2015/11/16

Tại Sao Tôi Không là người Kitô?

Bertrand Russell/ Lê Dọn Bàn
dịch từ "Why I Am Not a Christian" của Bertrand Russell (1872-1970)
 30 tháng 11, 2009 - bổ túc 14 Nov 2015
Why I Am Not a Christian
Lời Người Dịch:
1. Tại sao tôi Không là người Kitô (Why I am not a Christian) – được coi như bản văn triết học báng bổ Kitô nhất đã từng viết và phổ biến rộng rãi, điều sau đến từ sức lôi cuốn tự nhiên với những người đọc là những ai đã có kinh nghiệm về tôn giáo lớn và quan trọng này. Sau mở đầu bằng định nghĩa một người theo Kitô chủ yếu là phải có niềm tin vào hai đối tượng: tuyệt đối vào Gót và ít nhiều vào Christ. Russell lần lượt trình bày sự nghi ngờ và phủ nhận của ông, qua luận lý, dựa trên lý trí của khoa học và triết học. Ở phần đầu tiên, Russell phân tích một số những biện chứng luận lý về sự hiện hữu của Gót, trong đó có luận chứng vũ trụ, luận chứng luật thiên nhiên, luận chứng thiết kế và những luận chứng đạo đức. Sang phần thứ hai, ông đi vào phê phán một vài điểm quen thuộc của giáo điều Kitô, cho thấy những thiếu sót ngay từ những lời giảng và tư cách đạo đức của chính bản thân Christ – đặc biệt là sự xác quyết của vị này vào tính vĩnh cửu của trừng phạt và của hỏa ngục, hai vũ khí tinh thần khủng bố con người.
Russell cũng bày tỏ mối hoài nghi về một Jesus lịch sử, nhưng khi đặt câu hỏi để đánh giá lại tính chất đạo đức vẫn được gán cho tôn giáo này, ông dựa trên những thuật kể về nhân vật Jesus tự xưng là Christ trong Tân ước, vì nhân vật này, dù hư hay thực, những người Kitô đã lấy chân dung đó làm khuôn mẫu đạo đức tối cao cho họ. Sau cùng, từ thực tại xã hội, giới hạn trong lĩnh vực đạo đức, ông lên án tổ chức thế tục của tôn giáo này: “Tôi nói – với tất cả thận trọng rằng – đạo Kitô, như tổ chức giáo hội, đã từng và vẫn còn, là thù nghịch chính của các tiến bộ đạo đức trên toàn thế giới”.
2. Chúng ta đều biết Bertrand Russell là một nhà lôgích và một triết gia lỗi lạc. Why I Am Not a Christian, cũng là tên gọi chung của một tuyển tập gồm những bài viết về tôn giáo của ông. Bài luận văn này – Tại sao tôi không là người Kitô chủ yếu là một lý luận chứng minh bản chất lừa dối và độc hại của tin tưởng tôn giáo và của các hoạt động hội nhà thờ. Tính chất lừa dối và độc hại này được Russell trình bày với những lập luận và bằng chứng không thể chối cãi, không thể đưa ra lập luận hoài nghi, hay phản bác được. Bài văn có cấu trúc lôgích đơn giản, chặt chẽ: Ông nêu hai tiền đề – và đưa ra kết luận thuận lý và vững chắc từ hai tiền đề đó:
Tiền đề 1 Gót không có thực; những chứng minh Gót hiện hữu đều không đứng vững
Tiền đề 2 Christ không là người khôn ngoan nhất, cũng không là người đạo đức nhất
Kết luận đạo Kitô là một sai lầm, lừa dối và tai hại – nên tôi không là người Kitô
Nếu có thể tóm tắt kết luận chính yếu Russell đem cho chúng ta, là như sau: con người có tín ngưỡng, theo tôn giáo, và đặc biệt tin tưởng vào Gót – hoàn toàn đến từ tình cảm hơn là lý trí. Tình cảm chủ yếu đó, Russell chỉ ra là sự sợ hãi. Thế nên, đoạn cuối, ông khuyến khích chúng ta hãy là những người tự do, đừng để đời sống và tư tưởng bị nô lệ vì sợ hãi, hãy nhìn thẳng vào thế giới quanh mình, sống với nó, vui với nó, cam chịu với nó, hay như vẫn nói – chìm nổi với đời này, đừng nhìn đâu khác, đừng trông mong đời khác, thần linh khác, đừng vì những không chắc thực mà bỏ mất những gì chắc chắn thực:
“Chúng ta muốn đứng thẳng, vững chãi trên chính hai chân mình, tự lập với tất cả những gì cần để sống, không phải nhờ bất cứ ai khác, nhìn thế giới với con mắt ngay thực và công bằng – những sự kiện tốt, những sự kiện xấu, những cái đẹp đẽ, và những cái không-đẹp-đẽ của nó; nhìn thế giới như nó-thực-là, và đừng sợ nó. Chinh phục thế giới bằng trí tuệ thông minh và đừng chỉ đơn thuần để sự khiếp hãi từ nó đến làm mình bị khuất phục nô lệ. Toàn thể khái niệm về Gót là một khái niệm bắt nguồn từ những thể chế chuyên quyền cổ hủ của vùng Cận Đông. Nó là một khái niệm hoàn toàn đáng khinh, không xứng với con người tự do”.
3. Ra đời đã gần một trăm năm, thông điệp của bản văn vẫn không mất chút thời gian tính nào, và đang được làm sống lại mạnh mẽ, sôi động, hùng hồn, và được tiếp nhận sâu rộng hơn, với những khuôn mặt mới nhưng sớm quen thuộc với độc giả của thế giới văn hóa Anh ngữ hiện nay, tạm kể những giọng đang cao, tiếng đang lớn, và đang chuyển động dư luận: Richard Dawkins, Daniel Dennett, Sam Harris, và Christopher Hitchens. Tôn giáo, đặc biệt là ba tôn giáo tin-chỉ-một-gót ở phương Tây, vẫn là đề tài thời sự nỏng bỏng của ngày nay, vì chúng đã không chìm vào bóng tối như đã tưởng, nhưng vẫn không ngừng là những động lực mạnh mẽ đi ngược, cản trở những tiến bộ là thành tựu của lý trí con người, đặc biệt tại Âu Mỹ, trong các lĩnh vực đạo đức, xã hội, giáo dục và khoa học, (và những tác hại trực tiếp của chúng vào xã hội những nước hậu thực dân ở Á Phi). Vũ khí tinh thần của những người dẫn đầu vận động Tân Vô thần (New-Atheism) này đem xử dụng, vẫn có thể gặp thấy trong Why I am not a Christian của Russell.
Tại sao tôi Không là người Kitô là bạn gối đầu gường của rất nhiều người, nhiều thế hệ. Giọng văn có nhiều chỗ hóm hỉnh và pha chút bông đùa, nhưng trước sau là sự chân thành chia xẻ kinh nghiệm cá nhân, mong đánh thức người nghe; ông hướng chúng ta đến suy tưởng sâu xa, hơn là những xúc động phẫn khích nhất thời, dù người nghe có đồng ý hay không với dòng suy nghĩ của ông về đạo Kitô, điển hình của loại tôn giáo tin-chỉ-một Gót; nên bài nói chuyện này cũng là một bản văn triết học kinh điển cô đọng, nghiêm chỉnh đặt những vấn đề trọng đại, nêu những vấn nạn tri thức rất nổi tiếng. Russell thực sự chỉ tiếp tục một truyền thống không-tin-có-gót vốn có sẵn của triết học phương Tây, trước khi có tôn giáo loại như Kitô, từ cổ thời Hylạp, trong Epicurus, Lucretius, đến những khuôn mặt lớn của hai thế kỷ vừa qua: David Hume, Friedrich Nietzsche, Emile Durkheim, Sigmund Freud, Karl Marx. Why I am not a Christian đã thách thức bản chất tôn giáo, nội dung tin tưởng và nền tảng thần học của đạo Kitô. Riêng Why I am not a Christian, rất ngắn, rất gọn, không dày đặc ngôn từ triết học, chỉ bằng điềm đạm lôgích của những người mà ông gọi chung là những nhà tự do tư tưởng (Freethinkers), nhưng sức công phá của nó vẫn mãnh liệt không ngừng từ đó.
Ông phá mở những cánh cửa mà sau đó không thể nào đóng lại để tiếp tục che dấu, như trước nữa. Nhờ đó, rất nhiều người đã bỏ đi ra, và ắt phải đã có đông đảo hơn nhiều, những người có dịp bước ngang qua, nhưng đã không đi vào.
Không tìm thấy một bản Việt ngữ; tôi tạm dịch bài này – gửi những người lặng lẽ đi ra và những người vô danh không-đi-vào đó.
Những người Việt, những nạn nhân sống sót của thực dân tín ngưỡng, và xâm lăng văn hóa đến từ phương Tây.
Lê Dọn Bàn
(Jun/2009)
Lai lịch
Đây là bài nói chuyện của Russell với hội viên Hội Tranh Đấu đòi quyền tự do thế tục Anh quốc (National Secular Society), chi hội Nam London, tại thính đường Battersea Town Hall, ngày 6 March, 1927.
Bài diễn văn, thoạt tiên được phổ biến dưới dạng truyền đơn, sau đó trở nên nổi tiếng khi cho in trong tuyển tập của Russell Why I Am Not a Christian: And Other Essays on Religion and Related Subjects. Thư viện thành phố New York xếp quyển này vào danh sách những quyển sách có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX.
Tại Sao Tôi Không là người Kitô?
Why I Am Not a Christian
Why I Am Not a Christian 
Bertrand Russell (1872-1970)
Như ông chủ tịch quí hội đã thông báo trước, chủ đề của câu chuyện tôi sắp nói với quí vị tối nay là: “Tại sao tôi Không là người Kitô”. Trước hết, có lẽ cũng nên thử xem khi có ai nói “người Kitô”, từ ấy có nghĩa gì. Ngày nay, rất đông người dùng nó với nghĩa rất lỏng lẻo. Có những người dùng với một nghĩa không để chỉ gì khác hơn là một cá nhân giữ đời mình sống sao cho lương thiện. Theo nghĩa đó, tôi giả định là trong mọi mọi tôn giáo và hết thảy các tín ngưỡng đều có những người Kitô cả; nhưng tôi không tin đó là cái nghĩa đích thực của từ này. Chỉ vì nếu nhận nghĩa như thế thì hàm ý rằng tất cả bàn dân thiên hạ – những ai không theo đạo Kitô – tất cả các tín đồ của Phật, Khổng, MôHamMét [1] , và của rất nhiều các vị giáo chủ khác nữa – họ chẳng có sống đời giữ lương thiện sao? Tôi không dùng nghĩa “người Kitô” để chỉ bất kỳ ai giữ đời sống cho tử tế, theo khuôn theo phép với những gì mình cho là chân lý chiếu rọi. Tôi nghĩ là quí vị phải có một số tin tưởng nhất định trước đã rồi mới có thể gọi quí vị là người Kitô. Ngày nay, từ này không có cái nghĩa thật chắc mạnh như thời của Augustine [2] và Thomas Aquinas [3] . Trong thời ấy, nếu một ai tự bảo mình là người Kitô, người ta hiểu anh ta muốn nói gì. Anh đã chấp thuận hết trọn một bộ sưu tập các giáo điều, điều nào điều ấy được đặt để thật chi ly rạch ròi, và anh tin tưởng với tất cả khả năng xác quyết của anh vào từng vần, từng chữ của từng lời ghi các tín lý giáo điều này.
Thế nào là một người Kitô?
Ngày nay không còn như thế nữa. Trong nghĩa ngữ dùng chỉ tính Kitô, chúng ta phải (hiểu) hơi mơ hồ một chút. Tôi nghĩ, dù sao, có hai điều khác nhau, nhưng chúng thật là thiết yếu cho bất kỳ ai tự gọi mình là một người Kitô. Điều đầu tiên có tính giáo điều trong bản chất – gọi rõ ra, là quí vị phải tin vào Gót [4] và tin vào sự bất tử [5] . Nếu quí vị không tin vào hai điều ấy, tôi không nghĩ là quí vị có thể gọi mình cho chính đáng là một người Kitô. Xong rồi, hơn thế nữa, như cái danh có ẩn nghĩa, quí vị phải có dăm ba thứ tin tưởng nào đó về chúa Kitô. Những người Muslim, lấy thí dụ, cũng tin vào Gót [6] và sự bất tử (của linh hồn) [7] , nhưng rồi họ có tự gọi họ là người Kitô đâu! Tôi nghĩ quí vị phải có, dẫu ở mực thấp nhất, là lòng tín mộ vào Christ (chúa Kitô), dù nếu không thiêng liêng, thì cũng ít ra cũng đã là con người vào bậc nhất và khôn ngoan nhất. Nếu như mà rồi mà quí vị không có tin được như ngần ấy về Kitô, tôi không nghĩ là quí vị có quyền gì để gọi quí vị là người Kitô. Dĩ nhiên, cũng còn một nghĩa khác nữa, cái đó quí vị có thể tìm thấy trong quyển Whitaker’s Almanack [8] và trong các sách giáo khoa môn địa lý, trong ấy dân số nhân loại được khoanh vùng, vùng người theo Kitô, người theo Islam, người theo đạo Phật, người theo các đạo bái vật, và vân vân. Và trong cách phân giải ấy, chúng ta (dân nước Anh) [9] hết thảy đều là người Kitô. Các sách địa lý gom hết chúng ta vào, nhưng đó là thuần theo cái nghĩa phân bối địa lý dân số, mà tôi giả định là chúng ta có thể gạt qua. Như thế, tôi coi như là khi tôi nói với quí vị – tôi không phải là người Kitô, tôi phải nói với quí vị hai điều khác nhau: đầu tiên, tại sao tôi không in vào Gót và vào sự bất tử; và, thứ hai, tại sao tôi không tin Christ (chúa Kitô) đã là người vào hạng bậc nhất và khôn ngoan nhất, dù tôi có thừa nhận ông ta ở vào mức rất cao về đạo đức thiện hảo.
Nhưng trước những nỗ lực đã thành công được của những người từ-chối không-tin [10] trong lịch sử, tôi không thể chấp nhận một định nghĩa mềm dẻo về tính Kitô như thế. Như tôi đã nói đoạn trước, trong cổ thời, nó có nghĩa thật cứng chắc mạnh mẽ hơn nhiều. Ví dụ chẳng hạn, nó bao gồm chuyện anh ta tin có hỏa ngục. Niềm tin vào có lửa thiêu đốt hỏa ngục là một điều chủ yếu của tin tưởng đạo Kitô cho đến mãi gần đây. Trong đất nước này, như quí vị biết, nó thôi không còn là điều khoản chủ yếu vì một quyết định của Hội Đồng Tư Vấn [11] , dù quyết định ấy bị hai vị đứng đầu giáo hội Anh giáo là Tổng giám mục Canterbury và tổng giám mục York[12] không chấp thuận, nhưng trong quốc gia này, luật của Nghị viện sắp xếp tôn giáo của chúng ta, thế nên, Hội Đồng Tư Vấn có quyền phủ quyết thánh ý nhà thờ, và thế là hỏa ngục hết còn là điều cần thiết người theo Kitô phải tin. Vậy thì, tôi sẽ không khăng khăng rằng người theo Kitô là phải tin vào chuyện hỏa ngục nữa.
Sự hiện hữu của Gót
Đến câu hỏi này về sự hiện hữu của Gót – là một câu hỏi lớn và nghiêm trọng, và nếu như tôi dành sức giải quyết nó cho xứng đủ, dù mức nào đi nữa, tôi rồi đến phải giữ quí vị ở đây cho mãi tới lúc “nước chúa ra đời !”[13] Thế nên quí vị phải miễn thứ cho, nếu như tôi giải quyết nó một cách tóm tắt. Dĩ nhiên, như quí vị biết, nhà thờ Catô đã đưa ra thành một giáo điều, rằng sự thực có của Gót có thể dùng lý trí chứng minh, không phải dựa thêm vào gì khác. Cái đó là một giáo điều đến lạ lùng, nhưng là một trong các giáo điều của họ. Giáo hội phải đưa ra như thế, lý do là đã một thời có những nhà tự do tư tưởng đồng thuận một tập quán – nói rằng đã có luận chứng như thế này, đã có luận chứng như thế kia, nếu chỉ bằng vào lý trí thôi, là có thể đẩy đến việc phải phủ nhận sự hiện hữu của Gót, nhưng dĩ nhiên họ hiểu Gót “đã có” hiện hữu đấy chẳng qua chỉ vì lòng tin trong thực tế của con người. Các luận chứng và các lý lẽ thật công trình rất dài hơi, và nhà thờ Catô thấy rằng phải chặn đứng ngay lại. Do đó họ đặt để rằng sự hiện hữu của Gót có thể chứng minh bằng lý trí không thôi và họ đã phải dựng lên những luận chứng mà họ cho là làm được điều này. Dĩ nhiên, có một số nhiều luận chứng, nhưng tôi sẽ chỉ bàn một vài thôi.
Luận chứng Nguyên Nhân Đầu Tiên
Có lẽ cái giản dị và dễ hiểu nhất là Luận chứng Nguyên Nhân Đầu Tiên (Nó chủ trì rằng mọi sự vật chúng ta xem thấy trong thế giới này có một nguyên nhân, và khi quí vị đi ngược cái dây xích nối chuỗi các nguyên nhân, đi ngược thật xa và xa nữa, quí vị phải đến một cái Nguyên Nhân Đầu Tiên, và với cái Nguyên Nhân Đầu Tiên đó, quí vị cho cái tên Gót.) Luận chứng này, tôi đoán chừng, ngày nay không còn có mấy sức nặng nữa, vì ngay trước hết, nguyên nhân [14] không thật còn là như vốn đã được hiểu. Các triết gia và những người trong lĩnh vực khoa học [15] đã bắt đầu đi sâu vào ý niệm nhân (quả) và thấy nó không có vết tích gì của cái sinh động mà trước đây nó đã có. Nhưng ngoài việc đó ra, quí vị có thể thấy luận chứng rằng phải có một nguyên nhân đầu tiên là một luận chứng không thể có một thuận lý nào cả. Tôi có thể nói rằng khi tôi còn là người ít tuổi và trong đầu mình suy luận về những câu hỏi này rất nghiêm trọng. Có một thời gian dài, tôi đã chấp nhận luận chứng Nguyên Nhân Đầu Tiên, cho đến một ngày, ở tuổi mười tám, tôi đọc tự truyện của John Stuart Mill[16] , và trong ấy tôi tìm thấy câu này: “ Phụ thân tôi dạy tôi rằng câu hỏi “Ai tạo ra ta?” [17] không thể trả lời được, vì nó liền lập tức làm nảy ra thêm câu hỏi “Ai tạo ra Gót?”. Cái câu văn thật đơn giản ấy đã chỉ cho tôi, như tôi nay vẫn nghĩ, tính chất ngụy biện trong luận chứng Nguyên Nhân Đầu Tiên. Nếu tất cả mọi sự phải có một nguyên nhân, vậy Gót phải có một nguyên nhân. Nếu có thể có cái gì mà không có nguyên nhân, thì cho thế giới cũng không có nguyên nhân, giống như Gót vậy. Như thế, không thể có một giá trị thuận lý nào trong luận chứng này. Nó có cùng tính chất hệt như cái quan điểm của đạo Hindu, rằng thế giới nằm yên trên một con voi, và con voi nằm nghỉ trên một con rùa[18] ; và thế rồi khi người ta hỏi, “Thế còn con rùa này nằm trên cái gì?” Người Ấn đáp, “Đề nghị chúng ta thay đề tài đi!” Luận chứng này thực không khá gì hơn thế. Không có lý do tại sao – thế giới đã không thể sinh ra không nguyên nhân, mà về mặt kia, cũng không có lý do nào – nó không thể vẫn mãi từng có đấy. Giả định rằng thế giới đã có một khởi đầu là hoàn toàn chẳng có lý do nào hết. Cái ý niệm rằng mọi sự vật phải có một khởi đầu thực do từ sự nghèo nàn của trí tưởng tượng con người mà ra[19] . Như thế, có lẽ, tôi không cần phí thêm thì giờ nữa cho cái luận chứng về Nguyên Nhân Đầu Tiên.
Luận chứng luật thiên nhiên
