2015/11/07

"Quân tử" và "tiểu nhân" nhìn từ hai vụ rơi máy bay chở khách

http://molang0205.blogspot.com/2015/11/quan-tu-va-tieu-nhan-nhin-tu-hai-vu-roi.html

Nguyễn Minh Tâm



Tuyến bay từ Sharmel-Sheikh đến Sankt-Peterburg qua bán đảo Sinai, đường bay thực tế của chiếc KGL-9268 và địa điểm máy bay gặp nạn.

1- MH-17:
Cách đây hơn 1 năm, vào ngày 17-7-2014, trên vùng trời Donbass, Đông Nam Ukraina, vụ rơi máy bay chở khách Boeing 777 mang số hiệu MH-17 của Hãng Hàng không quốc gia Malaysia đã cướp đi sinh mạng của 298 người, bao gồm cả hành khách và phi hành đoàn. Hầu như ngay lập tức, bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây hướng toàn bộ sự quy kết tội lỗi cho nước Nga và lực lượng vũ trang Novorussia. Không cần kết quả điều tra, các chính trị gia Mỹ và phương Tây lớn tiếng quy kết tội lõi cho Nga vì đã hỗ trợ vũ khí phòng không hạng nặng cho DNR và LNR; lấy cớ đó gia tăng trừng phạt kinh tế và ngoại giao đối với Nga. Một chiến dịch truyền thông rầm rộ được triển khai để nhằm bôi nhọ uy tín của Nga trên trường quốc tế. Bộ máy truyền thông ấy không từ một thủ đoạn xảo trá nào, kể cả việc đổ lỗi cho dân quân DNR và LNR đã làm xáo trộn hiện trường, thậm chí vu vạ cho họ ăn cắp hành lý của những hành khách đã chết, găm giữ thi thể nạn nhân và nhiều chuyện xấu xa tồi tệ do bộ máy ấy tưởng tượng ra.

Trong khi đó thì Nga cũng như DNR và LNR làm gì ?

Trước hết, Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin gửi điện chia buồn đến Quốc vương Malaysia và nguyên thủ các quốc gia có hành khách gặp nạn. Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev cũng gửi điện chia buồn đến thủ tướng các nước có hành khách gặp nạn và gia đình các nạn nhân. Phía Nga cam kết sẽ góp phần vào việc điều tra nguyên nhân thảm họa bằng những dữ liệu vệ tinh và tác chiến điện tử mà họ có.

Các nhà lãnh đạo CHND Lugansk và Cộng hòa nhân dân Donetsk cùng những binh sĩ của họ đã cố gắng hết sức để thu nhặt và bảo quản thi hài, tài sản của các nạn nhân để bàn giao lại cho gia quyến của nạn nhân. Họ cũng cố gắng bảo vệ hiện trường trong khi lực lượng quân đội Kiev liên tiếp mở các cuộc tấn công nhằm “cướp” hiện trường. Phía LNR và DNR đã bàn giao nguyên trạng hai chiếc hộp đen thu giữ được trên hiện trường cho phía Malaysia, chủ nhân của chiếc máy bay xấu số.

Cho đến nay, phía Hà Lan, đứng đầu Ủy ban điều tra vụ việc đã cho công bố báo cáo cuối cùng. Nhiều nhà nghiên cứu và chính trị gia trên thế giới đã chỉ ra 9 điểm khiếm khuyết quan trọng khiến cho báo cáo của phía Hà Lan là không thuyết phục.

Một trong những nguyên nhân chính của thảm họa được cho là Ukraine đã không đóng cửa không phận với máy bay chở khách, mặc dù chiến sự đang diễn ra tại vùng Donbass có sử dụng tên lửa đất đối không (surface-to-air missiles - SAM) loại BUK-1M. Các chuyên gia Nga đồng ý với nhận định này, nhưng lưu ý rằng chỉ có phía Kiev mới được trang bị và sử dụng hệ thống phòng không trên. Phía LNR và DNR chỉ có loại tên lửa vác vai với tầm bắn không quá 5.000 m. Báo cáo đã không chỉ rõ tên lửa đó của phía nào. Đó là điểm mập mờ thứ nhất.

