỉ giỏi tường thuật những gì mắt thấy tai nghe, không thể cho ra kế hoạch 10 năm – 25 năm -100 năm cùng dự toán chi phí và báo cáo tiền khả thi cho các kế hoạch đó, v.v., mà nói một cách thật công bằng công tâm công lý thì ngay cả Nguyễn Trường Tộ cũng chỉ là một viên quan “từ chương” thuần túy mà thôi.

Thế Nào Là “Từ Chương” Theo Hiện Thực Hiện Đại
Tất nhiên, học phải đi đôi với hành. Song, hành không phải bị gói gọn hạn hẹp trong ý nghĩa của thực hành thực tế. Tại các cường quốc văn hóa, nhu cầu học tập của từng cá nhân cực kỳ đa dạng, từ học tập phục vụ áp dụng cho một kế sinh nhai đến học tập thuần túy để thỏa một nhu cầu tìm hiểu chứ không áp dụng vào bất kỳ thực tế nào. Ngoài ra, có những ngành học không đòi hỏi phải có thực hành thực tế, thí dụ như nghiên cứu về triết học; về cách gieo vần của Shakespeare trong các bài sonnet của Ông, để thưởng lãm hay tìm ra thống kê tần suất xuất hiện của một vần đặc biệt nào đó phục vụ cho một luận án tiến sĩ; hay nghiên cứu thần học mà cụ thể là Phật học cũng để phục vụ cho một luận án tiến sĩ, không để vào một ngôi chùa nào đó để thực tập thực hành việc tu hành. Ngay cả tư tưởng Khổng Giáo dù có bị đàm tiếu như hình thái trầm trọng của “từ chương” trong quá khứ tại Việt, Nhật, Hàn, vẫn đang hiện diện đầy ngạo nghễ trong các chương trình thạc sĩ kinh doanh quốc tế Âu Mỹ và trở thành đối tượng nghiên cứu về sự thành công của doanh nghiệp Trung Quốc trên thị trường quốc tế cũng như phong cách sách lược và chiến lược của họ trong kinh doanh, cùng các bài học kinh nghiệm mà doanh giới Âu Mỹ cần học hỏi để có thể song hành tồn tại cùng thực thể kinh tế khổng lồ mang tên Trung Quốc. Như vậy, “từ chương” luôn tồn tại, và đặc biệt là một quốc gia càng có đẳng cấp siêu cường cao hơn càng có những ngành học hoàn toàn mới lạ nhưng đậm nét “từ chương” hơn. Trái lại, quốc gia nào càng nhược tiểu càng cố bấu víu vào “từ chương” để bắt nó phải chịu tội cho sự thụt lùi của nền giáo dục của quốc gia đó.

Việt Nam Cộng Hòa Có “Từ Chương” Không?
Việt Nam Cộng Hòa không có cách học hay cách dạy từ chương. Chương trình lớp 12 nếu học 12 môn thì thi tú tài đủ cả 12 môn (vì “từ chương” có nghĩa học 12 môn nhưng chỉ thi ba bốn môn được cấp có quyền lực cho là “chính”), và không bao giờ học gì thi đó mà phải dựa vào kiến thức riêng do học sinh chủ động nghiên cứu tìm tòi. Lớp 12 môn Anh Văn Ban C học quyển 6 của bộ English for Today với toàn thơ văn Mỹ, nhưng thi tú tài có thể cho bình giảng một đoạn văn của thi hào Anh Charles Dickens. Khi thi vào ban Anh Văn Đại Học Sư Phạm hay Đại Học Văn Khoa, học sinh phải thi viết cả tiếng Anh (nếu là sinh ngữ 1 của học sinh ấy) cùng tiếng Pháp (nếu là sinh ngữ 2 của chính học sinh ấy), và khi đạt yêu cầu sẽ thi tiếp phần nói tiếng Anh cùng phần nói tiếng Pháp. Vậy, đó là thực học, có thiên về nghiên cứu chủ động tự thân của học sinh, và khi thi có cả phần vấn đáp hai ngoại ngữ (ngoại ngữ 1 học từ lớp 6, và ngoại ngữ 2 học từ lớp 10) mà nếu thiếu thực hành thì không một ai thi đậu để được bước chân vào trường đại học khoa ngoại ngữ cả. Từ thí dụ của chỉ môn ngoại ngữ, có thể liên tưởng đến các “thực học” khác của các ngành khác. Đây là sự khác biệt giải thích căn nguyên vì sao sinh viên tốt nghiệp Anh Văn đại học Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không nói được tiếng Anh, không viết được tiếng Anh, không sử dụng được tiếng Anh trong bắt đầu cuộc sinh nhai sau tốt nghiệp.