Rồi có một luận chứng rất phổ thông rút ra từ luật thiên nhiên [20] . Đấy là luận chứng được ưa chuộng nhất trong xuốt thế kỷ XVIII, đặc biệt là với ảnh hưởng của Sir Isaac Newton và thuyết nguồn gốc vũ trụ của ông. Người ta quan sát thấy các hành tinh quay quanh mặt trời theo luật (vạn vật) hấp dẫn, và người ta đã nghĩ rằng Gót ra lệnh cho các hành tinh này chuyển động theo cách thức như vậy, vì thế mà chúng đã quay như vậy. Dĩ nhiên, đó là một cách giải thích tùy tiện và giản dị, giúp họ thoát khó khăn khỏi phải tìm hiểu thêm xa hơn nữa các giải thích về luật hấp dẫn. Thời buổi tân tiến này, chúng ta giải thích luật hấp dẫn một cách khá phức tạp như Einstein đã đưa ra. Tôi không định đưa ra ở đây một bài giảng cùng quí vị về luật hấp dẫn, hiểu theo trình bày của Einstein, vì làm thế cũng lại cần thì giờ; nói cho chính xác, quí vị không còn có thứ luật thiên nhiên như đã thấy trong hệ thống vật lý Newton, trong ấy, do một lý do nào đó mà không ai có thể hiểu được, thiên nhiên vận hành một cách đồng loạt giống nhau. Giờ đây chúng ta thấy rằng rất nhiều điều tưởng là luật thiên nhiên nhưng thực là những ước định của con người. Quí vị biết rằng ngay ở một góc xa thẳm của không gian giữa các stellar, vẫn là cứ – ba feet thành một yard [21] . Điều ấy, không ai không nhận là một sự kiện rất đáng chú ý, nhưng quí vị khó lòng gọi nó là luật thiên nhiên. Và rmột số lớn rất nhiều những điều trước đây đã xem là luật thiên nhiên nằm vào loại này. Mặt khác, khi nào quí vị có đi xuống đến bất cứ hiểu biết nào về những hoạt tính của atom, quí vị sẽ thấy các luật (vật lý) tác động chúng ít hơn nhiều lắm không như người ta tưởng. Và những luật thiết lập được là dựa trên xác xuất trung bình của thứ kết quả xuất hiện có tinh may rủi ngẫu nhiên. Như chúng ta đều biết, có một luật rằng khi quí vị ném xúc sắc, quí vị sẽ chỉ có hai mặt sáu cùng ra vào khoảng 1 trong 36 lần ném, và chúng ta không xem đấy là bằng chứng xúc sắc ra mặt nào là có tính toán sắp đặt, ngược lại, nếu lần ném nào hai mặt sáu cũng ra, trường hợp ấy, chúng ta nên nghĩ rằng chắc có tính toán sắp đặt. Rất nhiều những luật thiên nhiên là từ cái lối nhìn như thế [22] . Chúng là những kết quả thống kê trung bình tính theo luật xác xuất. Và như thế, làm tất cả cái chuyện về luật thiên nhiên này kém đi tác động rất nhiều, không còn như trước. Ra xa khỏi những điều ấy, vốn miêu tả tình trạng nhất thời của khoa học mà ngày mai có thể đổi khác, toàn thể cái ý niệm luật thiên nhiên ám chỉ một kẻ làm luật, thì mắc vào sự lẫn lộn giữa luật tự nhiên và luật con người. Luật con người là những mệnh lệnh đòi hỏi quí vị phải cư xử theo cách nào đó, trong trường hợp này, quí vị có thể chọn tuân theo, hay chọn không tuân theo, nhưng luật thiên nhiên là những lời mô tả [23] sự vật tác động ra sao – hay sự vật xảy ra thế nào trong thực tại, và chỉ không gì hơn là một diễn tả về những tác động của chúng, quí vị không thể biện hộ rằng ở trong phải có một ai bảo chúng làm như thế [24] , bởi vì cứ giả như có ai đi nữa, có câu hỏi này cho quí vị: “Tại sao Gót chỉ đưa ra những luật thiên nhiên đó? Mà không đưa ra những cái khác?” Nếu quí vị nói ông ta làm như thế chỉ giản dị là tùy sở thích của ông, và chẳng có lý do nào cả, như thế rồi quí vị thấy có những điều không phải chịu luật, và như vậy đoàn tàu luật thiên nhiên của quí vị bị gián đoạn. Nếu quí vị nói, như càng nhiều các nhà thần học chính thống nói, rằng trong tất cả các luật Gót ban ra ông ta có lý do để ban những luật này mà không những luật kia – cái lý do – dĩ nhiên là để tạo ra một vũ trụ tuyệt hảo, dẫu rằng quí vị chẳng bao giờ nghĩ nó để nhìn đến nó – nếu đã có một lý do khi Gót ban luật, vậy chính Gót cũng phải chịu luật, và như thế quí vị chẳng được thế lợi nào khi đưa Gót ra làm một trung gian. Thực ra, quí vị có một luật đứng ngoài và có trước các sắc lệnh linh thiêng, và Gót không giúp gì mục đích (chứng minh) của quí vị, bởi vì ông không phải là người tối thượng tạo luật [25] . Nói vắn tắt, toàn thể cái luận chứng về luật thiên nhiên này không còn có chút sức mạnh gì như nó có trước đây. Tôi tiếp tục đi theo thời gian khi tôi xem lại những luận chứng. Những luận chứng dùng chứng minh sự hiện hữu của Gót, chúng thay đổi tính chất theo với thời gian. Lúc đầu, chúng đã là những luận chứng trí thức cứng cỏi chắc chắn có chứa những ngụy biện nào đó. Khi chúng ta sang đến thời hiện đại, chúng thành mất dần sự kính trọng trí thức, và thêm, càng thêm chịu ảnh hưởng của một thứ suy tưởng đạo đức mơ hồ.
Luận chứng Thiết Kế
Bước tiếp, chúng ta đi đến luận chứng thiết kế [26] . Quí vị đều biết luận chứng thiết kế: Mọi sự trong thế giới đã được tạo lập vừa vặn sao cho chúng ta có thể xoay sở mà sống trong thế giới ấy, và nếu như mà thế giới đã có khác đi chỉ một chút, chúng ta không thể nào xoay sở sinh sống trong ấy được. Đó là luận chứng thiết kế. Đôi chỗ nó có dạng hơi lạ lẫm, như lấy thí dụ, nó cãi rằng các con thỏ có đuôi trắng cốt để cho dễ ngắm mà bắn! Tôi không biết loài thỏ có quan điểm gì về sự thực hành đó! Nó là một luận chứng dễ đưa đến nhái diễu buồn cười (parody). Quí vị đều đã biết cái nhận xét (diễu cợt) của Voltaire, rằng – rành rành là cái mũi đã được thiết kế như thế để đeo kính cho vừa! Cái lối nhái diễu như thế nay thành ra không hẳn đi xa cái đích lắm đâu như người ta ở thế kỷ mười tám xem chừng, bởi vì kể từ thời có Darwin, chúng ta hiểu rõ thêm rất nhiều tại sao các sinh vật lại thích ứng với môi trường nó sống. Không phải là môi trường sống đã được tạo sao cho thích hợp với chúng, nhưng là chính chúng đã lớn dậy trong một cách để vừa vào đó, đấy là cái cơ bản của thích ứng. Không có bằng chứng nào về hoạch định, thiết kế trong chuyện đó.
Khi quí vị đến xem cái luận chứng thiết kế này, thật là một thứ kinh ngạc đến xửng sốt rằng người ta có thể tin vào rằng cái thế giới này, với biết bao nhiêu thứ trong ấy, với tất cả những nhược điểm của chúng, nên gọi là một tuyệt hảo mà sự toàn năng và sự toàn trí đã có thể thành tựu được sau hàng triệu năm như thế! Tôi thật không thể nào tin vậy được. Quí vị có thể nghĩ rằng, nếu quí vị được trao cho quyền năng tuyệt đối và trí khôn thượng đẳng và hàng triệu năm để làm thế giới quí vị thành toàn hảo, quí vị không thể tạo ra cái gì tốt hơn là tạo ra đám Ku Klux Klan [27] hay bọn Phát xít (Fascist)? Thêm nữa, nếu quí vị chấp nhận những luật thông thường của khoa học, quí vị phải giả định rằng sự sống của con người và sự sống nói chung trên hành tinh này sẽ đi đến cái lúc nó chết rụi: đó là giai đoạn hệ thái dương này suy tàn; vào một giai đoạn nào đó của sự hoại diệt, quí vị sẽ có một thứ điều kiện nhiệt độ chẳng hạn và các thứ vân vân khác nữa, thích hợp cho các thứ nguyên sinh (protoplasm), và như thế có sự sống cho một thời gian ngắn trong toàn hệ thái dương. Nhìn lên mặt trăng, quí vị thấy những gì mà quả đất chúng ta đang đi đến – cái gì đó của chết chóc, lạnh lẽo và không sự sống [28] .
Bảo tôi rằng quan điểm loại ấy thì thật nản lòng quá và người ta đôi khi bảo quí vị rằng nếu họ đã tin như thế, họ không thể tiếp tục sống được. Đừng tin như thế, toàn là láo toét. Không có ai thực sự lo lắng nhiều đến chừng ấy về những gì sẽ xảy ra hàng triệu năm về sau này. Dù cho họ có nghĩ là họ đang lo lắng nhiều về chuyện đó, họ thực đang tự đánh lừa chính họ đấy thôi. Họ lo lắng về những gì trần tục hơn nhiều lắm, hay có thể nó chỉ là một thức khó tiêu; nhưng không có ai thật thực biến thành bất hạnh bởi ý tưởng về một điều gì rồi sẽ xảy ra cho thế giới này triệu triệu năm mãi về sau. Như thế, dẫu nó dĩ nhiên là một quan điểm thảm đạm – khi cho rằng sự sống rồi sẽ tắt đi – nhưng ít nhất – tôi nghĩ chúng ta có thể được phép nói thế, mặc dầu đôi khi tôi suy tưởng về những gì người ta làm trong đời, tôi nghĩ đó hầu như một sự an ủi. – Nó không phải như thứ làm cuộc đời thành khổ sở. Nó chỉ đơn thuần khiến quí vị chuyển chú ý sang những điều khác.
Luận chứng đạo đức về Thần Linh
Bây giờ chúng ta đi đến một bậc xa hơn trong điều tôi sẽ gọi gọi là trí thức xa đọa mà những người duy thần (Theists) đã phạm vào qua các luận chứng của họ, và chúng ta đi đến cái gọi là luận chứng đạo đức về sự hiện hữu của Gót. Tất cả quí vị đều đã biết, dĩ nhiên, trong thời trước, thường có ba luận chứng trí thức về sự hiện hữu của Gót, nhưng tất cả ba đều bị Immanuel Kant phá vỡ [29] trong Critique of Pure Reason; nhưng liền lập tức sau khi phá đổ những luận chứng này, ông đặt ra một luận chứng mới, môt luận chứng đạo đức, và nó thật thuyết phục được ông. Ông cũng giống như nhiều người khác: trong các vấn đề trí thức, ông có óc hoài nghi, nhưng trong các vấn đề đạo đức, ông tin hoàn toàn vào những cách ngôn được tiêm nhiễm thuở còn nằm bú trên gối mẹ. Cái đó minh chứng điều mà các nhà phân tâm nhất mạnh rất nhiều – sự gắn bó hết sức vững chãi trong chúng ta với những gì dính líu rất sớm thuở ấu thơ hơn là những gì về sau trong đời.
Kant [30] , như tôi nói, đã tạo ra một luận chứng mới về đạo đức cho sự hiện hữu của Gót, và trong nhiều dạng thức, đã rất phổ biến ở thế kỷ XX. Nó có đủ thứ dạng. Một dạng thì nói rằng sẽ không có đúng hay sai trừ khi Gót hiện hữu. Tôi xin khoan được miễn bận tâm với chuyện – đúng và sai – chúng khác nhau ra sao? tạm môt lúc đã, hay là – chúng không có khác? đó cũng là một câu hỏi khác nữa. Điểm mà tôi quan tâm với là, nếu quí vị chắc chắn có sự khác biệt giữa đúng và sai (tốt và xấu, thiện và ác), vậy thì quí vị ở vào trường hợp này: Sự khác biệt đó là do lệnh Gót hay là không? Nếu là do lệnh của Gót, vậy trong chính Gót không có khác biệt gì giữa đúng và sai [31] , và như thế mệnh đề nói Gót là đúng (thiện) thì không còn ý nghĩa gì nữa. Nếu quí vị sẽ nói, như các nhà thần học nói, rằng Gót là đúng, quí vị như thế nói là – đúng và sai có một nghĩa nào đó mà nghĩa ấy độc lập, ở ngoài lệnh của Gót, bởi vì lệnh ý của Gót là đúng và không-sai vốn độc lập với chỉ riêng sự kiện là ông ta tạo chúng (trước rồi sau thành đúng/sai). Nếu quí vị sẽ nói như thế, quí vị sẽ phải nhận là không phải chỉ qua Gót mà đúng và sai đi đến thành hình, nhưng trong yếu tính luận lý của chúng, chúng đã có trước Gót. Quí vị có thể, dĩ nhiên, nếu quí vị thích, nói là có một thần linh tối cao đã ra lệnh cho Gót tạo nên thế giới này, hay có thể chọn lấy một câu, mà có vài người theo chủ nghĩa trực ngộ thần bí đã chọn – một câu mà tôi thường nghẫm nghĩ là rất có thể khả hữu – rằng sự thật là thế giới này mà chúng ta biết đã được quỉ dữ tạo ra đúng trong một thoáng mà Gót nhìn đi chỗ khác! Có rất nhiều bàn bạc cho nó là đúng, và tôi không quan tâm đến chuyện bác bẻ nó!
Luận chứng đền bù bất công [32]
Rồi lại còn một dạng thật là quái dị của luận chứng đạo đức, nó như thế này: Họ nói sự hiện hữu của Gót thì cần, ngõ hầu mang lại công lý cho thế giới. Trong cái phần của vũ trụ mà chúng ta đều biết này, có vô vàn bất công, và thường là cái thiện lành chịu điêu đứng, mà cái ác độc thì nhởn nhơ, và người ta thật khó biết là trong hai, điều nào bứt rứt hơn; nhưng nếu như rồi quí vị sẽ có công lý trong vũ trụ – hiểu như toàn khắp – quí vị phải giả định là có một đời sống trong tương lai để đền bù những thiếu hụt của đời sống này trên mặt đất. Như thế, họ nói phải có một Gót, và phải cóHeaven và Hell [33] , cho mục đích rồi ra có công lý trong về lâu về dài. Cái này thật là một luận chứng mới lạ lùng! Nếu quí vị nhìn vấn đề từ quan điểm khoa học, quí vị rồi sẽ nói: “Cho rốt ráo, tôi chỉ biết có thế giới này mà thôi. Tôi không biết gì về các phần khác còn lại của vũ trụ, nhưng nếu như người ta – dù cách nào – nhưng dựa trên phép toán xác xuất để bàn luận, người ta có thể nói hầu như khá chắc chẳn rằng thế giới này là một thí dụ khá điển hình, và nếu có bất công ở đây, thì có cũng có bất công ở nơi khác vậy”. Giả sử quí vị mở một sọt cam vừa nhận được, và quí vị thấy tất cả cam trên lớp mặt đều thối cả, quí vị chắc không cãi “Cam lớp dưới chắc phải tốt, có thế mới bù lại lớp trên chứ!” Quí vị đã hẳn nói: “Có lẽ tất cả cam đóng sọt này đều xấu cả” và đó thực là đúng như một người có tinh thần khoa học sẽ tranh luận về vũ trụ này. Ông ta rồi nói: “Nơi đây, tôi thấy trong thế giới này đầy rẫy những bất công, và chừng nào còn như thế thì đó là lý do để giả thuyết rằng công bình không trị vì trong thế giới, và do đấy, theo như thế có thể lập một luận chứng phản lại sự hiện hữu của thần linh (Gót) chứ không phải thuận với hiện hữu của một vị”. Dĩ nhiên, tôi biết rằng cái lối lý luận lôgích trí thức mà tôi đã nói chuyện với quí vị cho đến giờ đây không phải là động cơ thực làm chuyển lòng người. Cái làm chuyển tâm, thay dạ người ta để tin vào Gót thì không có lý luận lôgích trí thức gì hết cả! Phần lớn những người tin có Gót vì họ đã được dạy như thế từ thuở rất thơ, dỗ làm theo thế từ thuở còn rất dại, và đó là lý do chính yếu.
Rồi, tôi nghĩ, cái lý do thật mạnh mẽ kế tiếp là lòng mong ước được an toàn, một loại cảm giác rằng có đấy một ông anh lớn khỏe, sẽ không rời mắt trông chừng cho quí vị. Những cái đó đóng phần rất sâu xa cho ảnh hưởng sự ước ao của người tin vào Gót.
Tư cách cá nhân của Christ
Bây giờ tôi muốn có vài lời về một đề tài mà tôi thường nghĩ là phái chủ trì Duy trí (Rationalists) [34] đã không luận bàn đến mức cho thực đúng, và đó là câu hỏi – có phải Christ từng là người ở bậc thượng đẳng và khôn ngoan nhất của nhân loại hay không? Phần đông nói chung, cứ xem như lẽ đương nhiên tất cả chúng ta hẳn đều đồng ý là đã như thế. Phần tôi, tôi thì không. Tôi nghĩ là có khá nhiều điểm mà tôi đồng ý với Ngài nhiều lắm, hơn cả những người Kitô ngoan đạo đồng ý. Tôi không biết là tôi có thể hoàn toàn theo chân ông cho đến cùng, nhưng tôi có thể đi theo ông một đỗi còn xa hơn phần lớn những người theo đạo Kitô. Quí vị sẽ nhớ lời Ngài nói “Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho nó luôn” [35] . Cái đó không phải là một châm ngôn mới, hay một nguyên tắc mới. Lão tử và Phật Thích Ca, khoảng 500 hay 600 năm trước Christ đã có dạy thế rồi [36] , nhưng nó không phải là một nguyên tắc những người theo Kitô tuân theo trong thực tế. Tôi không ngờ vực gì rằng vị thủ tướng hiện nay của chúng ta (Stanley Baldwin [37] ), lấy thí dụ, là một người theo Kitô chân trực, nhưng tôi không dại, khuyên ai trong quí vị, tát ông một cái vào má thử đi. Tôi nghĩ quí vị rồi có cơ biết ông ta nghĩ câu nói này có nghĩa bóng thôi. [38]
Rồi lại có một điều khác tôi cho là hay tuyệt, Quí vị nhớ Christ có nói: “Đừng phán xét ai thì các ngươi khỏi bị phán xét”. [39] Tôi không nghĩ là quí vị tìm thấy nguyên tắc đó được phổ thông trong tòa án những xứ theo đạo Kitô. Tôi đã từng biết trong thời tôi, thực khá nhiều người là quan tòa, chẳng ai trong họ đã cảm thấy mình đã hành động ngược với nguyên tắc của đạo Kitô với những gì họ đã làm trong nghề. Rồi Christ nói:“Ai xin của ngươi hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng quay đi” [40] . Đấy là một nguyên tắc hay, Ông chủ tịch quí hội đã nhắc tôi rằng, ở đây chúng ta không nói chuyện chính trị, nhưng tôi không thể nào giữ im, không nói ra nhận xét rằng cuộc tổng phổ thông bầu cử nghị viện vừa qua đã tranh cãi một câu hỏi – mức độ nào cho vừa với ước ao quay đi với kẻ muốn vay mượn! như thế người ta phải chấp nhận là đảng Tự Do và Bảo Thủ của nước (Anh) này gồm những người không đồng ý với lời dạy của Christ, bởi vì trong dịp này, họ quả thực đã rành rành quay lưng đi.
Rồi Christ còn có một cách ngôn khác nữa, tôi nghĩ là nó hàm chứa nhiều nghĩa lắm, nhưng tôi không thấy phổ dụng nhiều trong giới quí vị theo đạo Kitô của chúng ta. Ngài nói: “Nếu ngươi muốn toàn bích, đi bán hết của cải ngươi đang có, và đem hết cho người nghèo”[41] Đấy là một câu thượng hạng, nhưng như tôi đã nói, không thực hành được nhiều. Tất cả những câu này, tôi nghĩ, là những châm ngôn đẹp, mặc dù sống theo có hơi khó khăn. Tôi không thú nhận là tôi sống đã sống tới mức với chúng, nhưng rồi dẫu sao, chắc một người theo Kitô, phải không giống như tôi.
Các thiếu sót trong lời dạy của Christ
