2015/11/26

CỐ VẤN CỦA tỔNG THƯ KÝ LHQ ĐÃ TÌM RA CHA ĐẺ CỦA KHỦNG BỐ

Giáo sư Jeffrey D.Sachs- cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon
Trong bài phân tích độc quyền cho Thanh Niên, GS Jeffrey D.Sachs - cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon - chỉ ra nguồn cơn của các tổ chức Hồi giáo cực đoan và đề xuất con đường tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố.

Từ vụ máy bay Nga nổ tung trên bầu trời bán đảo Sinai giết chết 224 người, trận thảm sát tại Paris cướp đoạt 130 mạng sống đến vụ đánh bom tại Ankara khiến 102 người thiệt mạng, tất cả những hành động tấn công khủng bố nhằm vào dân thường đều là tội ác chống nhân loại. Thủ phạm, trong trường hợp này là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), phải bị chặn đứng và muốn làm được điều này cần hiểu rõ tận gốc rễ về mạng lưới khủng bố đang tắm máu người vô tội này.
Dù rất đau đớn nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật rằng chính phương Tây và đồng minh phải chịu một phần lớn trách nhiệm khi đã tạo ra môi trường cho IS bám rễ và sinh sôi. Chỉ có thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ và châu Âu về vấn đề Trung Đông mới có thể giảm thiểu nguy cơ khủng bố.
“Bầy thú dữ” của CIA
Cần nhìn nhận sự thật rằng những vụ tấn công gần đây là hậu quả không thể lường trước từ những chiến dịch bí mật lẫn công khai của Mỹ và châu Âu trên khắp Trung Đông, Bắc Phi, bán đảo Somalia và Trung Á. Mục đích của những hành động lặp đi lặp lại này là lật đổ các chính thể và dựng nên những chế độ phục tùng lợi ích của phương Tây. Chúng không chỉ khơi mào bất ổn tại các khu vực, gieo rắc sự thống khổ cho dân địa phương, mà còn đẩy người dân Mỹ, châu Âu, Nga và Trung Đông ra trước họng súng của khủng bố.
Phương Tây phải chấm dứt “nổi lửa tự thiêu” - ảnh 1
Giáo sư Jeffrey D.Sachs - Ảnh: Project Syndicate
  