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam Có “Từ Chương” Không?
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không có cách học hay cách dạy từ chương. Trường trung học nào cũng được đầu tư phòng thí nghiệm, phòng thính thị, phòng vi tính. Trường trung học nào cũng có việc giáo viên sử dụng nhuần nhuyễn công cụ PowerPoint©, máy đèn chiếu overhead projector, và micro không dây để giảng dạy. Trường trung học nào cũng có tiết mục đưa học sinh đi tham quan nhà máy, đi tham quan di tích lịch sử. Trường trung học nào cũng phải thường xuyên đối mặt với các chương trình cải cách giáo dục đầy tốn kém từ đầu tư khổng lồ của Nhà nước. Ở cấp đại học còn xa lánh triệt để “từ chương” qua cách sử dụng triệt để các công cụ PowerPoint©, các phương tiện overhead projector cùng máy vi tính kể cả hệ thống wifi và 3G. Thế thì việc mãi kể tội “từ chương”, không rõ người hạch tội đang ngủ mê ú ớ hay đang diễu hề.
Biến Thái Của Từ Chương Tại Học Đường Việt Nam Ngày Nay
Ai cũng biết phương pháp học tập có hiệu quả nhất là kết hợp lý thuyết với thực tế, và Việt Nam biết rõ điều này, đang áp dụng tương tự. Song, sự yếu kém vẫn lồ lộ hiển nhiên nơi học sinh và sinh viên kể cả các vị sinh viên tốt nghiệp cử nhân mà ai đó hí hước gọi là các “trí thức trẻ”. Vậy, “từ chương” luôn bị tấn công, “từ chương” thực sự không tồn tại ở bất kỳ trường học nào ở Việt Nam, nhưng sao mọi yếu kém vẫn cứ là hệ quả nhức nhối của giáo dục Việt Nam?

Ở Mỹ, một học sinh lớp 12 được nhà trường bố trí đưa vào thực tập tại một công ty lớn, một xí nghiệp lớn, thậm chí tại một doanh nghiệp tầm cở quốc tế, đa quốc gia, có hàng trăm chi nhánh trên toàn cầu. Tất nhiên, học sinh thực tập có nhận lương, được cấp bàn làm việc cho cá nhân cùng các trang thiết bị văn phòng hiện đại, và làm quen với tác phong quản lý công nghiệp hiện đại với phần việc quan trọng được giao – tất nhiên phần việc quan trọng đó không thuộc loại phải bảo mật tuyệt đối. Nếu xem thực tế tiểu bang California lớn hơn nước Việt Nam, thì nước Mỹ có vô số trường trung học mà trường nào cũng đáp ứng nhiều yêu cầu khi mở trường, trong đó có việc bảo đảm việc thực tế thực hành của học sinh cũng như việc thực tập làm việc của học sinh lớp cuối. Từ đây câu hỏi đặt ra là Việt Nam không có vô số trường trung học, nhưng liệu một trường trung học ở Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh có uy tín gì đối với các cơ quan lớn và doanh nghiệp lớn của Quận 1 để đưa học sinh đến thực tập hay không? Nếu Việt Nam không đặt điều kiện mở trường có bao gồm phần bắt buộc về thực tập này của học sinh, chính Việt Nam xử sự kiểu “từ chương” chứ không phải nhà trường Việt Nam giảng dạy kiểu “từ chương.”

Từ Chương Là Phương Sách Dụng Nhân Của Nhà Nước Việt Nam
Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, tại liên trường Tân Văn – Tân Việt (trường ở đường Trần Quý Cáp nay là Trần Cao Vân, trường ở đường Yên Đỗ nay là Lý Chính Thắng) có một giáo sư chuyên dạy luyện thi toán tú tài với nườm nượp học sinh các nơi tìm đến ghi danh học. Đặc biệt, giáo sư này chỉ có bằng tú tài. Điều này chứng tỏ không có sự dụng nhân kiểu “từ chương”.