Thừa nhận các châm ngôn này là thượng hạng, tôi đi đến một số điểm làm tôi không tin người ta có thể đồng ý đã có sự khôn ngoan khôn lường hay thiện lành thượng đẳng ở nơi Christ như Phúc Âm đã trình bày; và ở chỗ này, tôi xin nói là người ta không đặt câu hỏi về lịch sử. Nói về lịch sử, thực rất ngờ vực không biết Christ đã thật từng có thực hay không, và nếu Ngài thật có, chúng ta chẳng biết gì về Ngài cả, thế nên tôi không thắc mắc với câu hỏi nan giải về lịch sử, là câu hỏi rất khó khăn [42] . Tôi quan tâm về Christ như Người đã tả trong Phúc Âm, kinh Thánh kể thế nào thì nhận thế, và trong đó, người ta tìm thấy vài điều xem ra không khôn ngoan cho lắm. Dẫn một thí dụ, Ngài chắc chắn đã nghĩ là Ngài sẽ xuống trần lần thứ hai, giữa những đám mây rực rỡ, trước khi chết tất cả những người đang sống lúc ấy cùng thời với Ngài. Có rất nhiều câu chứng minh như thế. Ngài nói, một dẫn chứng: “Các ngươi sẽ chưa đi hết trọn các châu thành của xứ Israel thì Con của Người [43] đã đến rồi” [44] . Rồi Ngài có nói: “Có vài kẻ trong các ngươi đang đứng kia sẽ chưa kịp nếm cái chết trước lúc Con của Người đến ngự trên vương quốc Người” [45] và có rất nhiều chỗ, qua đấy, rất rõ rệt là Ngài tin lần tái thế lần thứ hai của Ngài sẽ sắp xảy ra ngay trong thời những người đang sống cùng ông lúc ấy. Đó cũng là sự tin tưởng của những tín đồ đầu tiên theo Ngài, và nó cũng là cơ bản cho rất nhiều những gì Ngài giảng dạy. Khi Ngài nói, “Đừng có lo nghĩ về ngày mai” [46] và những điều tương tự thế ấy, có rất đông đảo, là vì Ngài nghĩ lần tái thế thứ hai của Ngài sắp đến rất gần, và như thế tất cả các công chuyện thông thường hàng ngày thành không đáng kể. Tôi có biết, thực vậy, một vài người theo Kitô, họ thực tin lần tái thế thứ hai chắc chắn đang đến dần. Tôi biết có một nhà tu Kitô, ông ta làm cả họ đạo kinh hoảng vô cùng, vì ông bảo họ lần tái thế thứ hai (của Christ) hai năm rõ mười xắp xảy ra đến nơi rồi! Họ (chỉ) hoàn hồn, bình tâm lại được khi thấy ông này đang trồng cây trong vườn. Những người theo Kitô thuở ban đầu, thực tin vào điều này, và họ đã ngưng mọi công việc, như trồng cây trong vườn chẳng hạn, vì đã tuân nghe theo Christ – tin chuyện Christ tái thế là sắp xảy ra đến nơi. Trong chiều hướng ấy, rõ ràng Ngài đã không khôn ngoan ngang mức như một vài người khác, và Ngài chắc chắn đã không là thượng đẳng khôn ngoan.
Trở ngại đạo đức
Rồi quí vị sang đến những câu hỏi về đạo đức. Theo tôi nghĩ, có một thiếu sót rất trầm trọng trong tư cách đạo đức của Christ, và đó là Ngài tin vào Hell (hỏa ngục) [47] . Bản thân chính tôi, tôi không nghĩ là bất cứ người nào thực lòng nhân ái sâu xa lại có thể tin vào sự trừng phạt cho đến vĩnh viễn! Như hình ảnh trong Phúc Âm, chắc chắn Christ đã tin tưởng vào sự trừng phạt vĩnh viễn, và người ta thực tìm ra nhiều lần lập đi lập lại một sự cuồng nộ thù hận với những người họ đã không nghe thuyết giáo của Ngài. Một thái độ cũng không phải là hiếm hoi gì trong đám những người giảng đạo, nhưng nó dẫu gì cũng làm giảm đi cái mức thượng đẳng. Quí vị không tìm thấy thái độ này, lấy thí dụ, trong Socrates. Quí vị tìm thấy ông hòa nhã và lịch sự với những ai không nghe ông. Và như thế, theo tôi nghĩ, lối ấy xứng đáng hơn biết bao với bậc hiền giả, hơn là cái kiểu căm phẫn. Hầu hết quí vị có lẽ hẳn đã nhớ phần nào những điều Socrates đã nói lúc sắp chết [48] , và phần nào những điều mà ông đã thường nói với những ai không đồng ý với ông.
Quí vị sẽ tìm thấy trong sách kinh Thánh, Christ có nói: “Nhà ngươi rắn rết kia, cái giòng rắn lục (độc), làm sao mà chúng bay thoát được sự trừng phạt của Hell (hỏa ngục) đời đời!” [49] . Đó là nói với những người không thích lời ông giảng! Thật là, theo trí óc tôi, không phải là cái giọng điệu bậc nhất! và có một số rất nhiều những điều cùng loại như vậy về Hell. Có nữa, dĩ nhiên, cái câu chép quen thuộc nói về phạm tội với chúa Thánh Linh: “Những ai mà nói ngược chống chúa Thánh Linh, sẽ chẳng bao giờ được tha thứ trong thế giới này, cũng như trong thế giới sau” [50] . Câu văn này đã là nguyên nhân tạo thành một lượng lớn khôn tả khổ đau trên thế giới, vì với phần nào đủ mọi hạng người đã tưởng tượng rằng họ đã phạm vào tội với chúa Thánh Linh, và nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ tha thứ đến với họ trong thế giới này, cũng chẳng đến trong thế giới sau. Tôi thật không thể nghĩ là một người trong bản chất nếu ở một mức độ tử tế vừa phải, lại đem khiếp sợ và hãi hùng thế ấy mà cắm trồng vào thế giới.
Rồi Christ nói: “Con của Người sẽ sai các thiên sứ Ngài, tóm thâu mọi điều báng bổ và những kẻ làm ác, tống ra khỏi nước Ngài,và quăng chúng vào lò lửa, là nơi sẽ nghe tiếng kêu van khóc lóc và tiếng rụng rời nghiến răng” [51] ; Và Ngài cứ tiếp tục với sự – kêu van khóc lóc và rụng rời nghiến răng – Hết câu này lại đến câu kia, và nó thật hiển nhiên với người đọc là có một sự khoái trá chắc chắn trong khi dự định về – kêu van khóc lóc và rụng rời nghiến răng – vì nếu không, đã chẳng lập đi lập lại quá thường xuyên như thế. Rồi tất cả quí vị, tất nhiên, còn nhớ câu chuyện về con cừu và những con dê, đến lúc xuống trần lần thứ hai – Ngài sẽ phân con cừu khỏi những con dê [52] như thế nào. Ngài sẽ nói với những con dê, “Lui ra khỏi ta, kẻ bị nguyền rủa, đi vào trong lửa cháy đời đời”[53] Rồi Ngài lại nói nữa: “Nếu tay ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó đi; thà rằng một tay mà vào sự sống, còn hơn đủ hai tay mà sa xuống hỏa ngục, vào trong lửa chẳng tắt, nơi bọn sâu bọ chẳng chết (cho được) và lửa không tắt thiêu đốt mãi mãi” [54] . Ngài cũng cứ lập đi lập lại điều đó. Tôi buộc phải nói, tôi nghĩ đến cho cùng cái giáo thuyết này, cái chuyện lửa hỏa ngục là để trừng phạt tội lỗi, là một giáo thuyết của tàn độc. Nó là một giáo thuyết đã đem sự tàn ác vào trong thế giới và đem đến cho thế giới bao nhiêu thế hệ chất chồng tra tấn khảo hành tàn độc; và vị Christ của Phúc Âm, nếu quí vị có thể cứ xem Ngài bằng vào những gì các người biên chép Ngài đã ghi kể, phải được coi là chắc chắn phải chịu một phần trách nhiệm về những ác độc ấy.
Có những chuyện khác kém tầm quan trọng hơn. Như chuyện những con lợn ở Gadarene [55] , chuyện ấy thực là không có chút tử tế nào với đàn lợn, đuổi tà ma cho nhập vào chúng và làm cả đàn – hơn hai nghìn con – chạy tuột dốc đồi, đâm đầu xuống biển, chết trọn! Quí vị phải nhớ rằng Ngài là kẻ toàn năng, Ngài có đã có thể giản dị làm tà ma biến mất đi; nhưng Ngài chọn cách tống chúng vào bầy heo vô can! Rồi lại có câu chuyện kỳ dị về cây sung, chuyện này luôn luôn làm tôi lúng túng không hiểu. Quí vị nhớ chuyện xảy ra cho cây sung. “Ngài đang đói, và thấy đàng xa một cây sung có lá, Ngài đến đó xem hoặc có chi chăng; song, tới gần rồi, chỉ thấy có lá mà thôi, vì bấy giờ không phải mùa quả sung. Ngài bèn cất tiếng phán cùng cây sung rằng: Từ đây về sau, không ai còn ăn quả của mầy nữa!” … và Peter .. nói với Ngài: “Thày ơi, coi kìa! cây sung thầy rủa, nay héo chết khô đi rồi” [56] . Đây là một câu chuyện rất lạ lùng, vì lúc ấy không đúng vào mùa sung có quả, và quí vị thực làm sao mà trách cây sung được! Chính tôi, tôi không thể cảm thấy, dù là về mặt khôn ngoan hay là về chiều phẩm hạnh, Christ không đứng cao ngang bằng hạng như một số những con người lịch sử có tiếng khác. Tôi nghĩ tôi nên đặt Đức Phật và Socrates lên trên cao hơn Ngài, về những phương diện này.
Thành tố xúc cảm
Như tôi đã có nói ở trước, tôi tin lý do thực sự – khiến vì sao con người tin theo tôn giáo – chẳng có dính dáng tí nào với những luận chứng tranh cãi. Người ta chấp nhận tôn giáo trên những nền cảm xúc. Người ta thường nghe bảo, rằng thật là rất sai trái nếu chống báng tôn giáo, vì tôn giáo làm con người đạo hạnh. Người ta bảo tôi thế, và tôi đã nhận biết điều ấy. Quí vị biết, dĩ nhiên, sự diễu cợt cái lý luận ấy, trong quyển Erewhon Revisitedcủa Samuel Butler [57] . Quí vị sẽ nhớ ra rằng trong Erewhon, có một ông Higgs đó, ông ta đi đến một xứ thật cách biệt hẻo lánh, sống ở đó độ một thời gian, ông ta trốn về nhà, bằng khinh khí cầu. Rồi hai mươi năm sau, ông ta lại trở lại cái xứ hẻo lánh đó, thấy chính ông nay được thờ là giáo chủ của một tôn giáo mới, cái tôn giáo mới này gọi ông với cái tên là “Con Trời”, và dân chúng ở đấy bảo rằng ông đã “thăng thiên” về trời. Ông biết được rằng Lễ Thăng Thiên sắp sửa diễn ra, và ông nghe hai vị giáo sư Hanky và Panky nói với nhau rằng họ chưa bao giờ nhìn tận mặt cái người tên Higgs, và họ mong rằng rồi họ sẽ chẳng bao giờ phải gặp Higgs; nhưng họ lại là những tu sĩ cao cấp nhất của tôn giáo thờ Con Trời. Higgs rất phẫn nộ, ông ta đến trước họ và ông nói: “Tôi sẽ phơi bày tất cả những cái bịp bợm này, và nói với mọi người trong xứ Erewhon, chuyện thực đã xảy ra cho tôi, tôi – người tên Higgs, là tôi đã bay lên trên cao kia bằng khinh khí cầu”. Người ta bảo ông ta: “Nhất định ông phải chớ có làm thế, vì tất cả đạo đức của xứ này đều gắn buộc vào cái huyền thoại ấy. Và nếu một khi họ biết rằng ông thực không có lên thiên đàng gì ráo trọi, họ thành hư hỏng đồi bại ngay”, và như thế, ông ta đành chịu bị thuyết phục cách đó, và ông lặng lẽ đi mất.
Cái quan niệm đó – rằng chúng ta thảy thảy rồi thành hư hỏng đồi bại hết cả, nếu chúng ta không giữ lấy đạo giáo Kitô. Tôi thấy rằng những người bám lấy cái ý tưởng đó chính họ phần đông đã cực kỳ tàn ác. Quí vị sẽ thấy cái sự thật lạ lùng này – hễ cứ thời mà có tôn giáo đã lên cực mạnh lên đến đâu và các tin tưởng giáo điều cứng chắc đến tới mức nào, thì đã có tàn ác nhiều đến chừng ấy và việc nước non quốc sự thành tệ hại đến mức ấy. Trong cái thời gọi là thời của đức tin tôn giáo (Ages of faith) [58] , trong khi con người ta thực đã tin theo đạo Kitô một cách hoàn toàn không lệch lạc hay thiếu sót gì, đã xảy ra chuyện các tòa án dị giáo (Inquisition)[59] với tất cả những nhục hình tra khảo của nó. Có hàng triệu phụ nữ bất hạnh bị ghép tội “phù thủy” [60] đã bị thiêu sống; và đã có đủ mọi thứ tra khảo tàn độc, hành hạ không còn chừa bất cứ hạng người nào, tất cả đều nhân danh tôn giáo (Kitô).
Khi quí vị nhìn quanh khắp thế giới, quí vị thấy bất cứ một mẩu nhỏ tiến bộ nào nay đạt được về cảm tính con người, tất cả những cải thiện có được trong ngành hình luật, tất cả mọi bước tiến đi dần đến giảm thiểu chiến tranh, tất cả mọi bước tiến khiến việc đối xử những người giống da màu cho tốt đẹp hơn, hay tất cả những gì làm dịu nhẹ đi nạn nô lệ, tất cả mọi tiến bộ đạo đức đã có được trên toàn thế giới, đã liên tục bị các tổ chức nhà thờ trên thế giới, trước sau như một, kiên định chống đối không ngừng. Tôi nói – với tất cả thận trọng rằng – đạo Kitô, như được tổ chức sau những hội nhà thờ của nó, đã từng và vẫn còn là thù nghịch chính của các tiến bộ đạo đức trên toàn thế giới.
Nhà thờ kéo tiến bộ chậm lại như thế nào?
Quí vị có thể nghĩ là tôi đã đi quá xa, khi tôi phát biểu rằng nhà thờ vẫn tiếp tục còn là thù nghịch chính của các tiến bộ đạo đức trên toàn thế giới. Tôi không nghĩ nói thế là tôi đã nói quá đáng. Hãy lấy một sự kiện, Xin quí vị kiên nhẫn cùng tôi nếu tôi có nhắc đến nó, đó không là một sự thật dễ chịu gì, nhưng hội các nhà thờ buộc người ta phải nhắc đến những sự kiện chúng không dễ chịu chút nào. Giả dụ rằng trong cái thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay, có một cô gái ngây thơ lấy phải một anh chồng mắc bệnh giang mai; trong trường hợp đó, nhà thờ Catô phán: “Đây là một giao kèo thiêng liêng không thể huỷ được, anh chị phải sống cùng với nhau suốt đời”. Và phải tuyệt không có một biện pháp dù bất cứ loại nào mà người phụ nữ đó có thể được đem xử dụng để tránh không sinh nở ra những đứa con bị bệnh giang mai . Đó là những gì hội nhà thờ Catô nói. Tôi nói rằng đó là tàn nhẫn ác độc như quỉ sứ, và không ai mà lòng thương cảm tự nhiên chưa bị tín lý giáo điều bẻ cong, hay không ai mà những khả năng cảm nhận khổ đau của lòng đạo đức tự nhiên chưa hoàn toàn bị chết trụi, lại có thể chủ trì rằng là đúng, là phải, là cái tình trạng như thế cứ nên theo, phải nên giữ tiếp tục.
Đó chỉ là mới một thí dụ. Có rất đông đảo biết bao nhiêu phương cách, ngay trong giờ phút này, nhà thờ, cứ khư khư trên những điều nó chọn lấy, nhất nhất gọi là đạo đức, làm thương tổn đủ mọi loại hạng người trong xã hội, gây những khổ đau lẽ ra không đáng có và không cần thiết [61] . Và tất nhiên, như chúng ta đều biết, phần lớn các nhà thờ vẫn đóng vai kình chống lại sự tiến bộ và hoàn thiện ở khắp hết mọi đường lối dẫn đến sự giảm thiểu khổ đau trên thế giới. Vì nó đã chọn một số những phép tắc hạnh kiểm ứng xử chật hẹp nào đó, tập hợp lại, dán lên đấy cái nhãn hiệu đạo đức, dù chúng không có dính líu gì với hạnh phúc con người, và khi quí vị nói – phải nên thực hiện điều này hay sự kia – vì chúng đem lại hạnh phúc nhân sinh, họ lại nghĩ rằng điều đó không có liên quan gì với vấn đề cả. “Hạnh phúc con người có tác động gì với luân lý? Mục đích của luân lý không phải là để làm con người hạnh phúc!”
Sợ hãi, nền tảng của tôn giáo
Tôi nghĩ, các tôn giáo đều dựa trên, chủ yếu và phần lớn, sự sợ hãi. Một phần vì khiếp hãi cái-không-biết và một phần, như tôi đã nói, ước ao có một thứ ông anh lớn luôn đứng cạnh, bênh vực mỗi khi mình gặp khó khăn và tranh chấp. Sợ hãi là cơ bản cho trọn toàn bộ – sợ cái bí ẩn, sợ sự thua bại, sợ chết. Sợ hãi là cha mẹ của ác độc, và như thế không có gì làm lạ, nếu như ác độc và tôn giáo vẫn đã từng song hành bên nhau. Bởi vì sợ hãi nằm trong cơ bản của cả hai. Trong thế giới này, giờ đây chúng ta bắt đầu có thể hiểu một chút ít về mọi sự, và phần nào chế ngự được chúng nhờ vào khoa học, vốn đã mở đường tiến và trong từng bước, bước nào bước nấy đều phải chống lại đạo Kitô, chống lại các nhà thờ, chống lại sự đối nghịch của tất cả các giáo huấn cổ. Khoa học có thể giúp chúng ta vượt thắng được cái nhát sợ này mà loài người đã từng sống với qua hàng bao nhiêu thế hệ. Khoa học có thể dạy chúng ta, và tôi nghĩ, con tim chúng ta có thể dạy chúng ta, không còn phải nhìn quanh để tìm những chống đỡ tưởng tượng, không còn phải bịa ra những đồng minh trên trời xanh, nhưng là nên trông vào chính những nỗ lực của mình tại đây dưới thế, làm thế giới này thành một chốn thích hợp để sống, thay vì một loại trần gian mà các nhà thờ trong suốt những thế kỷ qua đã tạo nặn thành.
Chúng ta phải làm gì
Chúng ta muốn đứng thẳng, vững chãi trên chính hai chân mình, tự lập với tất cả những gì cần để sống, không phải nhờ bất cứ ai khác, nhìn thế giới với con mắt ngay thực và công bằng – những sự kiện tốt, những sự kiện xấu, những cái đẹp đẽ, và những cái không-đẹp-đẽ của nó; nhìn thế giới như nó-thực-là, và đừng sợ nó. Chinh phục thế giới bằng trí tuệ thông minh và đừng chỉ đơn thuần để sự khiếp hãi từ nó đến làm mình bị khuất phục nô lệ. Toàn thể khái niệm về Gót là một khái niệm bắt nguồn từ những thể chế chuyên quyền cổ hủ của vùng Cận Đông. Nó là một khái niệm hoàn toàn đáng khinh, không xứng với con người tự do. Mỗi khi quí vị nghe người ta trong nhà thờ tự làm họ thành thấp hèn, và lảm nhảm rằng họ là những kẻ ”khốn khổ khốn nạn”, “có tội”, và hết thảy mọi thứ tiếp sau đó nữa, thật có vẻ đáng khinh và không xứng với những cá nhân tự trọng. Chúng ta phải nên đứng lên và nên thẳng thắn nhìn tận mặt thế giới. Khó khăn cách mấy cũng phải không nản lòng, nhưng nên vui vẻ tận lực thích ứng đến hết mức có thể được, và nếu như thế giới có không tốt như mong, không đẹp như muốn, xét cho cùng, nó vẫn là bội phần hơn những gì trong suốt hàng nghìn năm qua những người khác đã làm được. Một thế giới tốt lành cần sự hiểu biết, cần lòng tử tế và cần sự can đảm; nó không cần một khát khao ân hận về quá khứ, hay một sự gông cùm trí thông minh bằng những lời của những người mông muội thốt từ rất xa xưa. Nó cần cái nhìn không sợ hãi về xa trước và trí óc không bị trói buộc. Nó cần hy vọng cho tương lai, chứ không phải lúc nào cũng nhìn ngoái lại mãi một quá khứ chết, mà chúng ta kỳ vọng cái tương lai do trí thông minh của chúng ta tạo lập được sẽ vượt trội rất xa.
Bertrand Russell (1927)
Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất
(Jun/2009)
Dịch từ Bertrand Russell, “Why I am Not a Christian?” (1927), trongThe Basic Writings of Bertrand Russell (1903-1959), Part XV, The Philosopher of Religion, ed. Robert. E. Egner và Lester E Denonn với lời tựa của Bertrand Russell (London: Routledge, 2001), pp. 585-97.