Phó Chủ tịch Cơ quan Hàng không Liên bang Nga Oleg Storchevoy cho biết, Ủy ban điều tra đã không đưa ra bằng chứng về việc tìm thấy trên thân máy bay các thành phần đặc trưng của tên lửa BUK trong khi thành phần này hoàn toàn khác với những gì nêu ra trong bản báo cáo. Ủy ban điều tra quốc tế đã không cung cấp bằng chứng cho thấy phần thân máy bay mang dấu hiệu đặc trưng bị trúng tên lửa BUK (một lỗ hình bướm). Hơn thế, một trong những bức ảnh mà Ủy ban này đệ trình mô tả một phần hệ thống tên lửa BUK (vốn được cho là không thể còn nguyên vẹn sau khi đã phóng tên lửa đi). Đó là điểm mập mờ thứ hai.

Theo các nhà điều tra, một tên lửa đất đối không đã đã phát nổ ngay sát bên trái buồng lái máy bay khiến phần đầu máy bay vỡ ra và tất cả các hành khách và phi hành đoàn gần như chết ngay lập tức. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng báo cáo đã bỏ qua một thực tế rằng, các loại tên lửa thường được nhắm vào phần giữa của máy bay để đảm bảo sự hủy diệt. Trong khi đó, phần buồng lái thường được các phi công nhắm bắn bằng pháo trang bị trên máy bay chiến đấu. Thêm vào đó, báo cáo về MH17 được gửi cho Nga như một sự đã rồi, có nghĩa là báo cáo này không thể sửa đổi nữa. Hơn nữa, báo cáo này lờ đi hầu hết những nhận định mà các chuyên gia Nga đưa ra trước đây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đặt câu hỏi: Liệu cuộc điều tra này có phải nhằm tìm ra nguyên nhân của vụ máy bay rơi hay chỉ để biện hộ cho những cáo buộc được đưa ra từ trước ? Đó là điểm mập mờ thứ ba.

Các nhà chức trách Hà Lan đã không cho phép các chuyên gia Nga kiểm tra hiện trường vụ tai nạn. Thậm chí một tháng sau thảm họa, không phải tất cả các thi thể đã được thu hồi (dấu vết mảnh đạn có thể là manh mối quan trọng cho việc điều tra quốc tế). Bên cạnh đó, trái với thông lệ, một phần đáng kể của chiếc máy bay gặp nạn vẫn còn tại khu vực nó rơi xuống chứ không phải được thu hồi toàn bộ. Điều này sẽ cản trở việc tiến hành một nghiên cứu trên quy mô toàn diện. Đó là điểm mập mờ thứ tư.

Báo cáo của Ủy ban điều tra đã không có sự phân tích kỹ lưỡng về các hành động chỉ dẫn của cơ quan điều khiển không lưu Ukraina là những người đã “dẫn đường” cho chiếc MH-17 bay vào khu vực đang có xung đột và thay đổi đường bay của nó mà không có lý do rõ ràng. Vụ MH-17 bị bắn rơi khiến người ta nhớ lại vụ việc ngày 17-3-1994, khi chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 chở các nhân viên sứ quán Iran đã bị bắn rơi ở khu vực Nagornyi-Karabakh gần làng Stepanakert, giết chết tất cả 19 hành khách, trong đó có 9 trẻ em và 13 thành viên phi hành đoàn. Trong vụ này, cơ quan điều khiển không lưu Azerbaijan đã cố ý chuyển hướng của chiếc máy bay này khoảng 100 km vào khu vực chiến sự, nơi nó bị bắn hạ bởi một tên lửa SAM của Armenia. Đó là điểm mập mờ thứ năm.