Dư luận chưa bao giờ chính thức được trình bày rõ ràng về cội nguồn thật sự của Osama bin Laden, al-Qaeda hoặc sự trỗi dậy của IS. Từ năm 1979, CIA đã huy động, tuyển mộ, huấn luyện và vũ trang cho các thanh niên Hồi giáo dòng Sunni để chống lại Liên Xô trên mặt trận Afghanistan. CIA tuyển quân rộng rãi trong các cộng đồng Hồi giáo (bao gồm tại châu Âu) để thành lập Mujahideen, một lực lượng vũ trang Sunni đa quốc tịch nhằm đánh bật Liên Xô khỏi Afghanistan. Bin Laden, xuất thân từ một gia tộc Ả Rập Xê Út giàu có, đã được lôi vào cuộc chiến với vai trò dẫn dắt và hỗ trợ tài chính.
Bằng cách gieo rắc ý tưởng về vai trò của các chiến sĩ chống những kẻ báng bổ và bảo vệ vùng đất của Hồi giáo trước thế lực ngoại đạo, CIA đã nhào nặn một lực lượng vũ trang cực đoan gồm hàng ngàn thanh niên chiến đấu xa nhà. Chính lực lượng khởi đầu này và ý thức hệ thúc đẩy sự tồn tại của nó là nền tảng cho những nhóm vũ trang Hồi giáo hiện nay, bao gồm cả IS. Vào cuối thập niên 1980, cùng với sự rút quân của Liên Xô khỏi Afghanistan, một số phần tử Mujahideen biến hình thành al-Qaeda, tiếng Ả Rập nghĩa là “căn cứ”, ban đầu chỉ các cơ sở quân sự và huấn luyện trên đất Afghanistan được bin Laden và CIA xây dựng cho Mujahideen.
Quả báo đã đến khi mục tiêu không còn là Liên Xô mà ngày nay là Mỹ, châu Âu (chủ yếu là Pháp, Anh) và Nga.
Quỷ xổng chuồng
Mỹ bắt đầu bị cắn ngược từ chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất khi nước này xây mới và mở rộng các căn cứ quân sự trên những “vùng đất Hồi giáo”, đặc biệt là tại Ả Rập Xê Út, nơi tọa lạc những thánh địa linh thiêng nhất của đạo Hồi. Điều trớ trêu là đối với ý thức hệ mà CIA đã cố công bồi đắp cho các chiến binh Hồi giáo, việc Mỹ mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực là một điều vô cùng báng bổ và mang tính xâm lăng. “Quỷ dữ” chính thức xổ lồng từ cuộc chiến của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Iraq vào năm 2003. Cuộc chiến không những được triển khai trên nền tảng những bằng chứng dối trá của CIA mà còn nhằm tạo ra một thể chế quỵ lụy phương Tây do người Hồi giáo Shiite dẫn đầu. Thế là càng có thêm nhiều người Sunni ở Iraq sẵn sàng cầm súng.
Gần đây hơn, phương Tây lật đổ chính quyền Muammar Gaddafi tại Libya trong khi Mỹ hợp tác với giới tướng lĩnh Ai Cập để truất phế chính quyền dân cử của phong trào Huynh đệ Hồi giáo. Tại Syria, sau hành động đàn áp người biểu tình bằng bạo lực của Tổng thống Bashar al-Assad năm 2011, Mỹ, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ cùng những đồng minh khác trong khu vực đã nhúng tay tạo ra các thế lực vũ trang nổi dậy, góp phần đẩy quốc gia này vào vòng xoáy hỗn loạn và bạo lực.
Lâu nay, những chiến dịch kiểu này liên tục thất bại và hầu như đều gây ra thảm họa. Chúng không tạo dựng được những chính quyền bình ổn hoặc thậm chí không thiết lập được sự ổn định thấp nhất ở cấp độ sơ khai nhất. Ngược lại, bằng các hành động ở Iraq, Libya, Syria, Sudan và những nơi khác bị liệt vào dạng thù địch, phương Tây đã châm ngòi khủng hoảng, đổ máu và nội chiến. Trong bối cảnh hỗn loạn này, IS đã bắt lấy cơ hội để chiếm giữ lãnh thổ tại Syria, Iraq và một phần Bắc Phi.
Lối thoát
Muốn đánh bại IS và các tổ chức giơ chiêu bài thánh chiến bạo lực, cần phải thực hiện theo 3 bước.
Đầu tiên, Mỹ nên ngưng ngay các chiến dịch ngầm của CIA. Việc sử dụng cơ quan này như một đội quân bí mật gây bất ổn cho các nước khác đã tạo ra một lịch sử đầy bi kịch và thất bại. Tất cả đều nằm ngoài tầm mắt của dư luận. Chấm dứt những sai lầm bắt nguồn từ CIA có thể tạo ra tác động ngăn chặn bất ổn, bạo lực và mối hận thù nhằm vào phương Tây, tức những chất kích thích tạo nên chủ nghĩa khủng bố như ngày nay.
Thứ hai, Mỹ, Nga và các thành viên khác của HĐBA phải gạt mâu thuẫn sang một bên và thiết lập một cơ chế hành động vì hòa bình tại Syria. Các bên đều có nhu cầu cấp bách phải đánh bại IS và ai nấy đều là nạn nhân của khủng bố. Hơn nữa, hành động quân sự chống IS chỉ có thể thành công nếu hợp pháp, danh chính ngôn thuận và được HĐBA ủng hộ. Theo đó, cơ chế hành động này phải bao gồm chấm dứt sự can thiệp quân sự của bên ngoài vào Syria, lập thỏa ước ngừng bắn tại nước này; điều lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tham chiến chống IS và tiến hành quá trình chuyển giao quyền lực tại Syria - không phải theo ý đồ của bất cứ bên nào mà theo sự đồng thuận của cả LHQ - nhằm hỗ trợ hoạt động tái thiết chính trị theo hướng hòa bình.
Cuối cùng, một giải pháp dài hạn để giải quyết bất ổn trong khu vực nằm ở khía cạnh phát triển bền vững. Toàn bộ Trung Đông không những bị chiến tranh tàn phá mà còn bị vây khốn bởi các thất bại của chiến lược phát triển: thiếu nước ngày càng trầm trọng, tình trạng sa mạc hóa, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, hệ thống giáo dục nghèo nàn và những rào cản lớn khác.
Gây thêm chiến tranh, đặc biệt những cuộc chiến do phương Tây chống lưng, sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Thay vào đó, làn sóng đầu tư vào giáo dục, y tế, năng lượng tái tạo, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, được tài trợ từ nội bộ khu vực lẫn toàn cầu, mới là chìa khóa thật sự nhằm xây dựng một tương lai ổn định hơn cho Trung Đông và cả thế giới.
IS “nhận tiền từ 40 nước”
Một số chuyên gia và quan chức cáo buộc những thế lực Hồi giáo dòng Sunni giàu có và bảo thủ trên thế giới, chủ yếu tại các nước vùng Vịnh như Ả Rập Xê Út, Kuwait và Qatar đã trực tiếp hoặc gián tiếp đổ tiền “nuôi” IS. Mục đích là tạo ra một lực lượng chống lại Iran lẫn chính quyền al-Assad ở Syria, vốn theo Hồi giáo dòng Shiite, đồng thời lan truyền một nhánh của Hồi giáo Sunni được gọi là Wahhabism. Nhánh này bị xem là cực đoan nhất, khắc nghiệt nhất trong thế giới Hồi giáo và là hệ tư tưởng chính của các tổ chức như IS, al-Qaeda cũng như nhiều gia tộc lớn tại vùng Vịnh.
Cuối tuần trước, Đài RT dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các cá nhân và tổ chức ở 40 nước đang hỗ trợ tài chính cho IS, trong đó có cả thành viên của G20, nhưng không nói rõ chi tiết. Hôm 19.11, đến lượt Chủ tịch Công đảng Anh Jeremy Corbin kêu gọi trừng phạt những quốc gia “đổ tiền cho IS, bao gồm cả Ả Rập Xê Út”. Theo tờ The Independent, ông Corbin cho rằng: “Ả Rập Xê Út, có thể không phải ở cấp độ nhà nước, nhưng ở cấp độ cá nhân và tổ chức là một nguồn tiền của IS”. Dĩ nhiên, chính quyền các nước bị nêu tên lâu nay luôn cương quyết bác bỏ mọi cáo buộc.
Trọng Kha

Jeffrey D.Sachs (Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký LHQ)
(Thụy Miên chuyển ngữ)

No comments:

Post a Comment