[1] Mohamedan: Tên cũ gọi tín đồ đạo Islam.
(Các chú thích trong bài dịch, và các sai lầm nếu có, là của người dịch bản tiếng Việt, hướng đến một độc giả Việt ngữ phổ thông. – LDB)
[2] Augustine of Hippo (354 – 430), giám mục thành Hippo Regius (nay thuộc Algeria), còn được gọi là St. Augustine, tu sĩ, nhà thần học, cha đẻ ra lý thuyết cho đạo Kitô. Ông là người đặt định khái niệm “tội tổ tông” và qui định chiến tranh tôn giáo là chính đáng (just war), – ý niệm này trong các thế kỷ sau, đưa đến các ý niệm “thánh chiến” và giết/trừng phạt người “ngọai giáo” lại được phước – là lý thuyết đưa giáo hội Kitô gây bao máu đổ và tạo hay dính líu vào rất nhiều tội ác trong lịch sử nhân loại. Ông cũng khai mở ý niệm giáo hội nhà thờ là thiên đường tinh thần, hay vương quốc linh thiêng (“City of Gót”), ly thân giáo dân với quốc gia thế tục.
Trong Lịch sử triết học phương Tây (A History of Western Philosophy)”, Russell phê bình Augustine cũng như Thomas Aquinas, xem hai vị này chỉ là những nhà lập thuyết của đạo Catô, không phải là những người suy nghĩ độc lập, đóng khung suy tưởng trong niềm tin của một tôn giáo độc thần, nên là nhà thần học, nhưng không là triết gia đúng nghĩa.
[3] Saint Thomas Aquinas, hay Thomas of Aquino (1225-1274): tu sĩ Catô La Mã, dòng Dominican, nước Ý, là nhà thần học có ảnh hưởng rất lớn lao từ thời thời trung cổ Âu châu, cả trong và ngoài giáo hội Kitô.
[4] Trong bài dịch một bản văn khác của B. Russell “Is there a God?” – tôi đã giải thích tại sao không có gì hay hơn là cứ để nguyên là “Gót” (đọc như “gót”) – thay vì dịch theo các nhà truyền đạo, như hiện nay trong Việt ngữ, là chúa Trời, hay Thượng Đế.
[5] Immortality: Có nhiều các định nghĩa tùy theo tín ngưỡng, tôn giáo, hay theo triết hoc. Về triết học, dẫn một định nghĩa ngắn như sau của triết gia Mỹ Corliss Lamont:
“The literal survival of the individual human personality or consciousness for an indefinite period after [physical] death, with its memory and awareness of self-identity essentially intact “- Dịch nôm na: Sau khi chết, mỗi người có nhân cách và ý thức không mất, chúng còn mãi mãi, vẫn còn nguyên trí nhớ và sự tự biết mình là ai.
Immortality – thường hiểu trong tôn giáo là sự bất tử của linh hồn con người – là vấn đề triết học lớn, không thể nào tóm lược vào vài dòng. Xin đọc lại định nghĩa thêm một lần, sẽ thấy vô số câu hỏi, câu hỏi nào của quí vị, cho đến nay cũng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, thế nên, nó chỉ là niềm tin thôi.
Tín đồ nhiều tôn giáo – trong đó có tín đồ đạo Kitô tin như vây – riêng trong đạo Kitô còn thêm rằng có và đến ngày phán xét cuối cùng, linh hồn ấy được phán xử – hoặc lên thiên đường như phần thưởng, – hoặc ngược lại, phải ở trong hỏa ngục vĩnh viễn để chịu tội.
Trong bài này, Russell chỉ nhắc qua ở đây, nhưng tiếp sau, không bình luận gì thêm, theo tôi hiểu – ông cho nếu phủ nhận không tin vào sự hiện hữu của Gót – ở các đoạn sau – giải quyết xong rồi, thì niềm tin này, đặc biệt là phần có thêm của Kitô về phán xét thưởng phạt cuối cùng, không cần phê bình cũng đổ, vì tự nó trở nên vô nghĩa.
[6] Xem Russell, Is there a God? – Có Gót hay không? bản tôi tạm dịch trên blog này.
[7] Xem Russell, What is the soul? – Linh hồn là gì? bản tôi tạm dịch trên blog này.
[8] Whitaker’s Almanack: sách ra mỗi năm (niên giám) rất phổ thông ở nước Anh, thời tác giả.
[9] Bài diễn văn này tại London, thủ đô nước Anh, các sách địa lý dân số, xếp chung vào khối theo đạo Kitô.
[10] Ở châu Âu, có một lịch sử dài – rất dài – về những người phủ nhận không tin vào/có Gót, thần linh (atheist; chủ nghĩa atheism) hay nghi ngờ – cho rằng không thể biết chuyện có/không về Gót, thần linh (agnostic; chủ nghĩa agnosticism), và cùng các tranh đấu của họ cho tự do tin tưởng, tự do không tín ngưỡng, nói chung cho tự do tư tưởng.
Hội Tranh Đấu đòi quyền tự do thế tục Anh quốc (National Secular Society) – mà tác giả đọc diễn văn này – là một tổ chức có nội dung như thế.
Bản thân tác giả, Bertrand Russell, ông là một người theo chủ thuyết agnosticism, trên lý thuyết, nhưng trong thực hành là một người vô thần. Xem bải viết của ông What is an agnostic? – Thế nào là một người theo thuyết Không-thể-biết? Tôi tạm dịch trên blog này
[11] Privy Council – ở đây là nước Anh – British Privy Council.
[12] The Archbishop of Canterbury là danh vị đứng đầu của giáo hội Anh giáo (Church of England), đứng thứ hai là Archbishop of York. Đạo Catô tại nước Anh vẫn tùng phục giáo quyền của Vatican, nhưng đến năm 1534 , vua King Henry VIII, bất bình vì chuyện riêng, đã tách ra lập giáo hội tuy nội dung vẫn là theo Catô, nhưng từ đấy có tên là Anh giáo (Anglican). Giáo hội này khác với giáo hội của đông đảo những người Anh theo đạo Thệ Phản Tin Lành.
[13] Russell khôi hài – chuyện không bao giờ xảy ra – vì người theo đạo Kitô Anh, Mỹ vẫn có lời cầu nguyện về một ngày họ mong chờ – lúc ấy “tên chúa vinh hiển, nước chúa ra đời.” (Lord”s Prayer: “Thy Name be hallowed, Thy Kingdom come, Thy will be done, As in heaven so on earth.”)
[14] Notion of causality: theo tôi hiểu – tác giả muốn nói – cái khái niệm về “nhân” (a cause) – trong ý niệm nhân quả (causality) – ở đây hiểu là trong truyền thống triết lý và khoa học phương Tây – khởi đi từ Aristotle với định nghĩa 4 loại nguyên nhân của ông – ngày nay đã khác – đã có thêm tiến bộ trong lĩnh vực kiến thức nhân loại về cả hai mặt khoa học và triết lý – không còn như thời các thế kỷ trước, lại càng khác thời cổ đại, khi lập các luận chứng trong dùng các khái niệm này.
Đây là một lĩnh vực Russell cũng có những đóng góp rất quan trọng. Trong luận văn “On the Notion of Cause”, đã có phát biểu này rất nổi tiếng, cho đến nay vẫn còn là thách đố cho thế giới triết và khoa học:
“The law of causality, I believe, like much that passes muster among philosophers, is a relic of a bygone age, surviving, like the monarchy, only because it is erroneously supposed to do no harm”
Khái quát đến vắn tắt, (vì tôi cũng không hiểu gì hơn!) – nhưng ghi lại đây để nghiên cứu sau – và cho ai có ý muốn đi sâu hơn – Russell cãi là cái khái niệm của triết học (phương Tây) về nhân quả (concept of causation) kéo theo luật tất định phổ quát (the law of universal determinism) – là tất cả mọi biến cố đều phải có một nguyên nhân – và cái ý niệm lấy nhân quả làm mối liên hệ giữa các biến cố, thì vô dụng (“otiose”) và trong khoa học ngày nay nó đã bị bỏ, không dùng đến, thay vào đó là khái niệm liên hệ dạng hàm số (functional relations), thí dụ – thay vì quả quyết e1 và e2 có quan hệ nhân quả, chúng ta dùng : e1= f(e2) – e1 là hàm số của e2 – như vậy không nhất thiết phải tất định.
Một triết gia Anh, nổi tiếng không kém, vốn là học trò của Russell, Ludwig Wittgenstein (1889-1951) – trong một context khác, cũng hoàn toàn gạt bỏ khái niệm nhân quả – đúng hơn là mối quan hệ nhân quả (causal nexus) giả định là có giữa hai hiện tượng h1 và h2 trong dòng thời gian – Ông bảo tin vào liên hệ nhân quả là mê tín (superstition is the belief in the causal nexus.)
Ở đây, đã cứ nhấn mạnh về triết hoc phương Tây – vì khi ghi chú về causality không thể không nhắc đến Nagarjuna (150-250), từ phương Đông, đã trình bày luận chứng của mình về nhân-quả (causation) với cách đặt vấn đề và nền tảng hoàn toàn khác biệt, để đưa ra khái niệm Tính không giải thích triết lý Duyên Khởi của Phật Thích Ca.
Đây là câu mở đầu luận Trung Quán, thử đọc Nagarjuna (Long Thụ), để hiểu nghĩa “tất cả mọi thế giới đều chấn động!” là vì sao – Nagarjuna viết:
“Chẳng nơi nào người ta có thể tìm thấy sự hiện hữu (bhāva) phát sinh từ chính nó (svataḥ), từ cái khác (parataḥ), từ cả hai, hoặc phát sinh không có nguyên nhân (ahetutaḥ)”.
(No existents whatsoever are evident anywhere that are arisen from themselves, from another, from both, or from a non-cause), đủ cho thấy chúng ta không thể lẫn lộn, dù cùng tên quen gọi nhân quả.
[15] Tôi hiểu – ở đây – khi nói các triết gia – có lẽ Russell chỉ hai vị nổi tiếng là David Hume (Anh) và Immanuel Kant (Đức). Cả hai người, bằng những con đường riêng, và khác nhau, đã phê phán và làm chuyển cái ý niệm nhân quả vẫn chấp nhận trong truyền thống triết học phương Tây.
Có liên hệ đến chủ đề đang bàn ở đây – cả hai, Hume và Kant tuyên bố là khái niệm về nhân quả không có thể “kéo” ra đến Gót, đơn giản là vì cái hiểu về Gót là cái hiểu siêu nghiệm – vượt ngoài kinh nghiệm giác quan – trong khi lĩnh vực của thế giới giác quan là lĩnh vực duy nhất mà chúng ta có thể có được (nếu chúng có được) chút hiểu biêt gì về tác dụng nhân-quả. Xin cho gọn, nhân và quả chỉ có thể giải thích, hiểu được trong lĩnh vực thường nghiệm mà thôi, Gót nếu có, không thuộc lĩnh vực thường nghiệm – vậy không nói chuyện nhân quả – rồi đem Gót vào làm nhân – để chứng minh là mình đúng dược!
Còn các nhà khoa học – tôi cũng đoán là Russell chỉ các nhà vật lý mới của thế kỷ XX, họ đã vượt qua thuyết nhân quả tiền định của Newton (Newton”s deterministic account of causality) – Lý thuyết về Quantum và đặc biệt là nguyên lý bất định của Heiselberg (Indeterminacy Principle còn gọi là Uncertainty Principle – năm 1927 có tác động rất lớn vào khái niệm nhân quả – và tất định (causality and determinism) từ khoa học sang triết học.
[16] John Stuart Mill (1806-1873) – triết gia người Anh – là bố đỡ đầu của Russell -Triết gia lỗi lạc và có ảnh hưởng nhất trong thời đại của ông. Nổi tiếng với chủ nghĩa duy nghiệm (empiricism) hoàn toàn của ông, những công trình của ông về nguyên lý khảo cứu khoa học, phát triển của ông về chủ nghĩa công lợi (utilitarianism), và những quan điểm tự do của ông trong chính trị.
Russell vốn dòng dõi thế gia vọng tộc, cả hai bên nội ngoại – chính ông có tước hiệu bá tước của triều đình Anh: Bertrand Arthur William Russell, 3rd Earl. Mồ côi cả cha lẫn mẹ rất sớm (mẹ lúc mới 2 tuổi –còn cha, lúc 3 tuổi). Russell sống với ông bà, ông nội là hai lần thủ tướng nước Anh (Lord John Russell). Vị này cũng không lâu rồi qua đời, chỉ còn bà nội, vốn là con gái hầu tước Aderley, là người nuôi dạy ông cho đến khi khôn lớn.
[17] Tôi nghĩ mạch văn (John Stuart Mill) có nghĩa: Câu hỏi “Ai tạo ra ta?” – Đáp “Gót!” Là lời đáp dễ dãi – cửa miệng, tự nhiên thời ấy trong xã hôi Anh (cả châu Âu Kitô ), nhưng nếu vậy sẽ có ngay một câu hỏi khác theo sau: “vậy, Ai tạo ra Gót?” – câu này xã hội lúc ấy không cho lời đáp, hay không cho trả lời , hay ít nhất phải nhận là không hay chưa biết được, nghĩa là không có lời đáp, vậy câu “Ai tạo ra ta?” cũng thực không có câu trả lời.
[18] “Tuốt xuống dưới, toàn rùa thôi!” (It's turtles all the way down):
Câu này – trong bài khác của B.Russell, tôi dịch là “lý luận con rùa” –từ một câu chuyện nổi tiếng dùng để minh họa sự xuẩn lý của luận chứng về vũ trụ ( the absurdity of the cosmological argument).
Câu chuyện đã được lưu truyền từ lâu lắm rồi, ngoài Russell ra, gần đây lại kể trong “Một lịch sử ngắn gọn về Thời Gian” (A Brief History of Time) của nhà bác học Stephen Hawking, Câu chuyện như sau:
”Một nhà khoa học rất nổi tiếng (có người nói đó là Bertrand Russell) có lần diễn thuyết cho công chúng về thiên văn học. Ông mô tả quả đất quay quanh mặt trời như thế nào và rồi đến mặt trời, quay ra sao quanh tâm của một tập hợp bao la những ngôi sao gọi là galaxy của chúng ta.
”Cuối buổi diễn thuyết, một cụ bà bé loắt choắt từ hàng ghế cuối đứng lên, nói “Những cái ông vừa bảo cho chúng tôi nghe là ba láp ba rọi cả. Thế giới thực ra là một cái đĩa phẳng nằm trên lưng một con rùa vĩ đại.”
Nhà khoa học cười hợm hĩnh rồi nói, “Thế còn con rùa ở trên cái gi?”
“Ngài thông minh lắm, ngài trẻ tuổi ơi, rất thông minh! Bà già nói. “Tuốt xuống dưới, toàn rùa thôi!”
Câu nói này, những người-không-tin-Gót khi tranh luận về luận chứng vũ trụ (cũng gọi là luận chứng Nguyên Nhân Đầu Tiên) thường khôi hài đưa ra. Khi những người-tin-Gót bảo – Gót là động lực không bị động (unmoved mover), có nghĩa là nguyên nhân đầu tiên cho vũ trụ. – Bảo thế, sẽ dẫn ngay đến câu hỏi tiếp – vậy ai đã tạo ra cái-đầu-tiên?, rồi cứ như thế, mãi mãi,...Cho thấy lý luận hỏng – sa vào chỗi bất tận (infinite regress) – không phải cứ gọi cái gì đó là đầu tiên rồi nó thành đầu tiên!, nghĩa là, cuối cùng những người- tin-Gót , đành phải:
- Như ông Ấnđộ nào đó: “Đề nghị chúng ta thay đề tài đi!”
- Hay bà cụ già: “Tuốt xuống dưới, toàn rùa thôi!”
Cãi quẩn như thế, tôi không gọi là phi lý (absurb) mà là “xuẩn lý” – gọi thế là nhẹ, vì thực chẳng có lý nào cả! Trong tiếng Anh, “absurd” cũng đồng nghĩa với “foolish”.
[19] Nguyên văn: “There is no reason why the world could not have come into being without a cause; nor, on the other hand, is there any reason why it should not have always existed. There is no reason to suppose that the world had a beginning at all. The idea that things must have a beginning is really due to the poverty of our imagination”.
[20] Luận chứng luật thiên nhiên định rằng – vì trong vũ trụ có những luật tự nhiên khá chắc chắn xảy ra , tái diễn không sai lệch và có thể tiên đoán được, nên phải có một người-ban-luật, người ấy đặt định cho các luật ấy đi vào hành động. Người-ban-luật ấy được giả định là Gót. Cũng còn gọi là Nomological Argument. (Luận chứng luật luận lý-vật lý).
[21] Feet và yard: Đơn vị đo chiều dài trong hệ thống đo lường của Anh, không dùng hệ thập phân như Pháp. Như tác giả khôi hài, đúng là 3 feet = 1 yard, nó không phải là “luật” nào – chỉ là con người ước định với nhau như thế.
Trong trường hợp tôi, lớn lên với hệ thập phân, hay các quí vị người Pháp, vẫn chẳng mường tượng trong đầu một yard thật dài đến đâu, nói một “mét” thì hiểu ngay như máy!. Vậy là đúng như Russell nói “nhiều điều tưởng là luật thiên nhiên nhưng thực là những ước định của con người”.
[22] Chúng chỉ là những khái niệm con người tạo ra qua kinh nghiệm thực nghiệm. Thí dụ – tôi quen ở VN, phía đông có mây đen, rồi sấm chớp – cho là mưa lớn sắp đến (Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa) nhưng sang đến bắc Mỹ, “luật thiên nhiên” ấy không đúng nữa. Tuy vậy “Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa” như vẫn còn đúng.
[23] Tác giả phân biệt: luật thiên nhiên – ngôn ngữ là mô tả (descriptive) – còn luật (pháp) của con người thì có tính sai khiến, như các lời ghi trong toa thuốc (prescriptive), làm sai thì có hậu quả xấu. Còn luật thiên nhiên của thế giới tự nhiên, khi không ứng hiệu thì chính cái luật ấy sai – không ai nói kẻ làm luật thiên nhiên sai cả! Hậu quả không như ước tính, có khi tai hại, nhưng không ai đổ tội cho nạn nhân, có chăng là đã thiếu sót, tính toán không đến nơi đến chốn, hay lầm lẫn, hay “luật” ấy cần bổ túc, hiệu đính, xem xét lại.
Xin thêm ở đây: Mà dù có “kẻ” làm ra các luật thiên nhiên, chắc gì đó là Gót? Chắc gì là chỉ có một ông làm luật? Hai, ba,.. không được sao?
[24] Tôi đun nước sôi pha trà – 100 độ C thì sôi, chúng ta cho là có “luật” nước sôi! – Thực ra tất cả chỉ là ước định con người dựa trên quan sát thực nghiệm như tác giả dẫn ở đoạn trước – đặt ra như vậy. Nếu vẫn gân cổ cho đó là luật thiên nhiên của Gót nào đó, khoa học chỉ khám phá, tìm ra, chứ không đặt ra! – là gạt qua hết từ Aristotle đến Bacon về phép suy luận qui nạp – cũng như Russell giảng ở đây – khi nói : “nước sôi ở 100 độ C” là một mô tả sự vật tác động ra sao – không có lệnh nào ở đây cho nước trong cái ấm điện của tôi phải theo cả. Không có “ai” ra lệnh, làm luật cả!
