2015/10/17

NGA - UKRAINE BÌNH THƯỜNG HOÁ QUAN HỆ CHỈ BẰNG KHE CỬA HẸP?

"Quan hệ Nga- Ukraine có dấu hiệu "tan băng" - đó là tên của bài viết trên báo Tuổi trẻ. Bài báo đã chỉ ra vô số những dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Nga- Ukraine đang có xu hướng ấm lên sau những biến cố chính trị có ý nghĩa bước ngoặt tại Ukraine. Điều đáng nói, từ sau khi Nga thu hồi Crime bằng một biện pháp được cho là nhẹ nhàng và hiệu quả mà chính Ukraine cũng đã phải bất lực đứng nhìn thì rất nhiều chuyên gia phân tích đã cho rằng đó là dấu chấm hết cho mối quan hệ hai quốc gia láng giềng, từng ở trong ngôi nhà chung SNG. Và người ta cũng cho rằng chỉ khi nào hoặc là chế độ chính trị Nga hoặc là chế độ chính trị tại Ukraine có sự biến động mạnh mẽ hơn và Putin và tổng thống đương nhiệm của Ukraine không tại vị thì mối quan hệ này mới được hoá giải. Vậy nhưng, cái điều tưởng chừng không tưởng và khó xảy ra đó đã bước đầu có những tín hiệu tốt lành. 

Một trạm bơm khí đốt tại Ukraine (Nguồn: Internet). 

Đầu tiên là lệnh ngừng bắn 1 tuần trùng với thời điểm bắt đầu năm học mới kéo dài 5 tuần thay vì 1 tuần như dự kiến và "với việc hầu như không có vụ vi phạm hay vụ thương vong nào" giữa quân Chính phủ và phe li khai đã khai mở những triển vọng tốt đẹp cho cả hai bên. Tiếp đó, "từ ngày 4/10 các lực lượng Ukraine rút vũ khí hạng nặng ra khỏi chiến tuyến. Đổi lại, lực lượng ly khai cũng bắt đầu rút vũ khí hạng nặng, và ngày 6/10 các đại diện của Donetsk và Luhansk tuyên bố sẽ lùi cuộc bầu cử địa phương tới năm 2016". 

Một số vướng mắc từ quá khứ như chuyện Ukraine đang nợ Nga một khoản nợ lên đến 3 tỷ USD trong hợp đồng cũng đã được phía Ukraine tính toán thanh toán tháng 12 tới trước khi tính đến việc hai nước chính thức thỏa thuận về việc Moskva nối lại nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine từ ngày 12/10 cho tới hết mùa Đông. 

Chưa hết, bài báo cũng đã phân tích ảnh hưởng từ các nhân tố bên ngoài, nhất là quan điểm, thái độ của các nước Châu Âu, một đối tượng đã bị thua thiệt nhiều mặt sau khi áp dụng lệnh cấm vận lên Nga sau những biến cố tại Ukraine. Đồng thời, cho biết là Nga sẽ có rất ít sự lựa chọn bởi nền kinh tế Nga đang suy giảm nghiêm trọng do các chính sách cấm vận, ngừng giao dịch, làm ăn từ Châu Âu. Việc Nga - Ukraine bình thường hoá quan hệ được cho là liệu pháp giúp không chỉ Nga, Ukraine mà còn giúp một số quốc gia Châu Âu tháo ngòi nổ kinh tế cho chính mình. 

Và ở đây người viết cũng hoàn đồng ý với tác giả bài báo rằng chỉ nên dám nhìn nhận mối quan hệ giữa Nga - Ukraine thời điểm hiện tại ở mức độ là "dấu hiệu" và chưa có bất cứ một điều gì là chắc chắn. Nó vẫn là một câu hỏi lớn mà thời gian tới chính Nga và Ukraine sẽ phải tính toán và thực hiện. Bởi, trên thực tế trong vấn đề này hoà giải hay không đâu chỉ phụ thuộc vào mỗi Nga và Ukraine là đủ. Vẫn còn đó phía quân ly khai và nếu ai quan sát vấn đề từ đầu hẳn thấy rằng những động thái được cho là tích cực chỉ là những việc làm có tính nhất thời, chiều lòng lời đề nghị từ cả hai bên (việc ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng ra khỏi chiến tuyến) chứ họ chưa bao giờ từ bỏ việc mục tiêu tranh đấu buộc Chính phủ Ukraine cho họ được hưởng cái "Quy chế đặc biệt" trong lòng đất nước này. Điều này cũng đã được phía quân ly khai đặt ra trong các thoả thuận Minsk như một điều kiện để đi đến một giải pháp hoà bình có tính chất căn cơ và lâu dài. 

Vậy nên, để mối quan hệ Nga - Ukraine thực sự có tiến triển và đi đến những dấu hiệu tốt lành thì hoặc là mục tiêu của Quân li khai không còn và đương nhiên điều này phải đích thân do người Nga đứng ra thuyết phục; hoặc là phía Chính phủ Ukraine hiện tại đồng ý cho phía Quân Li khai được hưởng cái "quy chế đặc biệt" đó? Sự bế tắc trong hai khả năng này càng cho thấy tất cả những gì hai bên đang có, đang đạt được đến thời điểm hiện tại chỉ là dấu hiệu và từ đó đến khi có sự bình thường hoá là cả một chặng đường dài. Trong đó xin nhắc lại, sự hợp tác của Quân li khai đóng vai trò mấu chốt, tiên quyết nhất. 