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, tại các trường đại học có giáo sư triết học Phạm Công Thiện. Đặc biệt, giáo sư hay mắng nhiếc thiên hạ này cũng chưa hề học qua đại học. Điều này chứng tỏ không có sự dụng nhân kiểu “từ chương”.

Dưới thời Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tổng giám đốc Anh Quốc một công ty tài chính đa quốc gia đã đích thân đến mời tác giả bài viết này làm giám đốc nhân sự để giúp vạch chiến lược nhân sự và thực hiện kế hoạch phát triển nhân viên chất lượng tuyệt hảo từ 100 lên 400 và đại lý từ 1.000 lên 7.000 trên phạm vi toàn quốc phục vụ mục tiêu trở thành công ty nước ngoài đầu tiên kinh doanh có lãi tại Việt Nam và bắt đầu đóng thuế trước ân hạn 5 năm của Chính phủ Việt Nam. Tất cả đã hoàn tất mỹ mãn, vì vị Tổng Giám Đốc ấy giao việc cho người bản lĩnh có năng lực tổ chức chiến lược phát triển kinh doanh và có uy tín trong doanh giới Nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh chứ không giao việc cho người có bằng thạc sĩ quản trị nhân sự ở nước ngoài, nghĩa là người có bằng thạc sĩ quản trị nhân sự có thể được tuyển làm nhân viên cho vị giám đốc có khả năng hoạch định quản lý và thực hiện chiến lược nhân sự thực tiễn này. Điều này chứng tỏ không có sự dụng nhân kiểu “từ chương”.

Dưới thời Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, chủ tịch một trường đại học dân lập lâm cảnh rối reng lụn bại đã tìm đến cầu cứu tác giả bài viết này, mời ông ra làm hiệu trưởng để vực dậy ngôi trường, song sự cầu cứu ấy bất thành vì ông ta có bằng cấp thạc sĩ chứ không là tiến sĩ theo quy định chặt chẽ của Nhà Nước. Điều này chứng tỏ đã có sự dụng nhân kiểu “từ chương”.

Dưới thời Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, có quy định rằng muốn mở doanh nghiệp ngành kinh doanh tân dược phải tốt nghiệp đại học y khoa hay dược khoa, khiến người có tài kinh doanh y dược, có quan hệ lớn với các viện bào chế uy danh trên thế giới, có tiền mở doanh nghiệp y dược, và có tâm phục vụ dân tộc về y dược phải từ bỏ kế hoạch vì chỉ có thể thuê nhiều dược sĩ tài danh phục vụ dưới trướng chứ không thể để một dược sĩ nào đó ngồi chễm chệ làm chủ nhân nắm quyền sinh sát tài sản của nhà kinh doanh ấy. Việc này khiến Việt Nam ngày càng có nhiều lô thuốc nhập khẩu phải bị đăng báo thu hồi do kém chất lượng, tên các hãng bào chế in trên hộp thuốc đa số là hạng tiểu tốt vô danh, còn giá thuốc thì cứ phải trông mong vào bàn tay Nhà Nước ghìm cương tuấn mã đang phi nước đại. Điều này chứng tỏ có sự dụng nhân kiểu “từ chương”.

Dưới thời Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, các trường đại học đều có phần thực tập của sinh viên nhưng trường cấp cho mỗi sinh viên vài ba giấy giới thiệu còn sinh viên phải mạnh ai nấy tự đi tìm doanh nghiệp để xin vào thực tập, mà đa số các doanh nghiệp này nếu nhận đều dễ dãi không để sinh viên phải làm lụng gì nhiều nhưng có ghi nhận xét tốt vào phiếu thực tập giúp sinh viên về trường dễ tốt nghiệp hơn. Điều này chứng tỏ có sự áp dụng kiểu “từ chương” tại các trường đại học khi xem nhẹ việc thực tập của sinh viên do tự nhà trường cho rằng mình đã “không từ chương” vì có điểm thực tập của sinh viên, và do trường trên thực tế chẳng có uy tín uy danh gì đối với các doanh nghiệp để có thể chủ động phân bổ sinh viên tỏa ra đến các nơi ấy thực tập hàng năm, cũng như không phải chịu trách nhiệm về kết quả thực tập thực chất của sinh viên.