Vẫn chưa chịu? – OK, cứ cho là có ông ba bị “Gót” nào đó làm luật đó cho nước sôi – Thế nhưng sao không làm cái “luật” để có hiện tượng ngược lại – cứ lạnh 0 độ thì sôi – mà 100 độ lại đóng đá? – cho vui – đỡ thỉnh thoảng tôi vội vàng không phải bỏng tay ! – Ồ, Gót làm luật nhưng cũng phải sao cho chúng thuận hợp nhau – không mâu thuẫn, xung khắc chứ! A ha! thế Gót – khi “làm” luật – cũng phải theo ít nhất một luật – thí dụ, là cái luật qui định sao cho khi làm luật cúng đừng mâu thuẫn nhau – nghĩa là có ít nhất một “luật” mà ông ta phải tuân theo nếu không thì mọi sự chẳng ra làm sao, hay đâu vào đâu cả! – Dĩ nhiên, không vậy thế giới thiên nhiên đâu còn tốt đẹp cho anh sống! – nhà thần học thêm lời – Vậy đâu còn là Gót nữa, vì theo định nghĩa của chính các ông – thần học Kitô, trong trường hợp ra luật ban lệ này, ông ta phải là kẻ ở trên hết – trên mọi thứ luật mới phải. Đằng này ông ta cũng bó tay trước một luật ngoài và trên ông, vậy còn xưng Gót sao được!
Viết quanh vì vẫn có những người cãi quẩn!
[25] Tôi xin tóm lý luận của Russell trong đoạn này như sau: Cứ giả sử như có luật thiên nhiên, và cũng giả sử thêm có một chủ thế “tạo” luật cho thiên nhiên vận hành – mà các nhà thần học gọi đó là Gót.
Rồi như thế, chúng ta thấy trong thiên nhiên có sự kiện: luật trên điều này, mà không điều kia? ở chỗ này mà không ở chỗ kia, tại sao?– dù có lý do nào đó (cho vũ trụ tuyệt hảo) hay không có lý do nào (tùy hứng). Vẫn chứng tỏ chủ thế ra luật đã “theo” một cái gì đó. Vậy nên chủ thế giả định ấy không phải là kẻ tối thượng ban luật – nên Russell viết “có một luật đứng ngoài và có trước các sắc lệnh linh thiêng” – Gót theo định nghĩa ở vị tối thượng – nên – dù luật thiên nhiên có một (hay nhiều) chủ thế tạo tác – chủ thể ấy không là Gót!.
Hay nói nôm na – nếu Gót có có lý do ban luật lệnh cho thiên nhiên theo một cách này thay vì một cách khác, vậy cái lý do đó đã “ban lệnh” cho Gót.
Đây có dạng của chứng minh bằng xuẩn lý hay nghịch lý (Proof by Absurdity or Contradiction), muốn chứng minh P là sai, cứ tạm nhận P là đúng, rồi lý luận dẫn từ P “đúng” đến một nghịch lý N, hay một phi lý K , hay tôi dịch là xuẩn lý – vậy P sai!
[26] The argument from design – luận chứng thiết kế – hay luận chứng họach định, ngày nay sau khi bị thuyết Darwin và Tân-Darwin đánh đổ, nó chuyến dạng thành một luận chứng – chỉ riêng phát triển tại nước Mỹ, trá hình thành luận chứng Thiết kế Thông minh , Intelligence Design, và có một phong trào vận động đòi nó phải được công nhận là một lý thuyết khoa học, phải cùng được giảng dạy trong nhà trường với học thuyết Darwin! – Chỉ tạm ngưng sau khi ra tòa và thua kiện.
[27] Vẫn biết dưới tên gọi tắt là KKK – một tổ chức kỳ thị chủng tộc của những người da trắng ở nước Mỹ, đặc biệt nổi tiếng vì dùng những phương thức rất tàn nhẫn bạo động: cướp, đốt, đánh đập, tra tấn, treo cổ, và giết.
[28] Có nhiều lý luận để đánh đổ luận chứng này – Russell chỉ dẫn Darwin – thuyết tiến hóa để cho thấy nó không thể đứng vững – mà cho dù có kẻ thiết kế đi nữa, kết quả của thiết kế ấy là một thế giới đầy nhược điểm về sinh học (mắt có điểm mù, xương cụt, ruột thừa, răng hàm to quá to không vừa chỗ,..) hay xã hội ( tội ác,...), ... cuối cùng cả thế giới sẽ đi đến tận diệt.
Tiếng Anh, tiếng Việt – có được thiết kế không? Dĩ nhiên, có lẽ là có, vậy ai thiết kế tiếng Anh? Tiếng Việt? – Không “ai” cả, trong thí dụ này chúng ta biết ngôn ngữ tự biến hóa đào thải theo thời gian mà thành phức tạp như ngày nay.
Thêm nữa, theo ý này – nếu vẫn bảo là có người thiết kế – sao lại chỉ một, không hai, ba... người!
Và chắc gì người ấy là gót? – hãy chỉ đọc lịch sử con người,và chiêm nghiệm những tai ương xảy ra trên mặt đất này thôi, đã có đủ nghi ngờ mạnh mẽ.
Người Việt thông minh, dù xưa kia cho là có người thiết kế – design – các em bé sơ sinh – gọi bà “mụ nặn” – nhưng các bà đều mỗi người chuyên một khoa – có thế mới khéo tay – nên kể đến những 12 bà mụ. Một bà thì sao khéo, đẹp được!
[29] Đó là:
a. The ontological argument: luận chứng về bản thế (Kant phản bác bằng phân định “hiện hữu” không phải là một thuộc tính (property) của một đối tượng; nhưng chỉ là một ý niệm).
b. The cosmological argument: luận chứng vũ trụ, hay luận chứng Nguyên Nhân Đầu Tiên.
c. The physico-theological argument: luận chứng từ-vật-suy-thần: Từ của Kant để chỉ những luận chứng khởi từ vài sự kiện của thế giới (vật lý) rồi từ đó diễn dịch cho sự hiện hữu của một thần linh –Thí dụ như luận chứng nguyên nhân đầu tiên, luận chứng thiết kế kể trên là những luận chứng nổi tiếng của loại này.
[30] Kant cho là không có đạo đức nếu không có Gót, nhưng Russell bác điều này bằng cách trình bày một dạng của thế khó xử (dilemma)Euthyphro. Đây có lẽ là sự phản đối nổi tiếng nhất:
Đi-lem-ma Euthyphro do Plato kể trong Euthyphro, trong đó Socrates đặt câu hỏi, “các thần linh yêu sự hiếu thảo vì hiếu thảo, hay sự ấy hiếu thảo vì được thần linh yêu? (Is the pious loved by the gots because it is pious, or is it pious because it is loved by the gots?)
Lúc đó chưa có Gót theo lối các tôn giáo nhận Abraham làm tổ, Hylạp chỉ có các thần linh Olympian, như tôi có chú thích ở bài Is there a God? – Có Gót hay không– nếu diễn dịch theo lối ngày nay – “Điều gì Gót bảo là tốt vì nó tốt, hay nó tốt vì Gót bảo thế?” Cả hai lối chọn – lối nào cũng gây khó khăn cho những luận chứng loại cho đạo đức phải dựa vào Gót.
Nếu điều gì tốt lành vì Gót bảo – nghĩa là hoàn toàn tùy tiện, như vậy Gót không có tiêu chuẩn nào để nói cái này là tốt, cái kia là xấu – giả dụ, thuở đầu, Gót đổi ngược trắng thành đen – vậy thế giới và con người xem giết người, hãm hiếp, là đúng, là tốt, là đạo đức?
(Nếu Gót phải xếp đặt sao cho.... lại phạm vào khuyết điểm đã bàn trong luận chứng luật thiên nhiên)
Nếu, chọn điều thứ hai, điều gì tốt vì tự nó là tốt – vậy nếu có Gót đi nữa, đâu cần gì đến ông ở chuyện đạo đức của nhân loại.
Truyện kể (có lẽ do Nguyễn Hiến Lê) về Lâm ngữ Đường, một nhà văn nổi tiếng của Tàu, ông lớn lên trong các trường Kitô, Mã Lai – theo đạo Tin lành (hay Catô?) – khi về lục địa dạy tại trường đại học Thanh Hoa, Bắc kinh, nhân nói chuyện, trao đổi với một đồng nghiệp, ông khám phá ra người đồng nghiệp này là một nhà nho, không tin vào Gót như ông, ngạc nhiên ông hỏi, thế biết trông vào ai để biết điều tốt-xấu trong cuộc sống? Ông giáo sư này trả lời tỉnh bơ – tôi làm người biết điều tốt-xấu nhờ giáo dục, suy nghĩ, học tập xã hội, những người khác, xưa lẫn nay, chứ không nhất thiết phải nhờ vào một thần linh nào chỉ bảo, hay hứa hẹn ban thưởng? dù là ban thưởng lên thiên đàng! Lâm chợt tỉnh ngộ, bỏ đạo, về với Khổng, nghiên cứu văn hóa dân tộc mình, viết quyển Nước tôi và dân tộc tôi (Ngô quốc dữ ngô nhân), Nguyễn hiến Lê dịch thành “Một quan niệm sống đẹp”, được rất chuộng đọc, và bán rất chạy ở miền Nam, trước 1975.
[31] Xin đi ngược lại – có điều gọi là x, nó tốt vì Gót bảo tốt, giá trước đó, hay mãi sau này – Gót bảo xấu, thì nó đã là xấu, hay sẽ là xấu. Vậy dưới mắt Gót, nó không tốt, không xấu, hay vừa tốt, vừa xấu,...nghĩa là với Gót, tốt hay xấu (thiện hay ác) đều là một như nhau, chỉ khác ở tên gọi, mà Gót gọi sao cũng được, gọi x tốt thì con người biết là tốt, gọi xấu thì con người biết x là xấu.Vậy thì không có tiêu chuẩn đạo đức, chỉ tùy tiện gọi tên tốt/xấu (arbitrary), nghĩa là không có đạo đức, không thể nói – như vẫn nói – Gót là Thiện, là đạo đức nữa!
[32] The Argument for the Remedying of Injustice.
[33] Cùng một quan điểm như từ Gót, tôi giữ nguyên từ Heaven (thường dịch là thiên đàng) và Hell (thường dịch là địa ngục).Thí dụ, từ “địa ngục” vẫn dùng dịch từ “Hell” – không mang ý thời gian vĩnh viễn, như Russell có trình bày trong bài này.
Có dịp tôi sẽ phân tích các ý niệm: hay gọi là memes – quen thuộc ở đây, như Gót, heaven, hell – không có thực nghĩa như các từ Hán Việt đến nay vẫn dịch và cho là tương đương như: thượng đế, thiên đàng, và địa ngục.
Chúng là những con còng, chui vào vỏ ốc, “ốc mượn hồn” để trà trộn trong đám ốc.
Trong quá trình xâm thực văn hóa (gọi cho đẹp đẽ là Inculturation)của đạo Kitô, hội nhà thờ Catô, đặc biệt với nhóm tiên phong chủ lực tinh nhuệ nhất (dòng Jesuits), họ chủ trương, thí dụ trong lĩnh vực tư tưởng, dùng các từ ngữ có sẵn trong văn hóa bản địa, để chuyển dịch các khái niệm xa lạ của đạo Kitô, cấy trồng cho nẩy nở trong văn hóa không-Kitô, với thời gian, kiên nhẫn và khôn ngoan, cuối cùng sẽ đi đến tình trạng các từ ngữ của văn hóa bản địa sẽ bị chuyển nghĩa, dần mất nghĩa cũ, và đi đến chỉ còn mang nghĩa mới của Kitô.
Hình thức đó tương tự như “bình cũ rượu mới”, nhưng tinh vi xảo quyệt hơn, và tai hại hơn, vì cuối cùng văn hóa bản địa không-Kitô, sẽ bị mất, những từ ngữ của nó vẫn còn, vì khó mà xóa được, và không dễ thay ngôn ngữ của một dân tộc, nhưng nội dung chuyên chở của những từ ngữ đó đã mất, thay vào đó là nội dung ngày càng đậm chất Kitô, sau cùng, có thể trăm năm, tất cả chỉ còn lại văn hóa với một nội dung là Kitô.
Không đơn giản chỉ là thêm vào, nhưng Inculturation chủ tâm là thay thế và rồi xóa đi những gì có từ trước. Thế nên không làm giàu, đóng góp thêm cho văn hóa bản địa, nhưng làm nghèo đi, vì phá hủy rồi thay thế để độc tôn. Đó là nghiên cứu, để trà trộn, sau đó lẫn lộn, rồi lần lần thay thế, đánh tráo, và cuối cùng là huỷ diệt sạch những gì không-Kitô. Mục đích trước sau là truyền đạo, nếu có truyền bá văn hoá, thì đó là văn hoá Ki tô được du nhập, khoác áo địa phương bên ngoài để gây thân thiện mà thôi. Dẫu vậy, có lẽ cũng chỉ đến một mức độ nào đó giới hạn. Người ta có thể phản lịch sử – trơ trẽn mặc áo dài Việt, đội khăn vành rây cho bà Maria, nhưng chắc không thể đi đến trâng tráo mặc áo dài, chít khăn đống cho Jesus.
[34] Rationalists: những người theo chủ trương triết học (rationalism) đề cao vai trò của trực giác và diễn dịch trong nhận thức, sự thật có thể “biết” được bằng vào suy luận, lý trí. Ngược với phái này là Duy Nghiệm (empiricism), chủ trương chúng ta chỉ có thể “biết” qua kinh nghiệm (giác quan) mà thôi.
[35] Matthew 5:39 – “Resist not evil: but whosoever shall smite thee on thy right cheek, turn to him the other also”.
[36] Russell – tôi hiểu – muốn chỉ một ý niệm rộng rãi hơn, đó là nguyên tắc bất bạo động (ahimsa) trong đạo lý phương Đông, như ông nói, ý niệm này đã có từ trước Christ rất lâu.
Ahimsa là từ Sanskrit – đừng làm hại, tránh bạo động (himsa). Đó là một nguyên tắc tôn giáo chính yếu khởi nguồn từ India, có trong đạo Ấn, đạo Phật, và đạo Jain. Nguyên tắc này ngăn cấm mọi sự giết hại hay làm đau đớn tất cả các loài sinh vật. Trong đạo Jain, sự thấm hiểu và áp dụng nguyên tắc này vào đời sống rất chi ly phức tạp đi đến gần sự tuyệt đối.
Trong thế kỷ qua, Gandhi làm cả thế giới chú ý khi ông áp dụng nguyên tắc ahimsanày vào tranh đấu chính trị đưa đến chủ trương satyagraha, chống đối không bạo động (peaceful protest).
Trở lại với câu phổ thông của kinh Thánh – Russell dẫn: “tát bên đây, đưa luôn bên kia”. Nó chỉ có thể mở rộng ra là nó có giá trị đề cao sự nhẫn nhục, tha thứ mà thôi, chứ không phải là một thái độ triết lý sống cao cả như nguyên tắc bất bạo động ahimsa.
Riêng câu này, nếu tìm tương đương, trong Đạo Đức Kinh không có câu nào có giọng cụ thể, nôm na như thế. Kinh Phật nhiều bao la, bao trùm, nếu cố tìm thì chắc cũng thấy vài tương tự. Nhưng tôi không nghĩ là có context chật hẹp như vậy, thí dụ một câu trong kinh Lời Vàng (Pháp Cú), câu quen thuộc, dạy chúng ta cả một thái độ ứng xử tinh thần: “Lấy ân báo oán thì oán ấy tiêu tan. Lấy oán báo oán thì oán thù chồng chất”. Câu này có nền tảng triết lý sâu xa, không phải chỉ riêng trong phạm vi đạo đức học.
Nếu hiểu là tha thứ, sự tha thứ này có giới hạn, chọn lựa: chỉ áp dụng với đồng đạo Kitô mà thôi, chỉ tha thứ cho những ai cũng tin vào Gót Kitô mà thôi (selective forgiveness). Trong kinh Thánh, cũ lẫn mới, có nhiều chi tiết rõ ràng cho thấy Gót Kitô chỉ tha thứ cho ai cùng “nhập đạo” với mình, tin, thờ mình. Nếu không thế – chỉ có trừng phạt, đày đọa và thiêu đốt mãi mãi trong ngục lửa. Các nét ứng xử này là dấu vết còn lại của các bạo chúa độc tài thời cổ, hay tâm lý của một người cha, người chủ tộc, người đứng đầu bộ lạc, muốn bảo vệ, răn dạy và kỷ luật đám con cái, tùy tùng của mình”. Giơ cao, nhưng đánh sẽ”, phải tha thứ và là tha thứ chọn lựa (selective forgiveness) – vì kẻ phạm “tội” chính là con cái, hay đồng đạo, nếu nhất nhất chỉ trừng phạt, trừ khử đi thì đạo sẽ ít người, gia đình sẽ yếu, bộ tộc sẽ suy giảm.
Còn “đề cao” sự nhẫn nhục? Tôi không nghĩ là có sự nhẫn nhục ở đây, trái lại, tôi nghĩ câu của kinh Thánh này phát xuất từ sự tự tin (thái độ của kẻ thất thế nhưng cho mình là đúng, có chân lý trong đầu, ở trên người đối nghịch, rồi sẽ về nước Chúa...) Tự tín đến mức ngạo mạn cũng có nghĩa là thiếu can đảm, vì từ chối đối thoại, và tự tín đến mức cuồng tín khi tuyệt đối không có không có cảm thông, không có tình người.
[37] Stanley Baldwin (1867 –1947) đảng Bảo Thủ , Thủ tướng nước Anh, cùng thời với tác giả – thời kỳ giữa hai thế chiến, ba lần 1923-24 – 1924-29 – 1935-37.
[38] Dĩ nhiên, câu này chỉ có thể hiểu theo nghĩa bóng! Tôi nghĩ Russell muốn nói – như hầu hết kinh Thánh, nếu hiểu theo nghĩa đen thì hạn hẹp, nôm na, thành lủng củng ngớ ngẩn. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa bóng thì lỏng lẻo, ai muốn diễn dịch ra sao cũng như được cả. Chưa kể sự tùy tiện, chủ quan, cùng một câu chuyện, câu nói, lúc hiểu nghĩa đen, lúc hiểu nghĩa bóng, thay đổi theo người, không gian, thời đại.
[39] Luke 6:37 – “Đừng phán xét ai thì các ngươi khỏi bị phán xét; đừng lên án ai thì các ngươi khỏi bị lên án”
[40] Matthew 5:42 – “Give to him that asketh of thee, and from him that would borrow of thee turn not thou away”.
[41] Matthew 19:21 – If thou wilt be perfect, go and sell that thou hast, and give to the poor, and thou shalt have treasure in heaven: and come and follow me – Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi bán hết gia tài mà bố thí cho kẻ nghèo nàn, thì ngươi sẽ có của quí ở trên trời; rồi hãy đến mà theo ta.
[42] Câu hỏi – nhân vật kể trong Tân Ước, gọi là Jesus người thành Nazareth, tự xưng là Christ, có là một nhân vật lịch sử không? Jesus đó có là một con người Dothái thực, đã sống tại Israel khi xứ này là một thuộc địa Lamã hay không? – vì ngoài bốn tập sách của Tân Ước (Matthew, Mark, Luke, và John với những chi tiết mâu thuẫn nhau), vốn chỉ là ghi chép theo khẩu truyền sau khi ông đã chết từ lâu, và không tác giả nào thực sự gặp gỡ quen biết Jesus, còn những ghi chép khác chủ yếu là của hội nhà thờ và xuất hiện rất muộn về sau - chúng ta không có văn kiện, tài liệu lịch sử khách quan nào nhắc nhở đến đến nhân vật, nếu theo như kinh Thánh, đã phải rất nổi tiếng này.
