2015/10/29

Những hành động mang tính biểu tượng của nước lớn

Mõ Làng


Từ ngày tuyên bố "xoay trục về châu Á", hai con hổ Mỹ - Trung đã có ít nhất 2 lần đụng độ mang tính biểu tượng.

Lần thứ nhất, khi mà cuộc tranh chấp Senkaku giữa TQ với Nhật Bản căng thẳng, TQ đã tự ý tuyên bố "vùng nhận dạng phòng không" trùm lên Senkaku và cả không phận Hàn Quốc. 


Vùng nhận dạng phòng không (Air Defense Identification Zone, viết tắt ADIZ) là vùng bầu trời do một quốc gia tự ấn định ra và đòi hỏi các máy bay bay ngang vùng nhận dạng của một quốc gia phải tuân thủ các yêu cầu nhất định, chẳng hạn như phải nộp trước lộ trình bay; thiết lập liên lạc hai chiều đối đáp trong thời gian sớm nhất và chính xác nhất với nước quản lý ADIZ...

Khái niệm Vùng nhận dạng phòng không là sản phẩm của Chiến Tranh Lạnh vào thập niên 1950, khi Hoa Kỳ công bố vùng nhận dạng phòng không đầu tiên. Ngày nay, Hoa Kỳ có năm vùng (Bờ Đông, Bờ Tây, Alaska, Hawaii, và Guam) và có hai vùng chung với Canada bao phủ phần lớn Bắc Mỹ. Những nước khác có ADIZ bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Na Uy, Pakistan, Nam Hàn, Đài Loan, và Vương quốc Anh.

Nhưng có vẻ năm 2015 không còn là năm 1950, và Trung Quốc buộc Mỹ phải có lựa chọn cách ứng xử tối ưu nhằm tránh các phản ứng tiêu cực từ Bắc Kinh. 

Ngày 26/11/2013 hai chiếc B-52 cất cánh từ căn cứ không quân Mỹ ở Guam và tiến vào “Khu vực xác định phòng không” của Trung Quốc mà không hề đưa ra bất kỳ thông báo nào cho phía TQ. 

Cả Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel lẫn Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đều nói rằng Washington không công nhận “Khu vực xác định phòng không” mà Trung Quốc vừa đơn phương công bố. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói thẳng: “Chúng tôi coi diễn biến này là một nỗ lực gây mất ổn định nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực. Hành động đơn phương này làm tăng nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai lầm”

Lần ấy, Thiếu tướng không quân Trung Quốc Qiao Liang của Quân giải phóng nhân dân đã tuyên bố yếu ớt rằng rằng, máy bay nước ngoài xâm nhập ADIZ mới có thể bị máy bay chiến đấu của Trung Quốc bắn hạ, việc hai chiếc B-52 tiến vào khu vực này để xem liệu máy bay Trung Quốc có dám tấn công máy bay Mỹ hay không. 




Hôm nay lần thứ hai, Mỹ đã phái khu trục hạm USS LASSEN đi vào khu vực 12 hải lí quanh Đá Vành Khăn và Su Bi mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam rồi xây dựng thành đảo nhân tạo. 

Việc Mỹ lên kế hoạch thách thức Trung Quốc bằng cách cho hải quân tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh những giới hạn lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố cũng có thể đưa lại cho Washington những rủi ro. Bởi cuộc xung đột Mỹ - Trung sẽ không giống như các cuộc xung đột khác mà Washington đối mặt kể từ Thế chiến II. 

Biển Đông là tuyến vận tải trọng yếu của các nền kinh tế lớn. Vùng Hoành Sa, Trường Sa với các rạn san hô, đảo san hô và bãi cát lại trở thành môt cuộc đấu tranh chính trị lớn. Sự “can thiệp” của Mỹ lần này để chứng tỏ, Mỹ có thể đảm bảo an ninh cho các đồng minh ở châu Á.

Lầu Năm Góc, trong bài toán triển khai số lượng hải quân như thế nào để có thể“răn đe” Bắc Kinh mà không kích hoạt sự xung đột quân sự - vượt khỏi tầm kiểm soát lại đặt ra. Và lần này là một khu trục hạm.

Cũng như lần trước, lần này phản ứng từ phía TQ lại tỏ ra yếu ớt. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng kêu gọi Mỹ "nên tránh những hành động nóng vội, thiếu thận trọng và nên suy nghĩ kỹ"“Chúng tôi đang kiểm tra độ xác thực của thông tin trên, nếu điều đó là sự thật thì chúng tôi sẽ kêu gọi Mỹ nên suy nghĩ kỹ những bước đi tiếp theo của mình, không nên có những hành động nóng vội, không nên để xảy ra những sự cố đáng tiếc”

Rồi mọi việc sẽ qua và chìm vào quên lãng thôi. Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ không dại gì sứt đầu, mẻ trán vì mấy cái đảo nhỏ của đồng minh, đối tác chiến lược. Vùng nhận dạng phòng không thì cứ lập. Thi thoảng ra oai với mấy chú nhỏ như chặn máy bay Lào. Đảo chìm cứ đắp thành nổi, cứ xây dựng, cứ bắt nạt ngư dân. Máy bay, tàu chiến của anh cũng chỉ lướt qua một lần tượng trưng thôi. Không lẽ không lên tiếng.

No comments:

Post a Comment