2015/11/23

LẠI MỘT TUYÊN BỐ PHI LÝ CỦA HRW

Hôm 20/11 vừa qua, tổ chức “Theo dõi Nhân quyền thế giới” (HRW) đã ra một tuyên bố hết sức phi lý về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Tuyên bố này cho rằng, Việt Nam đang sử dụng các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia để bịt miệng các nhà bất đồng chính kiến và bắt giữ những người phê bình chính quyền.

Càng phi lý hơn khi HRW còn cho rằng, bất chấp những cam kết TPP, Việt Nam đang tăng cường các biện pháp đàn áp những tiếng nói bất đồng với các điều luật hà khắc mới được đề xuất (ám chỉ việc Quốc hội Việt Nam đang thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự).

HRW kêu gọi Hoa Kỳ và các quốc gia thành viên khác của Hiệp định “Thương mại Xuyên Thái Bình Dương” (TPP) cần gây sức ép để Việt Nam không thông qua các điều luật dự thảo “có nội dung gia tăng các chế tài mang tính vi phạm nhân quyền để sửa đổi, bổ sung bộ luật hình sự vốn đã hà khắc”.

Đó thực sự là một tuyên bố phi lý và can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam của tổ chức “Theo dõi nhân quyền thế giới” (HRW).

Trên thực tế, nhiều người đều biết rằng, tuyên bố này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Trần Đại Quang báo cáo trước Quốc hội về tình hình điều tra, xử lý các đối tượng và vụ án xâm phạm an ninh quốc gia. Trong báo cáo của Bộ Công an, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, trong gần 3 năm qua (từ tháng 6/2012 đến tháng 11/2015), ngành Công an đã tiếp nhận, bắt giữ, xử lý 1.410 vụ, 2.680 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, cũng trong khoảng thời gian này, số đối tượng chống đối đã lập hơn 60 hội, nhóm bất hợp pháp dưới danh nghĩa dân chủ, nhân quyền với khoảng 350 đối tượng tham gia ở 50 tỉnh, thành.

Như vậy, có thể nói rằng việc tổ chức HRW ra tuyên bố phi lý trên không gì khác ngoài mục đích cổ vũ, khích lệ, hậu thuẫn cho các đối tượng chống đối ở Việt Nam, những đối tượng đã và đang bị Nhà nước Việt Nam điều tra, xử lý về các tội xâm phạm an ninh quốc gia gia tăng các hoạt động chống phá. Lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tổ chức HRW đưa ra những tuyên bố kiểu này. Trước đó, tổ chức này còn thường xuyên tổ chức trao các giải thưởng về “nhân quyền” cho các cá nhân, thực chất là các đối tượng chống đối chính phủ ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Bản chất thực sự của tổ chức này thì ai cũng đã rõ. Là tổ chức “nhân quyền”, nhưng HRW lại chuyên lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ, tuyên truyền xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở các quốc gia không cùng chế độ chính trị với Mỹ.

Xin hỏi ông Phó Giám đốc Ban Á Châu của Human Rights Watch - Phil Robertson, ông nói với VOA Việt ngữ rằng: “Có rất nhiều điều luật ở Việt Nam vi phạm các cam kết của chính Hà Nội về việc tôn trọng các chuẩn mực nhân quyền quốc tế”, vậy đó là những điều luật nào?

Theo ông, đó là Điều 79, Điều 88, Điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành, hay còn điều luật nào nữa? Những điều luật trên có gì vi phạm các cam kết, có gì vi phạm với luật pháp quốc tế?

HRW nói: “Thay vì loại bỏ các điều luật vốn đã hà khắc, thì chính phủ lại đề xuất các chế tài trừng phạt còn nặng nề hơn đối với những người hoạt động nhân quyền và các blogger” nhằm ám chỉ các điều luật mới được đề xuất điều chỉnh như: Điều 109 (thay cho điều 79 trước đây), điều 117 (thay cho điều 88) và điều 118 (thay thế điều 89) trong Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Vậy, xin hỏi các người, ở Mỹ có trừng trị, có xử lý những kẻ chống đối chính phủ, những tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia? Bộ luật Hình sự Mỹ có quy định các điều luật tương tự?

Bất kỳ một quốc gia có chủ quyền nào cũng đều xây dựng các đạo luật để bảo vệ đất nước, bảo vệ chính thể của họ. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nước để xây dựng các đạo luật phù hợp. Việc Việt Nam sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự đã được lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, có tiếp thu, chọn lọc để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của Việt Nam.

Chẳng nói đâu xa, ở Trung Quốc, chỉ từ đầu năm 2015 đến nay, Cảnh sát Trung Quốc đã điều tra hơn 7.400 vụ phạm tội có liên quan tới không gian mạng, bao gồm hack, lừa đảo trực tuyến và buôn bán trái phép thông tin cá nhân, sau đó bắt giữ 15.000 người. Vậy, theo HRW, cảnh sát Trung Quốc có tăng cường trấn áp, có vi phạm các cam kết hay là họ tăng cường bảo vệ an ninh mạng của nước mình?

No comments:

Post a Comment