Jesus không viết gì (không chắc ông có đọc thông viết thạo hay không, những học trò đầu tiên của ông số đông là dân đánh cá mù chữ, thất học) và cũng không có tài liệu nào viết về ông trong thời gian giả định là ông đã sống. Người ta tin rằng ông sống khoảng năm 4 TCN đến năm 30 CN, là năm ông bị giết chết. Là một người Dothái, ra đời có thể ở thành Nazareth vùng Galilee, có lẽ ông cũng có những anh chị em khác. Cũng có thể giả định rằng ông đã có một giáo dục Dothái Galilê điển hình, gồm học tập kinh Thánh Hebrew, sống theo những truyền thống của dân Dothái sau giai đoạn có kinh thánh, và chắc chắn thường đến lễ nhà thờ Dothái (synagogue). Gia đình ông là những người Dothái mộ đạo, họ giữ các điều răn; ăn uống theo luật, cắt bao quy đầu, góp tiền cho nhà thờ, và hành hương tới Jerusalem. Jesus ăn mặc, cầu nguyện, giảng dạy và lập luận bằng dụ ngôn như một Rabbi Dothái, và bị đóng đinh chết treo trên giá gỗ như rất nhiều những nhà rabbi Dothái cực đoan cấp tiến, bị xử tử như những tội phạm, hay bạo động chính trị chống chính quyền Lamã trong thế kỷ thứ nhất. Thời điểm Jesus xuất hiện, sân khấu chính trị Lamã đầy những biến động. Những luật lệ áp bức của đế quốc Lamã gây nổi loạn và một số lượng lớn các nhóm chính trị và phe phái Dothái kêu gọi nhiều loại cải cách khác nhau, với những ý tưởng khác nhau về con người và tương lai của Dothái. Một trong những nhóm chúng ta biết tên là Essenes, một giáo phái có phần tuyệt vọng và quẫn trí với những gì diễn ra tại Jerusalem Lamã, nên một số đã bỏ vào sống trong sa mạc và lập một cộng đồng ở Qumran. Chúng ta biết về cộng đồng này chủ yếu là từ Dead Sea Scrolls, mới được tìm thấy vào giữa thế kỷ XIX trong các hang động gần những gì được cho là tàn tích của cộng đồng này. Người ta thường cho rằng cả John the Baptist và Jesus đã một thời là thành viên của cộng đồng Essene này. Sang thế kỷ hai mươi, Albert Schweitzer, và học giả hiện đại hơn như Bart Ehrman, trong truyền thống bàn luận đi tìm một Jesus lịch sử - đã cho rằng nhân vật Jesus có thể được nhận hiểu dễ dàng nhất như một nhà tiên tri Dothái của thế kỷ thứ nhất, là người hoàn toàn tin chắc và mong đợi sự tận thế sắp xảy ra đến nơi, khi đó Gót sẽ xuống trần gian, và phá bỏ những cơ chế tổ chức Dothái hư hỏng tham nhũng đương thời, và đặt một trật tự mới trên toàn cõi Dothái: đó là vương quốc của Gót.
Thái độ của Russell là ông không cần phải khai triển vấn đề Jesus lịch sử - nhân vật Jesus ông phê bình trong bài là nhân vật với những chi tiết giả định đã thuật kể trong Tân Ước – nhân vật mà các tín đồ lấy đó làm gương mẫu đạo đức – nhìn như thế Jesus, có thực hay không, ngay cả không thực, chỉ là huyền thoại – trở thành không còn là vấn đề với chúng ta nữa.
[43] Son of Man – đứa con “mình trần da thịt” của Gót – từ Jesus tự chỉ mình.
[44] Matthew 10:2 – “Ye shall not have gone over the cities of Israel till the Son of Man be come”. – (Khi nào người ta bắt bớ các ngươi trong thành nầy, thì hãy trốn qua thành kia; vì ta nói thật,) các ngươi đi chưa khắp các thành dân Y-sơ-ra-ên thì Con người đã đến rồi.
[45] Matthew 16:28 – “There are some standing here which shall not taste death till the Son of Man comes into His kingdom” – (Quả thật, ta nói cùng các ngươi,) trong các ngươi đứng đây, có một vài kẻ sẽ không biết vị chết là gì – trước khi thấy Con Người ngự đến trong nước Ngài.
[46] Matthew 6:34 – “Take no thought for the morrow,” – Vậy, chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy
[47] Hell là chốn đày ải trừng phạt những ai hoặc không tin Gót, hoặc không tin Jesus là Christ, Hell trong đạo Kitô được mô tả như một hồ lửa vĩ đại, nơi những kẻ lúc sống đã chống hay không tin Kitô nên phải chịu trừng phạt thiêu đốt và hành hạ vĩnh viễn (eternally).
Trái lại từ “địa ngục” trong quan niệm ViệtNam phổ thông, vốn chịu ảnh hưởng Phật giáo, địa ngục (naraka) là nơi người có Nghiệp ác phải trải qua một thời gian dài ngắn tùy tội nặng nhẹ, nhiều ít, chịu nhiều khổ ải tương ứng, nhưng sau đó, lại đi đầu thai, đi tái sinh; và có thể tái sinh vào những thiện đạo.
Địa ngục cũng như Tịnh độ (thế giới sau cái chết) còn hiểu như là một trạng thái (khổ đau, hay an lạc) của tâm thức. Địa ngục chỉ là một trong ba ác đạo, song song với ngạ quỉ (quỉ đói) và súc sinh.
Trong quan điểm vũ trụ của Phật giáo, địa ngục có nhiều dạng khác nhau, gần giống với quan điểm của Ấn Độ giáo: hỏa ngục và hàn ngục, chia làm 8 ngục chính với 16 ngục phụ, mà ngục A-tì (avīcī) là ngục khủng khiếp nhất. Địa ngục của Phật giáo được Diêm vương (yama) cai trị về hành chính.Vị bồ tát cai quản địa ngục trong Phật giáo là Địa Tạng.
[48] Plato ghi lại trong Phaedo cùng với Euthyphro, Apology, Crito
Xem bản tôi địch tạm: Plato – Phiên Tòa và cái Chết của Socrates– giới thiệu trên blog chuyendaudau này
Hay xem trong Philosophy Professor:
[49] Matthew 23:33 – “Ye serpents, ye generation of vipers, how can ye escape the damnation of Hell”. – Hỡi loài rắn, dữ dội rắn lục kia, thế nào mà tránh khỏi sự đoán phạt nơi địa ngục được?
[50] Mark 3:29 – “Whosoever speaketh against the Holy Ghost it shall not be forgiven him neither in this World nor in the world to come”. – những ai mà nói ngược chống chúa Thánh Linh, sẽ chẳng bao giờ được tha thứ trong thế giới này, cũng sẽ chẳng được tha thứ trong thế giới sắp đến. phải mắc tội đời đời.
[51] “The Son of Man shall send forth his His angels, and they shall gather out of His kingdom all things that offend, and them which do iniquity, and shall cast them into a furnace of fire; there shall be wailing and gnashing of teeth”.
Matthew 13:41 – Con người sẽ sai các thiên sứ Ngài thâu mọi gương xấu và những kẻ làm ác khỏi nước Ngài, Matthew 13:42- và quăng những người đó vào lò lửa, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng.
[52] Matthew 25:31-46
[53] Matthew 25:41– “Depart from me, ye cursed, into everlasting fire- (Kế đó, Ngài sẽ phán cùng những người ở bên tả rằng: Hỡi kẻ bị rủa,) hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời (đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó.)
[54] Mark 9:43 – “If thy hand offend thee, cut it off; it is better for thee to enter into life maimed, than having two hands to go into Hell, into the fire that never shall be quenched; where the worm dieth not and the fire is not quenched” – Nếu tay ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó đi; thà rằng một tay mà vào sự sống, còn hơn đủ hai tay mà sa xuống địa ngục, trong lửa chẳng hề tắt. Mark 9:48 – đó là nơi sâu bọ của chúng nó chẳng hề chết và là nơi lửa chẳng hề tắt.
[55] Mark 5:13 – Gadarene swine: Câu chuyện Jesus đã trục, rồi tống tà ma từ một người điên sang một bày lợn khoảng hai nghìn con – làm chúng “điên cuồng” chạy trượt dốc, đâm đầu xuống biển chết chìm ráo trọi!
[56] Toàn câu chuyện trong Mark 11 – từ 11:12 đến Mark 11:21: “No man eat fruit of thee hereafter for ever” ... “Master, behold the fig tree which thou cursedst is withered away”.
12 Sáng ngày, khi đã lìa làng Bê-tha-ni rồi, thì Ngài đói. 13 Vừa thấy đàng xa một cây vả có lá, Ngài đến đó xem hoặc có chi chăng; song, tới gần rồi, chỉ thấy có lá mà thôi, vì bấy giờ không phải mùa vả. 14 Ngài bèn cất tiếng phán cùng cây vả rằng: Chẳng hề có ai ăn trái của mầy nữa! Các môn đồ đều nghe lời ấy.
15 Ðoạn, đến thành Giê-ru-sa-lem; Ðức Chúa Jêsus vào đền thờ, đuổi những kẻ buôn bán ở đó, lại lật đổ bàn những người đổi bạc, và ghế những kẻ bán bò câu. 16 Ngài cấm không cho ai được đem đồ gì đi ngang qua đền thờ. 17 Rồi Ngài dạy dỗ chúng mà rằng: há chẳng có lời chép: Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân hay sao? Nhưng các ngươi đã làm thành cái hang trộm cướp. 18 Các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo nghe mấy lời, bèn kiếm cách diệt Ngài; vì họ sợ Ngài, tại cả đoàn dân cảm động sự dạy dỗ của Ngài lắm.
19 Ðến chiều, Ngài và môn đồ ra khỏi thành. 20 Sáng hôm sau, khi đi ngang qua, thấy cây vả đã khô cho tới rễ; 21 bấy giờ Phi -e-rơ nhớ lại chuyện đã qua, thưa cùng Ngài rằng: Thầy, coi kìa! Cây vả thầy đã rủa nay khô đi rồi.
[57] Erewhon Revisited: Thăm lại xứ Erewhon – một xứ tưởng tượng (đọc ngược – nowhere: không đâu cả) xuất bản ẩn danh năm 1872. của nhà văn người Anh Samuel Butler (1835 –1902) – xem truyện này trong:
[58] Trong lịch sử châu Âu – chỉ thời gian từ thế kỷ V đến XV – khoảng nghìn năm – còn gọi là Thời Đen Tối (Dark Age) – tôn giáo (ages of faith) là Kitô thống trị xã hội, đời sống tinh thần và toàn bộ sinh hoạt ca nhân. Khoa học bỏ phế, nhà thờ khuynh đảo triều chính, reo rắc máu lửa chiến tranh và khủng bố tôn giáo khắp nơi. Đẩy châu Âu vào đêm tối, những tiến bộ chính trị, khoa học, triết học thành tựu từ cổ Hylạp và La Mã bị bỏ quên hay gác qua vì đi ngược lại giáo điều nhà thờ.
[59] Inquisition: Các nhà viết sử phân ra làm bốn loại tòa hình ngục dị giáo:
Tòa dị giáo Trung Cổ (1184- 1230s)
Tòa dị giáo Spanish (1478-1834)
Tòa dị giáo Portuguese (1536-1821)
Tòa dị giáo Roman (1542- ~1860)
Các tòa án và ngục hình này có chung mục đích là lập ra để “nhổ sạch” gốc rễ, và “diệt tuyệt” mầm mống tất cả những gì những ai – từ vua quan, tu sĩ, bác học đến bàn dân thiên hạ tại Âu châu – không đi đúng hay nghi ngờ – dù xa xôi – với giáo điều đương thời chính thống của nhà thờ Catô – chủ trì từ Vatican. Những dân ngoài Kitô cũng không thoát – bị kết tội “báng bổ” (blasphemy). Treo cổ hay đốt sống là chung cuộc thông thường, sau những chỗi bất tận tra khảo tan xương nát thịt.
[60] Ở các xứ theo đạo Kitô, mãi cho đến nay, vẫn có niềm tin “phép lạ” là biểu hiện của gót, hay thiên thần; như đã kể trong Tân Ước do chính Jesus “thực hiện” (biến nước thành rượu, đi trên nước,..); và không bất kỳ ai cũng có thể “làm”, hay được phép làm, và không thể gọi” những hiện tượng siêu nhiên khác là “phép lạ, và nhất là giải thích chúng theo phương cách có hại (vật lý), làm giảm, hay mất uy tín hội nhà thờ. Thế nên nếu có ai làm những gì như loại “bùa phép” hay “ảo thuật”, hay đơn giản như có thể trị liệu bệnh tật bằng lối không-thông-thường,… đều có thế bị ghép tội là “phù thủy” (witches- witchcraft or sorcery) – xử đốt sống. Đa số các nạn nhân là phụ nữ, sau đó là người dị tật, (lưng gù chẳng hạn), già yếu, cô quả và các bà mụ đỡ đẻ miền quê (midwives). Họ có thể không là nạn nhân trực tiếp của hội nhà thờ – nhưng do quan điểm của hội nhà thờ, xã hội đã có cơ hội lợi dụng để làm hại những kẻ khác. Nhà thờ, cho đến nay vần thực hành những lễ “trục quỉ, trừ tà” (exorcism) cho tín đồ, mục đích và thực hành hoàn toàn là một trong thực chất với những pháp thuật phù thủy mê tín. Quan sát khách quan, sẽ thấy một pháp sư với tàn nhang nước thải, hô quyết bắt ấn cũng là một với nhà chăn chiên đọc thần chú Latin, nắm chặt cây thập giá trước con bệnh tâm thần.
[61] Chúng ta có thể dễ dàng ghi nhận hai lý do hiển nhiên, khi giới hạn chỉ trong lĩnh vực luân lý; bằng vào những tường thuật khá thông thường trên báo chí ngày nay, vì nội dung thuật kể vẫn là quan tâm của dư luận xã hội; cho thấy chúng ta không thể có thái độ làm ngơ, nhưng ít nhiều có trách nhiệm, buộc chẳng đừng, phải phê bình đạo Kitô:
  1. đạo Kitô trong bản chất là một hệ thống luân lý, đề cao một số những giá trị đặc biệt được xem như những đức hạnh. Khi luân lý có động cơ là sự thưởng phạt tôn giáo nên đã thành công trong việc thúc đẩy tín đồ thực hiện những đức hạnh đó bằng mọi cách (dù phi đạo đức thế tục), áp đặt những giá trị luân lý tôn giáo đó, gây tác động vào thế giới thực tại – luân lý đó đến từ một nhân sinh quan và vũ trụ quan có những sai lầm, vì nền tảng của chúng là những tuyên xưng lấy từ những huyền thoại.
  2. Tự thân những thuật kể hoang đường của kinh Thánh, chứa đựng một thứ luân lý bộ tộc, trong đó phải trái được ấn định tùy tiện, trắng đen được phân bày độc đoán theo uy quyền trưởng tộc, nên đưa đến những thông điệp phản đạo đức, những giáo điều hướng đến thần thánh, và những cứu cánh là sau cuộc đời này, nên phản con người sống. Luân lý đó, khi thể hiện trong lịch sử của nó, đã gây những thảm họa giết người chỉ đơn giản vì bất đồng tín ngưỡng, và tạo tai ương cho sự sống, gây khổ đau vô cớ cho loài người.
Trước những phê bình, nhận xét về Kitô, người ta thường gạt đi – với thái độ “cũng chỉ là một tôn giáo như những tôn giáo khác”. Quả thực là tôn giáo, nói chung có thể được xem là vô hại, ít nhất là cho người khác, và có thể đem lại vui sống, hay là nguồn an ủi hoặc hứng khởi tinh thần cho tín đồ. Nhưng đạo Kitô (cũng như Islam) đem những gì là riêng tư (quan niệm, tin tưởng) áp đặt vào đám đông, đem linh thiêng, tin tưởng không-thực trùm lên thực tại thế tục có-thực, dùng những sức mạnh có thể có được (từ văn hóa, tín ngưỡng, đến kinh tế, và bạo động chính trị) để đi đến mục đích thiết lập một tôn giáo duy nhất, một thứ một “công” giáo Lamã cho mọi quốc gia xã hội, một tín ngưỡng độc thần nô lệ não thức, và khống chế sinh hoạt tinh thần con người; thế nên, tôn giáo đó tự nó đã rời phạm vi riêng tư, cá nhân, tự nó từ bỏ sự tự trọng, thôi không giữ quyền bất khả xâm phạm dành cho tôn giáo; nhưng đã trở thành vấn đề - xã hội, văn hóa, chính trị - chung của tất cả mọi người trong cộng đồng, quốc gia, và nhân loại.
Chúng ta có thể không tất cả đồng ý rằng đạo Kitô là sai lầm; khác với Russell, chúng ta không cần phải đi xa đến như thế, nhưng chúng ta đều dễ đi đến đồng ý rằng – phân biệt những gì là riêng và chung, cá nhân và cộng đồng; phân biệt những gì là thực tại và không thực tại – là quan trọng.
Lấy hai thí dụ điển hình cho sự lẫn lộn giữa riêng và chung và giữa thực-tại và tin-là-thực-tại:
1. Vi phạm quyền tự do chọn lựa cá nhân
Tất cả những quyết định liên quan đến sự sống chỉ nên dựa trên một sự hiểu biết đích thực về sự sống. Hầu như tất cả những nhóm chống ngừa thai, phá thai, … ở những nước Bắc Mỹ hiện nay, do hội nhà thờ thành lập hay bảo trợ, có tên gọi theo lập trường là “phò sự sống” (pro-life), đều có những quyết định hành động của họ lấy nền tảng là kinh Thánh, dựa trên diễn dịch từ những tuyên xưng phản thực tại của nó. Tự do sống còn, sinh sản, sức khỏe, và hạnh phúc của phụ nữ (và thân nhân, gia đình của họ) bị những quyết định dựa trên quan niệm sai lầm gốc từ kinh Thánh lên án, đe dọa, và tấn công không ngưng nghỉ.
a. Sự chống phá điên cuồng, dưới mọi hình thức, dùng mọi chiến thuật, hiện xảy ra tại các quốc gia Âu Mỹ đưa đến những nguy cơ trầm trọng. Bên cạnh những sinh nở không mong muốn (thí dụ - loạn luân, hãm hiếp,...) còn có một loạt khác biệt những điều kiện y tế sức khỏe, trong đó phá thai có thể trở nên quan trọng, không thể tránh, để bảo vệ sự sống của người mẹ. Lấy một ví dụ, có một hình thức mang thai liên quan đến cao huyết áp có thể đe dọa tính mạng. (Thuật ngữ y tế là pre-eclampsia). Nó xảy ra trong bảy phần trăm phụ nữ mang thai (tỉ lệ ở Mỹ). Nếu không điều trị hoặc điều trị thất bại, nó có thể dẫn đến co giật, và một số hệ thống cơ thể khác nhau bị hỏng, không hoạt động, đưa đến hôn mê hoặc chết. Phá thai có thể là cách duy nhất để cứu sống người phụ nữ. Một số điều kiện khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường nặng, bệnh tim, hoặc chấn thương do tai nạn ô tô, cũng có thể đòi hỏi phải phá thai để cứu sống người bệnh là phụ nữ. Chấm dứt thai kỳ cũng là điều cần thiết để cứu sống người phụ nữ với thai ngoài tử cung. Đó là những sự kiện thực tại y khoa. Một số tuyên truyền chống sự lựa chọn của phụ nữ trong sinh nở, tuyên bố rằng phá thai làm tăng nguy cơ của một người phụ nữ mắc bệnh ung thư. Đây không chỉ là một chiến thuật-gây sợ hãi, sai hoàn toàn, nhưng thực sự ngược lại mới là sự thật. Mang thai là những gì làm tăng nguy cơ của một người phụ nữ bị ung thư, và có hoàn toàn không có kết nối giữa phá thai và bệnh ung thư. Những nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng phá thai đôi khi cần thiết để tránh bị nguy cơ ung thư
