2015/10/21

Chuyện con ông cháu cha

Kính Chiếu Yêu

Tại những quốc gia tự do và có bầu cử, dân chủ, chuyện"con ông cháu cha" hay "cả họ làm quan" cũng khá phổ biến nhưng được coi là bình thường – thậm chí phần nào được thán phục, kính nể.

Tại sao ở những quốc gia ấy, chuyện đó không gây tranh cãi, còn ở Việt Nam nó được coi là bất thường và luôn tạo nên những đàm tiếu hay chỉ trích, bất bình trong dư luận?

Hãy thử làm một thống kê nhỏ.

Nước Mỹ có rất nhiều gia đình chính trị có tác động rất lớn lên lịch sử quốc gia dân chủ, tự do và giàu mạnh này. 

Bốn gia đình Roosevelt, Adams, Harrison và Bush đều có hai đời tổng thống. John F. Kennedy làm Tổng thống (1961-1963), một người em trai của ông là Robert F. Kennedy giữ chức Bộ trưởng Tư pháp và em trai út Ted Kennedy là Thượng nghị sỹ. Bush cha, Bush con đều là Tổng thống. Thời gian ông George W. Bush nắm giữ chức tổng thống (2001-2009) cũng gần trùng với thời gian em trai mình, Jeb Bush, làm thống đốc Florida (1999-2007).

Argentina có cả chồng lẫn vợ là Néstor Kirchner (2003-2007) và Cristina Kirchner (từ 2007 đến nay) nối nhau làm tổng thống nước này.

Ở Pháp, vợ chồng François Hollande và Ségolène Royal. Ông bà đã chia tay nhau. Tuy vậy, từ tháng Tư năm 2014, bà Ségolène Royal được giao nắm giữ Bộ Môi trường, Phát triển bền vững và Năng lượng – một trong ba vị trí quan trọng nhất trong chính phủ của ông Hollande.

Ở Anh, cách đây mấy năm, hai em David và Ed Miliband đều là bộ trưởng. Năm 2010, cả hai đều tranh chức lãnh đạo của Đảng Lao động nhưng người em, Ed, đã giành chiến thắng sít sao trong vòng cuối.

Hiện tượng gia đình chính trị khá phố biến ở nhiều quốc gia đa đảng, dân chủ ở châu Á – như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines và Singapore.

Gia tộc Gandhi là một gia đình chính trị đầy quyền lực ở Ấn Độ, nhiều năm nối nhau nắm quyền ở đất nước có hơn một tỉ dân này.

Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm Shinzo Abe là con trai của cựu Ngoại trưởng Shintaro Abe và là cháu ngoại của Thủ tướng Nobusuke Kishi (1957-1960).

Thân phụ của Tổng thống Nam Hàn Park Geun-hye là Tổng thống Park Chung-hee (1962-1979).

Thủ tướng Malaysia, Najib Razak, có cha là Thủ tướng Abdul Razak (1970-1976). 

Thân mẫu của Tổng thống Philippines, Benigno Aquino III, là Tổng thống Corazon Aquino (1986-1992).

Cha của Thủ tướng Lý Hiển Long là Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore.


Ở các nước do đảng Cộng sản nắm quyền, hiện tượng con ông cháu cha cũng khá phổ biến.

Fidel Castro nắm giữ chức Thủ tướng, rồi Chủ tịch Cuba từ năm 1959 đến năm 2008. Vì bệnh, không thể tiếp tục lãnh đạo, ông đã trao quyền lại cho em trai mình là Raúl Castro.

Từ năm 1948 đến nay, Bắc Hàn liên tiếp sống dưới ba lãnh tụ của gia đình họ Kim – Kim Il-sung (1948-1994), Kim Jong-il (1994-2011) và Kim Jong-un (từ năm 2011).

Ở Trung Quốc, con cháu của các nhân vật cao cấp của Đảng Cộng sản cũng thường được nắm giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống quyền lực của nước này. Lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc, Tập Cận Bình, là con của Tập Trọng Huân – một công thần của chế độ.

Tại Việt Nam, hàng chục năm qua chưa có hiện tượng con ông, cháu cha lên nắm quyền ở những vị trí chóp bu. Mấy năm gần đây mới thấy vài gương mặt nổi lên nhưng cũng chỉ ở cấp Bí thư tỉnh ủy, Thứ trưởng, Phó chủ tịch tỉnh. Chưa có, hay chưa thấy rõ hiện tượng "COCC" như một "trào lưu". Vì theo thống kê, Việt Nam có 68 tỉnh thành, 22 cơ quan cấp Bộ và tương đương. Có hơn 500 cán bộ cấp Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch, Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương.

Hiện tại, những người thuộc diện "con ông cháu cha" được bầu vào trung ương, bổ nhiệm nắm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp tỉnh trở lên cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vậy sao, dư luận phản ứng khá tiêu cực về một số vụ việc bổ nhiệm "con ông, cháu cha" gần đây, với một tâm trạng không có thiện cảm. 

Nếu được sinh ra trong một gia đình chính trị "nhà nòi", đặc biệt là những gia đình chính trị có uy thế, ít hay nhiều con cái họ cũng có những lợi thế trong thừa hưởng những kinh nghiệm của tiền bối và có những lợi thế để tiến thân trên con đường chính trị. Điều đó hẳn là chính đáng.

Tuy nhiên, những người diện "con ông cháu cha" được cất nhắc, bổ nhiệm nhất thiết phải có uy tín chính trị. Uy tín chính trị là cái gì vậy.

Thông thường, uy tín chính trị được xây dựng trên cơ sở của các giá trị về lòng yêu nước, phụng sự dân tộc, tri thức - kinh nghiệm, đạo đức - phẩm chất, tài năng, mức độ cống hiến. 

Ai cân đong, đo đếm những cái đó. Tất nhiên, với chế độ chính trị của Việt Nam thì đó là tổ chức Đảng, chính quyền và nhân dân. Cách thức đo đếm những cái đó đều có "quy trình" của nó. Chỉ có quy trình đúng hay sai và tính dân chủ, minh bạch được thể hiện thế nào mà thôi.

Khen, chê với cá nhân này hay cá nhân kia cũng nên khách quan. Không phải tất cả con ông cháu cha vừa mới cất nhắc, đề bạt trước đây cũng như vừa rồi đều trúng cấp ủy hoặc đều bị chê bai. Và chê bai cũng nên có những căn cứ cụ thể so với những giá trị về tri thức - kinh nghiệm, đạo đức - phẩm chất, tài năng, mức độ cống hiến nói trên. 

Đừng mỉa mai "quy trình" hay là "thái tử đảng" mà nên công tâm chỉ ra những điểm yếu cụ thể của từng cá nhân được đề bạt. Chủ tịch nước, trong tiếp xúc cử tri cũng đã nói sẵn sàng tiếp nhận những thông tin chất vấn với những cá nhân cụ thể. 

No comments:

Post a Comment