Báo cáo của Ủy ban điều tra cũng không xét đến khả năng chiếc MH-17 bị máy bay chiến đấu Ukraina ngăn chặn, mặc dù vào thời điểm đó có một máy bay chiến đấu Su-25 của Ukraina bay gần đó. Máy bay này hoàn toàn có thể bắn hạ phi hành đoàn trên MH-17 bằng pháo 23 mm gắn trên máy bay cũng như hệ thống phòng không gồm 2 tên lửa không đối không phóng cùng một lúc để đề phòng trường hợp một trong hai quả bị trượt. Trường hợp này làm phát sinh khả năng MH-17 bị hạ bởi tên lửa không đối không. Đó là điểm mập mờ thứ sáu mà báo cáo này không làm rõ được.

Ngày 2-7-2015, các chuyên gia của hãng Almaz-Antey là hãng sản xuất hệ thống phòng không BUK đã gửi cho Ủy ban điều tra quốc tế kết quả ban đầu của một nghiên cứu quy mô bằng cách sử dụng một mô hình thu nhỏ của một chiếc Boeing 777. Kết quả này cho thấy MH-17 có thể đã bị bắn hạ bởi một quả tên lửa BUK 9M38M là loại tên lửa mà các lực lượng vũ trang Nga không còn sử dụng. Trong cuộc thử nghiệm thứ hai được tiến hành ngày 7-10-2015, Almaz-Antey đã dùng một máy bay IL-86 đã ngừng sử dụng, có kích thước tương tự Boeing-777. Kết quả nhận được cho thấy chiếc MH-17 của Malaysia đã bị bắn hạ bởi tên lửa BUK được phóng đi từ khu vực cách làng Zaroschenskoie khoảng 3,5km về phía Nam. Khu vực này thuộc quyền kiểm soát của quân đội Uraine vào thời điểm đó chứ không phải từ khu vực Snezhnoie do quân Novorussia kiểm soát. Các chuyên gia của Almaz-Antey đã chỉ ra rằng, nếu tên lửa được phóng từ khu vực Snezhnoe như Ủy ban điều tra quốc tế nêu ra thì sẽ không có mảnh vỡ của đầu đạn trong động cơ máy bay như kết quả điều tra thu được. Tại sao Ủy ban điều tra lại bỏ qua các tài liệu này ? Đó là điểm mập mờ thứ bảy.

Ngay trong tháng đầu tiên của cuộc điều tra, phía Nga đã cung cấp chủ Ủy ban điều tra đầy đủ các không ảnh vệ tinh chi tiết về khu vực xảy ra vụ việc theo thời gian thực cũng như dữ liệu ghi nhận của hệ thống radar về mọi hoạt động hàng không tại khu vực tả ngạn sông Dniepr. Tuy nhiên, Mỹ đã không cung cấp cho Ủy ban điều tra quốc tế những dữ liệu thu được từ vệ tinh của Mỹ bay trên vùng chiến sự tại thời điểm xảy ra sự cố. Tại sao Mỹ làm như vậy ? Đó là điểm mập mờ thứ tám.

Cuối cùng, Ủy ban điều tra quốc tế đã không tiến hành điều tra hệ thống phòng không của Ukraina, trong đó bao gồm vị trí của các hệ thống này vào thời điểm xảy ra vụ việc cũng các hệ thống tên lửa diệt máy bay có trong kho vũ khí của Ukraina. Đó là điểm nghi vấn thứ chín.

Kết thúc 15 tháng điều tra, kết quả vẫn là một con số không tròn trĩnh. Báo cáo của Ban An toàn hàng không Hà Lan không phải là kết luận cuối cùng bởi người ta đã không đưa vào báo cáo toàn bộ các dữ liệu thu thập được. Và do đó, bản báo cáo có vẻ mang tính chủ quan với những động cơ chính trị. Việc điều tra kéo dài trong 15 tháng chỉ đơn thuần là một chiến thuật trì hoãn khi không thể tìm thấy bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào về sự dính líu của Nga.