b. Tại sao Kitô chống sự lựa chọn sinh sản – vì niềm tin rằng một “linh hồn” được Gót đưa vào một nơi nào đó trong quá trình thụ thai, và linh hồn đó phải nằm trong một cơ thể con người đủ lâu dài đến khi cơ thể con người này phát triển được một bộ não có khả năng học tập và chấp nhận Gót hay Jesus. Nếu không, linh hồn đó sẽ không bao giờ có cơ hội lên thiên đàng. Đó là tuyên bố của kinh Thánh về sự tồn tại của linh hồn, cũng như thiên đàng, hỏa ngục, và đó là gốc rễ thực sự của tranh cãi. Tránh né và đánh lạc hướng tập trung vào những vấn đề thực, đã xuất phát từ một danh sách dài của những vấn đề quan trọng có gốc từ kinh Thánh, và đi đến chết người.
c. Gót phá thai: Hãy cứ giả định như tin tưởng Kitô rằng Gót sáng tạo con người với cơ thể như chúng ta hiện có, vậy sau đó ông phải là kẻ phá thai kinh khủng và vĩ đại nhất của tất cả mọi thời đại. Mỗi lần sẩy thai tự nhiên xảy ra trong mỗi phụ nữa là có sự sống của một phôi thai hoặc thai nhi bị chấm dứt. Tỷ lệ ghi nhận trung bình là 15% của tất cả những thụ thai đều kết thúc bằng một sẩy thai tự nhiên, và nhiều người trong số những phụ nữ thậm chí không biết họ đã mang thai. Đôi khi mang thai sẽ chỉ kéo dài một vài tuần và những người phụ nữ có thể nghĩ rằng sẩy thai tự nhiên chỉ là chu kỳ kinh nguyệt bình thường của họ. Tỷ lệ là 25% phần trăm của tất cả những phụ nữ sẽ có một sẩy thai tự nhiên trong đời của họ.
d. Có phải “sự sống con người” đã bị hủy hoại? – Sự sống không bắt đầu từ thụ thai, nó bắt đầu từ lâu trước khi khi có sự thụ thai. Mỗi tinh trùng và mỗi tế bào đều là một sinh vật sống. “Sự sống con người”, tuy nhiên không bắt đầu cho đến khi đã khá lâu sau khi thụ thai thành hình, nhưng chính xác những gì được kể là sự sống con người? Có phải một cơ cấu sinh vật đã bị hủy trong khi thực hiện phá thai được coi là con người? - 90% của tất cả những vụ phá thai xảy ra trong tam cá nguyệt đầu tiên, trong 13 tuần đầu tiên của sự phát triển, nhưng sự phát triển quan trọng của bộ não đã không xảy ra cho đến tuần thứ 20. Phôi bị hủy bỏ thậm chí chưa có ý thức và không có khả năng phản ứng với môi trường xung quanh của nó. Người ta có thể tranh luận, “nhưng nó có tiềm năng trở thành một con người”, nhưng đó cũng là đúng thật cho phôi của tất cả những sinh vật sống. Vì tất cả những sinh vật bắt đầu như một cụm, gần giống hệt nhau, gồm những tế bào, nên tất cả đều có khả năng phát triển thành bất kỳ động vật nào. Những gì quyết định sự trở thành là bản vẽ kiểu, bản thiết kế gốc, những DNA trong những tế bào, chúng ấn định những tế bào hình thành như thế nào. Nhưng ngay cả những phôi này cũng vẫn chưa có trọn vẹn tất cả những gen của nó lúc thụ thai. Bản vẽ chi tiết DNA được tạo ra dần dần, bằng những phản ứng với môi trường và những “đàm phán nội bộ” phức tạp trong một phôi thai ngày càng tăng phức tạp. Trong những giai đoạn đầu của sự phát triển phôi thai con người, thì ngay cả vẫn còn chưa phải là đã tiến triển trên một đường dẫn trực tiếp tới một hài nhi phát triển đầy đủ. Vì DNA của chúng ta vẫn có tất cả những hướng dẫn từ tổ tiên tiến hóa của chúng ta, phôi đi qua nhiều giai đoạn phát triển ban đầu của những động vật khác, trước khi đi theo hướng phát triển thành con người. Thí dụ, trước khi phôi phát triển bất cứ gì đó tương tự như một khuôn mặt người, nó đầu tiên đã phát triển một cái đuôi, dù chỉ để sau này tự rụng bỏ, khi một gen mới khởi động đi vào hướng dẫn sự phát triển theo hướng có một sự tương đồng gần gũi hơn với con người. Để tóm tắt, phôi được hủy bỏ thậm chí chưa có ý thức của sinh vật, và không thể được xem dù bất kỳ phương diện nào, là con người hơn so với phôi của bất kỳ sinh vật nào khác. Ngay cả khi với hầu hết những chi tiết của bản vẽ được viết ra và một số bộ phận ở vào vị trí tương lai của nó, một phôi thai so với một sự sống con người thì vẫn không khác gì hơn một cánh cửa so với một lâu đài, hay một sắc tố so với một bức tranh .
e. Liên hệ với sự chống phá thai đưa đến những chống phá khác, như sự chống phá nghiên cứu y học dùng những tế bào gốc lấy trong phôi (embryonic stem cell research) đã chứng tỏ có khả năng chữa trị trong y học. Đây là sự phản đối việc nghiên cứu trị liệu bệnh tật có thể là tiến bộ lớn lao nhất trong lịch sử y khoa nhân loại, đã tất cả đều dựa quyết định trên những tuyên xưng được chép trong một văn bản gọi là kinh Thánh viết từ hai nghìn năm trước, dựa trên những gì có quanh niềm tin về linh hồn. Nghiên cứu y khoa dùng tế bào gốc phôi đòi hỏi chấm dứt một phôi có đã ba ngày, và những người Kitô xem đó như phá hủy nơi cư trú của “linh hồn” con người do Gót đứ vào. Đây là một thí dụ cho thấy sự phi lý, ấu trĩ và mê tín của Kitô, từ những câu chuyện của kinh Thánh về một linh hồn có nhiều phần là thần thoại, đi đến những quyết định phản lại những gì có liên quan đến sự sống hiện thực của con người. Cứ cho là có linh hồn, vậy trong trường hợp sinh đôi, xảy ra khi một phôi được ba ngày có thể phân làm một cặp song sinh giống hệt nhau, vậy có phải sự kiện này đưa đến kết luận một “linh hồn” đã chia thành hai? Ở giai đoạn này, cũng có có hiện tương hai phôi thậm chí có thể nối kết với nhau, vậy điều này có nghĩa là hai linh hồn kết hợp thành một? Những câu hỏi này cho thấy câu chuyện cổ về linh hồn chỉ đơn giản là không có bất cứ chỗ đứng nào trong lĩnh vực sinh học. Khái niệm này trước đây đã một lần lấy làm lời đáp cho một số câu hỏi, nhưng bây giờ chúng ta có một sự hiểu biết đúng đắn về sự sống chúng ta, nếu vẫn giữ những khái niệm siêu hình có từ cổ đại, áp dụng vào hiện thực vật lý, sinh lý, hiển nhiên là tai hại cho con người.
f. Hiển nhiên tai hại nhất là chống đối sự ngừa thai, với cùng những lý do như chống phá thai – Hiện nay ở Nam châu Phi, nạn dịch AID/ HIV hoành hành và lan tràn. Đã có khoảng 5,3 triệu người bị nhiễm HIV nhưng hội nhà thờ thuyết phục tín đồ thà chịu chết, cứ gây thêm bệnh, tiếp tục sinh thêm những bệnh nhân, là tốt hơn so với sự sử dụng bao cao su đơn giản để ngừa thai - vì kinh Thánh lên án sự “phí phạm hạt giống con người”. !
Như thế, chúng ta thấy giáo điều của hội nhà thờ, đặc biệt là nhà thờ Catô giảng dạy bất cứ hình thức ngừa thai nhân tạo nào, bất kể phá thai trong trường hợp nào đều là “tội lỗi”. Giáo điều này đến từ nhiều nguồn gốc khác nhau, nhưng có thể kể chương đầu tiên trong kinh Thánh, Sáng Thế Ký, Gót ra lệnh cho con người ngay sau khi được sáng tạo, là phải có tính dục (qua lời dạy phải tăng đông lên làm đầy quả đất – “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất,…” – tiếp sau, nói rõ hơn về chồng và vợ – “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” lập thành gia đình). Bám chặt lấy những lời “dạy” từ nghìn năm trước của một bộ tộc rất đặc biệt (Do thái) ở vùng Cận Đông, khăng khăng cho đến nay vẫn không thay đổi. Thí dụ gần đây nhất, dẫn trên, là hội nhà thờ bất chấp dư luận khoa học, y tế, nhất định chống việc dùng condom, dù chỉ để ngừa bệnh. Đặc biệt tại những nước châu Phi, nơi có HIV/ AIDS và những bệnh tính dục truyền nhiễm này. hoành hành; mặc dù tổ chức quốc tế liên hiệp quốc WHO khuyên cáo condom như phương tiện rẻ tiền, khá hữu hiệu để ngừa, chống HIV/ AIDS và những bệnh tính dục truyền nhiễm khác. Tại sao, vì tuy condom ngừa bệnh, nhưng nó cũng ngừa thai! Thế nên. trong giới cán bộ lãnh đạo của những hội nhà thờ; kể từ vua chiên xuống đến những nhà chuyên học về gót (thần học), hay cả những khoa học gia thiên Kitô bị tín ngưỡng lôi kéo, đều tìm mọi cách, kể cả giới vừa kể sau, gắng gỏi thực hiện những công trình nghiên cứu, trình bày báo cáo phân tích, xem ra có vẻ rất khoa học, khách quan. Nhưng dù mặt ngoài là phân tích thực hư, lợi hại của việc dùng condom (chống bệnh được hay không, đến đâu? Hay chỉ là một huyền thoại khoa học…) nhưng trong bản chất có động cơ đến từ những giáo điều cực đoan, nên hướng đến những mục đích đã định sẵn, đầy tiên kiến cố chấp. Trước sau, lịch sử đã cho thấy; hội nhà thờ làm một điều (a) này, hay chống một điều (b) kia, đều không vì tác dụng có lợi, hay gây hại của nó cho xã hội, hay cho đất nước dân chúng, địa phương, nhưng chỉ đơn giản không gì khác hơn ngoài: (a) sự mù quáng trung thành tuân thủ theo kinh thánh, và (b) quyền lợi sống còn của những hội nhà thờ, dù đó là những giáo điều khô cứng vô nhân, tàn độc, chúng có thể xưa đã có giá trị nào đó, nhưng đến nay đã lỗi thời, phản khoa học, phản con người. Chúng ta có thể nói – lập trường kiên định cấm phá thai, cấm ngừa thai trong đám tín đồ đã thu phục được, cũng như sự lặn lội gian nan đi truyền giáo khắp nơi từ những vùng hẻo lánh nơi dân cư còn bán khai man dã, đến những vùng nghèo khổ ít học, ở những khu chậm tiến đô thị trong những nước tiên tiến, đều có một mục tiêu chung: tăng số tín đồ cho hội nhà thờ. Số lượng là cứu cánh. Nhất định thực hiên lời dạy “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất”. Lời “dạy” xem có vẻ rất tự nhiên vô hại trong chương sách đó, khi vào trong tay một tổ chức toàn cầu, đã gây không biết bao nhiêu tai ác, khổ ải, khôn lường khôn kể cho con người và hơn nữa gây nên biết bao nhiêu chiến tranh đổ máu. Từ những những lời hiền lành đẹp đẽ, nhân hậu đó đi đến tin tức chúng ta vẫn thường đọc về các vụ vận động ban hành luật cấm phá thai, hay ám sát các y sĩ thực hiện phá thai, và phá hoại, gây rối, khó khăn cho các bệnh nhân, bệnh viện phá thai, thực sự chỉ là một bước tự nhiên tất yếu, ngắn ngủi.
2. Tấn công quyền tự do luyến ái, giết hại những người đồng tính.
Tất cả những chiến dịch lớn, lấy thí dụ từ thời sự hiện nay ở bắc Mỹ, chống lại những người đồng tính, phủ nhận quyền tự do luyến ái của họ, đều có động cơ căn cứ trên những diễn dịch từ lời kinh Thánh. Tất cả đi đến kết luận rằng đồng tính luyến ái là (a) trái tự nhiên và (b) một tội lỗi. Những tấn công không chỉ thúc đẩy bởi thù ghét, những chỉ đơn giản là những tín đồ nhiệt thành đã làm những gì về mặt đạo đức mà họ cho là đúng, nếu như những tuyên bố trong kinhThánh là sự thật. Đây là một thí dụ điển hình cho thấy – một luân lý tôn giáo đề cao thương yêu, nhưng khi áp dụng một cách mê tín đã đi vào bạo động, đưa đến thù ghét con người vô tội, vô hại. Nếu một tín đồ thành thật nghĩ rằng kinh Thánh là đúng thực, người ấy sẽ không thể không tức giận với công chúng khi có ai đó khuyến khích một hành động mà người ấy tin rằng sẽ làm cho con người nào đó phải chịu một sự trừng phạt ghê gớm nhất có thể tưởng tượng ra được - là quằn quại bị thiêu đốt trong “lửa hỏa ngục đời đời”? Thí dụ thứ hai này, với không thiếu những tài liệu trên báo chi hiện nay, để thêm một chứng minh rằng đạo Kitô là một gì đó – một tôn giáo khác lạ - nó buộc tất cả chúng ta không thể lãnh đạm, nhưng phải quan tâm; đơn giản chỉ vì nó là một bộ sưu tập những tuyên bố đầy hư cấu, và đặc biệt tín đồ của nó dựa quyết định của họ về thế giới hiện thực trên những tuyên xưng vừa (a) lạc hậu, vừa (b) thuần túy tin tưởng cá nhân đa kể trên. Ở đây chúng ta thấy ranh giới giữa những gì là thật và những gì là không-thật đã bị vượt qua.
a. Những người Kitô lên án, ngăn cản luyến ái giữa những người đồng tính với tin tưởng là họ đang giúp đỡ những người đồng tính trong lâu dài, và phòng ngừa những người khác đừng phạm vào nguy cơ tội lỗi. Kinh Thánh rõ ràng, và sai lầm, cho rằng đồng tính luyến ái là không tự nhiên, một sự nhơ nhuốc gớm ghiếc, và là một tội lỗi (Leviticus 18:22, 20:13, 1 Corinthians 6:9-10 ). Những gì với chúng ta là một tấn công dã man vào quyền tự do và bình đẳng con người, nhưng được người Kitô tham gia chân thực xem như một phòng thủ chống lại sự chấp nhận một tội lỗi trong xã hội.
b. Chúng ta có nhiều lý do để phải lên tiếng phê bình - Ngoài vấn đề bình đẳng, sự bội nhọ, xem đồng tính luyến ái như tội lỗi của Kinh Thánh đã dẫn đến hàng trăm triệu những người đồng tính trên toàn thế giới bị gia đình của họ từ chối, đẩy những người đồng tính và lưỡng tính ở tuổi thanh thiếu niên vào bệnh trầm cảm, và đi đến tự tử, và dẫn những tín đồ Kitô phạm vào tội ác trong đó có bạo lực đến từ sự thương yêu thành thù ghét con người.
c. Đồng tính luyến ái không phải là một sự tự lựa chọn. Không ai chọn sở thích tình dục của họ, hoặc chọn phái tính đối tượng thương yêu và quan hệ tình dục. Khuynh hướng tình dục của tất cả mọi người được sinh học ấn định qua di truyền và biểu sinh (genetics và epigenetics). Trong vài tuần đầu tiên của sự phát triển, tất cả những bào thai là nữ, đó là lý do tại sao chúng ta đều sinh ra với những mô vú và núm vú. Phải là cho đến khoảng tuần thứ 6, bào thai với nhiễm sắc thể (chromosome) nam Y, mới thành hình tinh hoàn, sản xuất hormone testosterone. Khoảng tuần thứ 8 là khitestosterone được phát hành, nó nam tính hóa cơ thể, gồm một phần của não gọi là Hypothalamus, đây là vùng kiểm soát một phần khuynh hướng phái tính nào chúng ta sẽ bị thu hút về tình dục. Hypothalamus tiếp xúc với testosterone càng nhiều bao nhiêu, người (nam) sẽ càng hướng sang phái đối lập (phụ nữ) để bị thu hút càng nhiều. Đôi khi một thai nhi nam chỉ sản xuất đủ testosterone để nam tính hóa cơ thể, nhưng không đủ để tác động vào não như trên; hoặc não của nó không hấp thụ đủ testosterone để làm cho nó hoàn toàn sẽ có khuynh hướng tình dục hướng tới người khác giới (heterosexual). Quá trình phát triển của thai nhi thì không bao giờ chính xác 100%; thế nên đồng tính luyến ái (homosexuality) và lưỡng tính (bisexuality) có thể xảy ra, và chỉ đơn giản có nguyên nhân là sự phát triển nói trên không xảy ra chính xác như thế. Gen của chúng ta cũng có thể xác định xu hướng tình dục của một người. Khi hai người sinh đôi từ cùng một trứng mẹ (identical twin) – một người nếu là đồng tính, thì người kia có xác xuất 70 % cũng là đồng tính; cho thấy di truyền có thể đóng một vai trò trong hiện tượng đồng tính luyến ái. Biểu sinh (epigenetics) cũng có thể ấn định khuynh hướng tình dục của một người. Biểu sinh làm thay đổi trình tự bên dưới của DNA, mà không gây một sự thay đổi với tự DNA của nó. Đó là lý do anh em sinh đôi với cùng DNA giống hệt nhau, nhưng vẫn có thể được sinh ra với những khác biệt như khuynh hướng tình dục.
Dài dòng như trên để chứng minh (a) là phản khoa học và (b) là giáo điều ác độc; cả hai đi đến phi nhân, vô đạo đức. Và gây hại cho toàn xã hội. “Đó chỉ là mới hai thí dụ. Có rất đông đảo biết bao nhiêu phương cách, ngay trong giờ phút này, nhà thờ, cứ khư khư trên những điều nó chọn lấy, nhất nhất gọi là đạo đức, làm thương tổn đủ mọi loại hạng người trong xã hội, gây những khổ đau lẽ ra không đáng có và không cần thiết”.
nguồn http://chuyendaudau.blogspot.com/2009/05/tai-sao-toi-khong-la-nguoi-kito_28.html