Định Danh “Từ Chương”
Cách học “từ chương” nếu theo nghĩa ngồi lắng nghe thuyết trình, ghi chép các chi tiết mà diễn giả đang trình bày, thì đó là cách học tại các trường đại học danh tiếng Âu Mỹ hiện nay. Còn sau khi nghe thuyết trình thì đó là chuyện hoàn toàn khác: sinh viên chủ động tìm đọc các tài liệu trong thư viện mà giáo sư diễn giả lúc thuyết trình đã cung cấp, thảo luận nhóm nêu có yêu cầu của bộ môn ấy, và viết tiểu luận thu hoạch từ nghiên cứu cộng với ý kiến cá nhân đánh giá về vấn đề đang nghiên cứu ấy. Bài bác việc lắng nghe thuyết trình, lắng nghe giảng dạy, không biết rằng lắng nghe để nắm bắt ý kiến uyên bác riêng biệt đặc biệt của một nhà nghiên cứu thực thụ, không cho rằng tìm đọc tài liệu sách vở là cực kỳ cần thiết đối với người học cao ngấp nghé đẳng cấp nhà nghiên cứu để hiểu rõ hơn vấn đề, sẽ đồng nghĩa với việc chẳng hiểu biết gì về sự khác biệt của cách dạy tiểu học-trung học thiên nhiều hơn về thực hành với cách dạy đại học và sau đại học thiên nhiều hơn về tư duy và nghiên cứu.

Một lãnh đạo Đảng từng tuyên bố năm 2005 rằng phải “kiên quyết đẩy lùi những quan niệm giáo dục lạc hậu, những biểu hiện sai trái trong việc dạy và học, tâm lý chạy theo bằng cấp hư danh, lối học từ chương sách vở.

10 năm đã trôi qua, sự kiên quyết ấy đã chưa từng đem đến kết quả như ý, đơn giản vì người ta chỉ đẩy lùi một thực hành thực thi lạc hậu cụ thể chứ không ai đẩy lùi một quan niệm.

10 năm đã trôi qua, sự kiên quyết ấy đã chưa từng đem đến kết quả như ý, đơn giản vì người ta chỉ đẩy lùi việc dạy sai và học sai cụ thể chứ không ai đẩy lùi một biểu hiện sai trái trong việc dạy và học.
10 năm đã trôi qua, sự kiên quyết ấy đã chưa từng đem đến kết quả như ý, đơn giản vì người ta chỉ đẩy lùi một chính sách chủ trương chạy theo bằng cấp và sử dụng người dựa theo bằng cấp chứ không ai đẩy lùi một tâm lý chạy theo bằng cấp.


10 năm đã trôi qua, sự kiên quyết ấy đã chưa từng đem đến kết quả như ý, đơn giản vì người ta chỉ đẩy lùi việc học không đi đôi với hành – nếu việc kỳ quái này có thật – chứ không ai đẩy lùi một lối học từ chương không rõ định nghĩa và đặc biệt không ai lên án sách vở cả, vì sách vở là nguồn tư liệu mở mang kiến thức đặc biệt với các ngành trí tuệ cao của các nhà nghiên cứu có đẳng cấp thực thụ.

Nói tóm lại, “từ chương” đã từ lâu không còn hiện diện lấn lướt toàn bộ tất cả các ngành học ở Việt Nam mà chỉ tồn tại như điều buộc phải có đối với những ngành học hàn lâm cao cấp chỉ dành cho các nhà nghiên cứu cấp cao.

Việc lậm “từ chương” thực ra chỉ hiện diện ở khu vực cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp quốc doanh, và các chính sách quy định vĩ mô. Chỉ khi Nhà nước nhận ra chân giá trị của “từ chương” để không mãi tấn công nó, và nhận ra cái sai lầm của việc vận dụng “từ chương” trong dụng nhân để tấn công nó triệt để, thì lúc ấy xã hội mới không mãi nghe về điều huyễn hoặc thần bí hoàn toànkhông có thật của “từ chương” trong sự dạy và sự học ngày nay ở Việt Nam.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

No comments:

Post a Comment