2- KGL-9268:

Giờ đây, chúng ta lại gặp một thảm họa tương tự, được coi là thảm họa lớn nhất trong lịch sử hàng không dân dụng Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Trên tuyến bay từ thành phố nghỉ dưỡng Sharmel-Sheikh trở về thành phố Sankt-Peterburg, chiếc máy bay A-321 của Hãng hàng không Nga Kogalymavia mang số hiệu KGL-9268 do Hãng Airbus sản xuất đã bị rơi ở khu vực bán đảo Sinai thuộc Ai Cập khiến toàn bộ 224 người trên máy bay gồm 7 thành viên phi hành đoàn và 217 hành khách thiệt mạng.

Kết quả giải mã sơ bộ hộp đen trong tuần qua cho thấy một trong hai động cơ máy bay đã bị nổ. Trong khi Nga điều hơn 100 nhân viên sang Ai Cập để điều tra nguyên nhân vụ việc thì lập tức, bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây lan truyền thông tin: Máy bay Nga bị đặt bom khủng bố và chỉ luôn thủ phạm là IS. Nếu quả đúng như vậy thì các hãng truyền thông Mỹ và phương Tây xứng đáng là các hãng thám tử lừng danh. Ngay cả tổng thống Mỹ Barack Omama cũng cho rằng chính IS là thủ phạm gài bom vì… chính IS đã xác nhân điều đó.

Trong nghề điều tra, ai cũng biết rằng người ta luôn trọng chứng hơn trọng cung. Bởi vậy, cho dù một phần nguyên nhân khiến máy bay rơi đã bị hé lộ nhưng phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga vẫn rất thận trọng mặc dù nước Nga đang trong mấy ngày quốc tang. Họ cho rằng việc thảo luận về nguyên nhân vụ máy bay rơi tại Ai Cập hôm 31-10 là quá sớm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova đặt câu hỏi: “Bằng cách nào chúng ta có thể thảo luận về mọi kịch bản máy bay rơi khi các chuyên gia của chúng ta mới chỉ vừa bắt đầu điều tra tại hiện trường vụ tai nạn ?”.

Mặc dù lực lượng IS tự nhận đã bắn rơi chiếc KGL-9268 nhưng phía Nga phủ nhận. Bộ trưởng Bộ Giao thông Nga Maksim Sokolov cho biết, tuyên bố mà nhóm Hồi giáo cực đoan thân IS đưa ra “không thể coi là chính xác”. Phát ngôn viên của Quân đội Ai Cập Mohamed Samir cũng cho biết: “Cho đến giờ vẫn chưa có bằng chứng cho thấy có bàn tay khủng bố trong vụ việc này. Chúng ta sẽ biết nguyên nhân cụ thể khi Cơ quan Hàng không dân dụng Ai Cập cùng với các nhà chức trách Nga hoàn thành cuộc điều tra”. Tuyên bố của nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan rất có thể sẽ ảnh hưởng đến thái độ dư luận Nga, khi Tổng thống Vladimir Putin quyết định tiến hành không kích nhằm hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và chống lại phiến quân IS. Kể từ khi Nga bắt đầu không kích các mục tiêu ở Syria vào cuối tháng 9, một số nhóm Hồi giáo cực đoan đã kêu gọi tiến hành tấn công vào các mục tiêu dân sự của Nga. Tuy nhiên các chuyên gia vẫn tỏ ra nghi ngờ khi cho rằng phiến quân không thể có loại vũ khí có thể bắn trúng máy bay đang bay ở độ cao hơn 9.000m. Một câu hỏi được đặt ra một cách tự nhiên là nếu lực lượng IS thật sự có thứ vũ khí đó thì vấn đề tiếp theo sẽ là những vũ khí ấy đến từ nguồn nào ?

Một nguyên nhân nữa được hình thành qua phán đoán là do lỗi của con người, có thể do phi công hoặc do bảo dưỡng kỹ thuật hoặc loại nhiên liệu được sử dụng không phù hợp. Tuy nhiên, một lần nữa, người Nga tuyên bố rằng họ không loại trừ một khả năng nào, một giả thuyết nào trong quá trình điều tra cho đến khi tìm được nguyên nhân đích thực.