Các bài cùng tác giả

▪ Lôgích Cũ & Mới: Phụ lục cho Lịch sử Triết học phương Tây - Lê Dọn Bàn 

▪ Cơn ác mộng của nhà thần học - Lê Dọn Bàn 

▪ Có phải đạo Kitô phi lý không? Lê Dọn Bàn 

▪ Pope accused of PR stunt The Sydney Morning Herald 

▪ Thiên Đường Dậy Sóng Hoài Nghi Lê Dọn Bàn 

▪ Tại Sao Tôi Không là người Kitô? Lê Dọn Bàn 

▪ Tương lai của một Ảo tưởng - Lê Dọn Bàn 

▪ Yếu tính và Hiệu quả của Tôn giáo Bertrand Russell/Lê Dọn Bàn 

▪ Gót và Thiên Tai A.C. Greyling/Lê Dọn Bàn 

▪ Về Lai Lịch của Đạo Đức - Mô Hình “Con Nợ/Chủ Nợ” -Nietzsche - Lê Dọn Bàn dịch 

▪ Bertrand Russell - Sự Tôn Thờ Của Một Người Tự Do Lê Dọn Bàn dịch 

▪ Tại Sao Tôi Không là người Kitô? - Bertrand Russell/ Lê Dọn Bàn 

No comments:

Post a Comment