Ở lí do thứ hai người viết cho rằng nó căn bản và quyết định không kém lí do thứ nhất được chỉ ra ở trên. Cho đến thời điểm hiện tại dù người Mỹ đã tỏ ra khá hời hợt trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, cần nhận thức lại rằng chính người Mỹ chứ không phải là một nước Châu Âu nào khác đã tạo nên cái thế cục rối rắm hiện tại ở Ukraine. Và cũng xin thưa rằng Chính phủ đương nhiệm tại Ukraine do chính một tay người Mỹ dựng lên và đương nhiên cái vai trò ảnh hưởng của họ là rất lớn. Nói như thế để thấy rằng, một mình Chính phủ Ukraine hiện tại gật đầu thôi không đủ, sự đồng tình của Mỹ có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt.

Cái khó khăn nhất là mối quan hệ Nga - Mỹ thời gian gần đây, nhất là khi Nga chính thức đổ bộ quân, vũ khí không kích IS trên đất Syria đang có dấu hiệu xấu đi trông thấy. Họ bất đồng trong chính sách quân sự của hai bên trong cuộc chiến Syria và việc Mỹ không đồng ý Nga không kích lên cả lực lượng đối lập tại Syria được cho là nguyên nhân này. Chính vì vậy, việc Mỹ tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn với Nga trong vấn đề Ukraine là điều rất dễ nhận thấy, bởi suy cho cùng đó cũng chỉ là con bài cuối cùng mà Mỹ có thể sử dụng trong "ván cờ đổi chác" giữa hai cường quốc này. Trong khi đó, với Người Nga, Syria không chỉ là một vùng lãnh thổ bình thường, đó là nơi họ đã thiết lập được ảnh hưởng có tính truyền thống từ sau thế chiến 2 và họ sẽ không bao giờ chịu từ bỏ cũng như chia sẻ quyền ảnh hưởng tại Syria với Mỹ, nhất là trong bối cảnh khu vực ảnh hưởng lớn như thế với người Nga là không nhiều! Họ cần Syria để duy trì cán cân quyền lực thế giới và đối trọng lại với sức mạnh của Mỹ và một số cường quốc mới nổi như Trung  Quốc. Và Nga có thể sẽ chấp nhận liệu pháp thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh suy giảm kinh tế nhưng để đảm bảo cho một tương lai xa hơn thì họ sẽ không thể có bất cứ sự nhượng bộ nào trong vấn đề Syria. 

Còn hai lí do nữa cũng được đề cập đến là "vấn đề ân xá cho các tay súng ly khai" và những vấn đề nội tại của Ukraine cũng được cho là nguyên nhân cản trở tiến trình bình thường hoá quan hệ Nga - Ukraine. Và theo đó, "chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đặc biệt là đảng Cánh hữu Ukraine và đảng Tự do (Svodoba), đang phản đối mọi sự thỏa hiệp với lực lượng đòi ly khai" và khi đó xem chừng mọi nỗ lực hoà giải từ Chính phủ Ukraine và lực lượng đòi ly khai khó có thể tiến xa hơn. 
***
Với những lí do nói trên, phải công nhận rằng mới chỉ có khoảng 30% đảm bảo Nga - Ukraine có thể đi đến bình thường hoá quan hệ. 70% còn lại đang phụ thuộc vào Mỹ, Quân li khai, việc Chính phủ Ukraine tháo gỡ các vấn đề bất đồng trong nội bộ và cả chính nước Nga. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng quan hệ quốc tế đương đại luôn chứa đựng rất nhiều bất ngờ và lợi ích các nước lớn không nhất thiết luôn phải là những miếng mồi ngon. Mỹ có thể sẽ giữ quan hệ cứng rắn với Nga trong vấn đề Ukraine nhưng ai dám đảm bảo rằng không phải Nga mà chính họ mới là người đi đến tháo gỡ sự bế tắc trong quan hệ hiện tại với một biện pháp không công khai. Thậm chí, với những khó khăn hiện tại thì Chính Phủ Ukraine sẽ phải đi đến gây sức ép với chính Mỹ để đi đến bình thường hoá quan hệ với Nga? 

Và chúng ta lại càng có niềm tin Nga - Ukraine có thể đi đến bình thường hoá quan hệ chỉ bằng một cái khe cửa hẹp khi mới đây nhất, "Tổng Công tố Ukraine Viktor Shokin đã phải lên tiếng thừa nhận rằng cơ quan này không tìm được bất cứ thông tin nào về sự dính líu của Nga đến thảm kịch đối với người biểu tình Ukraine trong sự kiện “Maidan” năm 2014". Niềm tin lẫn nhau luôn là chìa khoá để hai quốc gia đến với nhau và khi Nga - Ukraine có được điều đó thì không có điều gì là không thể. 
An Chiến

No comments:

Post a Comment