Tương tự như vụ MH-17, người ta lại thấy cái đuôi cáo của Mỹ và phương Tây lòi ra. Những tuyên bố của Barack Obama và bộ máy truyền thông Mỹ và phương Tây tưởng như là ủng hộ Nga và chống lại IS nhưng thực sự không phải như vậy. Bằng cách đổ riệt nguyên nhân cho các nhóm Hồi giáo cực đoan thân IS, lực lượng mà không quân Nga đã dội bom và tên lửa tiêu diệt trong suốt một tháng qua, sự thừa nhận đó sẽ kích động những thế lực Hồi giáo cực đoan thân IS tập hợp lại và chĩa mũi tấn công về phía Nga. Một dẫn chứng cho thấy nguy cơ này là có thật bởi trong đoạn ghi âm công bố ngày 2-11, thủ lĩnh của Al-Qaeda nói rằng Mỹ, Nga, Iran và Hezbollah đang phối hợp trong cuộc chiến chống các nhóm Hồi giáo cực đoan như IS. Thủ lĩnh mạng lưới khủng bố khét tiếng này đã kêu gọi các nhóm Hồi giáo cực đoan dừng chiến đấu chống nhau, để cùng nỗ lực tấn công mục tiêu chung. Không khó để xác định mục tiêu đó là nước Nga.

Thật là tinh vi và nham hiểm !

Nga đã không làm như những gì Mỹ và phương Tây muốn. Mặc dù cũng có một bộ máy truyền thông mạnh nhưng phía Nga kiên quyết phủ nhận mọi phán đoán cho đến khi cuộc điều tra đưa ra được những bằng chứng thuyết phục nhất mặc dù ngay lúc này đây, cả dân tộc Nga đang trải qua những giờ phút đau đớn. Thái độ đó của Nga càng làm cho thế giới loài người tiến bộ nể phục họ và những thế lực chống Nga từ Mỹ đến phương Tây không thể lợi dụng được bất kỳ một kẽ hở nào để trục lợi. Đó là thái độ của người “Quân tử”, của một dân tộc được lãnh đạo bởi một bộ máy sáng suốt, có trái tim nóng nhiệt thành nhưng cũng luôn có cái đầu lạnh tỉnh táo.

Còn Mỹ thì sao ? Theo thông lệ ngoại giao từ xưa đến nay, hai nước tuy đang đánh nhau nhưng không chém sứ giả. Hai nước thù hằn nhau, chỉ muốn ăn tươi nuốt sống nhau nhưng nếu có sự cố thiên tai, nhân tai hoặc tang chế đến với bên này hoặc bên kia thì họ đều thể hiện sự quân tử của mình bằng cách cử đoàn sứ đến viếng tang, hỗ trợ vật chất cho nước gặp tai họa, chia buồn .v.v… Mọi người còn nhớ, ngay sau khi vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 xảy ra, cả thế giới loài người đã chia buồn với nước Mỹ, với nhân dân Mỹ. Những nước đối địch với Mỹ cũng tuyên bố sẽ đứng bên cạnh Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Giờ đây, nước Mỹ có làm được như vậy không ? Chắc chắn là không ! Trong khi lãnh đạo nhiều nước gửi điện, gửi thư đến lãnh đạo nước Nga để chia buồn cũng như chia sẻ nỗi đau mất mát đến với gia quyến những người gặp nạn thì Tổng thống Barack Obama, tổng thống của cường quốc số 1 trên thế giới này đã không làm điều đó. Và người ta chỉ có thể dùng một từ gồm hai chữ để bình luận về điều đó: “Tiểu nhân”.

Tuy nhiên, nước Mỹ cũng đỡ “mất mặt” phần nào khi ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thay mặt toàn thể người dân Mỹ chuyển lời chia buồn tới nhân dân Nga trong cuộc hội đàm với ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Đó là một lời chia buồn không phải là chính thức do không phải là người đứng đầu quốc gia thực hiện.

No comments:

Post a Comment